Cậu bé nghèo từ cõi chết trở về, thi đỗ hai trường đại học

30/10/2012 07:13
Kim Ngân
(GDVN) - Sinh ra không có bố, miếng cơm manh áo của hai mẹ con trông chờ vào hơn 2 sào ruộng và gánh chuối ở chợ của người mẹ già, nhưng Đoàn Văn Minh (SV năm 1, Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội) chưa bao giờ từ bỏ ước mơ vào đại học.
Hàng ngày, Minh vẫn hì hục dậy từ 5 giờ kém để nấu cơm ăn trước khi bắt xe buýt từ thôn Đề Trụ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm đến Trường ĐH Bách Khoa. Vậy là, giấc mơ vào đại học của mẹ, của Minh đã trở thành hiện thực. Nhưng đằng sau niềm vui ấy là cả nỗi lo khi 2 sào ruộng, gánh chuối bán ở chợ của mẹ không đủ để đóng tiền học đại học.

Điều kỳ diệu: Cậu bé sống lại

Nhìn dáng người Minh, tôi không nghĩ hàng ngày cậu phải uống thuốc vì năm nào cậu cũng ốm, cúm vặt. Cậu kể rằng, ngày nhỏ “thuốc ăn kèm với cơm” là bình thường. Khi mới sinh ra, Minh ốm yếu quặt quẹo, da vàng ệch, tưởng không sống được. Nhưng đến lúc mang ra nhà xác, điều kỳ diệu đã xảy ra khi bác sỹ thấy tay cậu cử động và Minh đã sống lại.
Đoàn Văn Minh (SV năm 1, Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa HN) vui mừng khi đỗ cả hai trường đại học.(Ảnh Kim Ngân).
Đoàn Văn Minh (SV năm 1, Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa HN) vui mừng khi đỗ cả hai trường đại học.(Ảnh Kim Ngân).
Sống với mẹ già trong căn nhà vỏn vẹn 18 m2, chỉ kê được 2 chiếc giường và bàn thờ. Trong nhà đồ giá trị nhất là chiếc ti vi được cô chú cho. Gần 20 năm, mẹ con dựa vào nhau mà sống, vượt qua những thị phi, lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh. Trong hoàn cảnh ấy, Minh vẫn đến trường như người bình thường và thi đỗ cả hai trường đại học.

Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội không thích bon chen, chỉ làm thầy giáo

Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội không thích bon chen, chỉ làm thầy giáo

 Lá thư từ Pháp: 15 điểm

Lá thư từ Pháp: 15 điểm "cốt tử" cần đổi mới của giáo dục Việt Nam

Nhắc đến người bố, Minh lặng thinh, không dám nhìn tôi, chỉ thỏ thẻ: “Em không có bố. Chưa bao giờ em hỏi mẹ, bố mình là ai, bố ở đâu hay em được sinh ra như thế nào? Đối với bạn bè, em rất hòa đồng, vui vẻ, giấu kín mọi chuyện và không hề bị bạn bè trêu chọc”.

Kể về người mẹ, mắt cậu rưng rưng: “Mẹ sống vất vả hơn so với mọi người, bươn trải nhiều hơn nên mới 48 tuổi mà ai cũng tưởng đã gần 60 tuổi rồi. Hai sào ruộng không đủ ăn, hàng ngày mẹ dắt xe chở chuối ra chợ bán. Không đi được xe đạp, mẹ chỉ đi bộ, có những ngày đi bộ gần 20 cây số”.
Nhà có hai mẹ con, sống vất vả, lam lũ, Minh trông cũng già hơn so với tuổi. Ngay từ lúc lên 4, 5 tuổi, Minh được mẹ chỉ cho cách nấu cơm, nấu canh như thế nào để đỡ đần khi mẹ làm đồng, đi chợ. Minh nhớ, ngày đó tập nấu có khi cơm nát, cơm sống thậm chí có lần suýt cháy gốc rơm. Đến khi lớn hơn một chút, Minh ra đồng cùng mẹ tra ngô, gặt cấy lúa. “Mọi năm mẹ còn để ra ít thóc bán lấy tiền, nhưng năm nay đi gặt chán lắm, đi “mót” lúa chứ không phải đi cắt. Mấy sào đều bị chuột cắn xơ xác, chắc chẳng đủ ăn”, Minh thở dài nói.

Dù bữa no bữa đói, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, mẹ vẫn quyết tâm lo cho Minh được đến trường, được học bằng bạn bằng bè. Mẹ nói rằng: “Đi học cho giỏi, thi đỗ đại học còn mở mày mở mặt với người ta”. Thương người mẹ nghèo lam lũ, Minh nỗ lực học tập, chăm chỉ ngay từ cấp 1 và giành được nhiều thành tích.

Minh kể rằng không thể quên được chiếc xe đạp mà mẹ mua đã theo cậu đến tận bây giờ. Vì lúc học tiểu học, nhà không có tiền, Minh phải tự đi bộ hơn 20 phút đến trường. Khi lên đến cấp 2, Minh mới được mẹ “cấp” cho chiếc xe đạp để tiện đi học khiến cậu quyết tâm hơn.

Đỗ cả hai trường đại học "khủng"

Trong kỳ thi đại học vừa qua, Minh đỗ cả hai trường ĐH Bách Khoa (khối A, 19 điểm) và ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội (Khối B, 22.5 điểm, Khoa Công nghệ sinh học). Bất ngờ về kết quả của cả hai trường trong cùng một ngày, hai mẹ con ôm nhau vỡ òa hạnh phúc trong nước mắt. 

“Em vừa vui vừa phân vân không biết học trường nào. Mẹ hãnh diện lắm, mẹ vui mừng vì có con đỗ cả hai trường đại học. Nhưng cũng thấy mẹ lo vì không biết có nuôi mình 5 năm học đại học hay không. Đôi khi nghe mẹ kể chuyện, mẹ chỉ thở dài và khuyên mình hay là mình tạm nghỉ học làm thuê phụ giúp mẹ”, Minh buồn rầu kể.

Mỗi khi nhắc đến bố, Minh lại lặng thinh. Giờ ước mơ được học đại học của cậu trở thành hiện thực nhưng đằng sau ấy vẫn có nhiều nỗi lo về "cơm áo gạo tiền". (Ảnh Kim Ngân).
Mỗi khi nhắc đến bố, Minh lại lặng thinh. Giờ ước mơ được học đại học của cậu trở thành hiện thực nhưng đằng sau ấy vẫn có nhiều nỗi lo về "cơm áo gạo tiền". (Ảnh Kim Ngân).

Tò mò về bí quyết học tốt cả hai khối như vậy, Minh khiêm tốn: “Trước ngày thi khối B hai ngày em mới ôn thêm Sinh học vì sợ khối A không đỗ. Cách học của em là chỉ làm nhiều bài tập để nhớ”.

Không chỉ riêng các môn thi đại học, Minh học đều tất cả các môn như Văn, Sử hay tiếng Anh… Minh nói, đa số các bạn trong lớp thường bỏ qua các môn không thi đại học, nhưng em thì chăm chỉ chép bài và nghe cô giáo giảng trên lớp nên không có gì khó khăn để học đều.

Cũng không “học cày đêm” như các bạn, chưa bao giờ Minh thức quá 11h đêm. Nói về thành tích học tập, Minh dí dỏm cho biết mình không có duyên với thi cử. Ngay từ năm lớp 4 đến cấp 2 đều vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường, huyện nhưng chưa năm nào giành được giải. Chỉ có cấp 3, em được giải 3 Tin học cụm Gia Lâm.

Chia sẻ về 3 điều mong muốn lớn nhất, Minh tâm sự: “Đầu tiên, em sẽ nghĩ cách nào chế tạo hoặc mua chiếc xe đạp 3 bánh để mẹ đi chợ, đi làm. Và em mong ra trường có công ăn việc làm ổn định để nuôi mẹ. Nhưng trước mắt, vì năm đầu học nặng nên năm sau em sẽ kiếm một công việc làm thêm giảm gánh nặng cho mẹ”.

Không chơi game, thú vui duy nhất mà Minh thích là ngồi hàng giờ để gấp giấy làm thiệp, làm đồ hand made… tặng bạn bè làm kỷ niệm.

Chào tạm biệt chàng sinh viên nghị lực “thép”, tôi vẫn thấy đôi mắt cậu hằn lên nỗi lo lắng, băn khoăn về con đường học đại học phía trước. Số tiền học phí gần 3 triệu đồng, dòng suy nghĩ “làm thế nào để có đủ tiền theo đủ 5 năm học” vẫn quẩn quanh đầu cậu. 

“Nếu chỉ có một điều ước bây giờ, em chỉ ước mẹ con em đỡ khổ, mẹ không phải đi buôn, làm ruộng nuôi em ăn học”, Minh nói khiến lòng tôi thắt lại.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

PGS Văn Như Cương: "Toán phổ thông quá nhiều phần vô bổ"

GS. Trần Hồng Quân gửi tâm thư tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Bộ Giáo dục "đẻ" ra trường ngoài công lập, nhưng không "nuôi"

Lá thư từ Pháp: 15 điểm "cốt tử" cần đổi mới của giáo dục Việt Nam

GS Hoàng Xuân Sính: "Tại sao Bộ GD lại dồn trường NCL vào thế bí?"

TS Hoàng Kim Ngọc: "Một số truyện tranh khiến tâm hồn trẻ méo mó"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Kim Ngân