Thầy giáo "gây sốt" mạng: "Tôi không có kỷ niệm đáng nhớ ngày 20/11"

21/11/2012 06:05
Đỗ Quyên
(GDVN) - Là một người hết mực yêu công việc của mình, Th.S tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tâm sự trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: “Tôi không có kỷ niệm đáng nhớ nhất vào ngày 20/11, vì mỗi kỷ niệm trên lớp đều là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi”.
- Hiện nay, dư luận đã có những thông tin về việc dạy thêm của giáo viên. Nhiều người cho rằng mức lương chưa hợp lý làm khó nghề giáo. Thầy nhìn nhận như thế nào về vấn đề “dạy thêm” trong xã hội ngày nay?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Bản chất của chuyện dạy thêm thì không xấu! Xấu hay không là ở cách làm. Nếu người học có nhu cầu thật và nhu cầu hợp lý thì vẫn có thể tổ chức những lớp học thêm để bồi dưỡng những học sinh yếu và phát triển những học sinh giỏi vì trên lớp thầy cô không chăm sát sao hết được. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ giáo viên không có tâm đã “nhín kiến thức” trên lớp để dành cho lớp học thêm, “đì” học sinh không đi học mình, “mớm” đề thi - đề kiểm tra cho học sinh gà nhà đã làm xã hội mất lòng tin vào việc dạy thêm.
- Thầy làm cách nào vượt qua những khó khăn tài chính vì mức lương nhà giáo hiện chưa cao?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Vấn đề nan giải đây! (cười) Không thể tránh né thực tế rằng lương nhà giáo chưa cao. Tuy nhiên, trước khi đặt bút chọn nghề này thì tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế “đã làm nhà giáo thì không giàu về vật chất” rồi. Nghe có vẻ lý tưởng thật, nhưng nuôi sống nghề giáo chúng tôi là tình cảm của học trò chứ không chỉ ở lương.

Riêng đối với bản thân mình, tôi suy nghĩ mở, nghiên cứu tâm lý học là để giảng dạy, nhưng đừng dừng lại ở đó. Tâm lý học có thể ứng dụng vào vô vàn lĩnh vực khác như: tư vấn tâm lý, viết báo và viết sách, huấn luyện kỹ năng, nghiên cứu theo đặt hàng.v.v… Những công việc ấy không chỉ phục vụ được cho xã hội, giải quyết vấn đề tài chính của mình mà còn nâng cao được chuyên môn, thu thập kinh nghiệm thực tế phục vụ ngược lại cho giảng dạy.

Trước khi đặt bút chọn nghề thì thầy Khắc Hiếu đã chuẩn bị sẵn tâm thế “đã làm nhà giáo thì không giàu về vật chất”.
Trước khi đặt bút chọn nghề thì thầy Khắc Hiếu đã chuẩn bị sẵn tâm thế “đã làm nhà giáo thì không giàu về vật chất”.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

- Ngày 20/11 các thầy cô nhận được rất nhiều lời chúc mừng của học trò, những bó hoa, những món quà nhỏ, và có thể là cả...“phong bì” nữa. Thầy quan niệm như thế nào về quà “phong bì” trong ngày Nhà giáo Việt Nam?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Ngày xưa người ta tặng ông thầy khúc vải, đong gạo, con gà... để tỏ lòng tri ân. Ngày nay hiện đại hơn, người ta cảm ơn thầy bằng hình thức phong bì, vừa để tri ân và một phần là giúp đỡ. Bản chất của tiền không xấu, xấu hay không là ở mục đích người ta dùng. Nếu để tỏ lòng cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ con họ thành người thì cái phong bì đó cũng như khúc vải, nải chuối hay con gà ngày xưa. Đó là cái lòng của người trao nó, nó rất đẹp và rất sáng.

Tuy nhiên, nếu cái phong bì ấy không phải vì tình cảm mà có một động cơ "nâng đỡ" bên trong cho con mình thì rõ ràng là sai hoàn toàn. Nếu sự cảm ơn đó không phải vì tự nguyện mà vì "bắt buộc người ta có mình cũng phải có" thì hoàn toàn mất đi ý nghĩa. Đối với tôi, dù có hoa hay không, có khúc vải con gà hay không thì người thầy vẫn phải yêu trò, vẫn phải công bằng trong ứng xử, vẫn phải tuyệt đối không gợn đục cái tâm trong sáng với nghề.

- Đối với những giáo viên có tuổi đời còn rất trẻ như thầy thì khó khăn lớn nhất là gì?

Th.S: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Theo bản thân tôi, giáo viên trẻ có ba khó khăn lớn:

Một là chưa đủ tính thực tế trong chuyên môn nghiệp vụ, bởi những điều học trong nhà trường đa phần vẫn còn dừng ở mức lý luận. Để làm nghề thì không có cách nào khác phải cọ xát thực tế, học hỏi người đi trước, liên tục tự học để nâng cao trình độ.

Hai là không dám thể hiện mình. Là người trẻ không phải chuyện gì cũng yếu, cũng thiếu kinh nghiệm, mà đôi khi cũng có những ý tưởng sáng tạo, ý tưởng táo bạo, quan điểm hiện đại có thể giúp ích rất nhiều cho học trò. Tuy nhiên họ vẫn còn e dè và đi theo lối mòn có sẵn để “an toàn”, không dám vượt ra “khuôn khổ” mặc nhiên của những người đi trước.

Ba là, khó khăn về tài chính. Trước khi trông chờ vào chính sách chế độ lương bổng, hãy làm chuyên một nghề nhưng làm biết làm thêm nhiều việc, và nên là những công việc khác liên quan đến chuyên môn thì càng tốt. Nhưng ưu tiên số một vẫn là việc giảng dạy ở nhà trường.
- Đã trải qua thời đi học cùng những năm tháng đứng trên bục giảng, vừa là trò cũng vừa là thầy, thầy Khắc Hiếu có thể chia sẻ với độc giả về hình ảnh thầy cô đã để lại ấn tượng, có ý nghĩa lớn nhất với thầy?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm Lớp học Hy vọng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm Lớp học Hy vọng

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

Th.S: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:
Một ngôi nhà được xây từ nhiều viên gạch, những điều chia sẻ đến từ mỗi người thầy đều để lại trong tôi một ấn tượng khác nhau. Vì không thể kể để tri ân tất cả, tôi xin phép nói về hai người thầy tại khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM:

Thứ nhất là tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam – một người thầy lớn tuổi. Thầy đã làm cậu sinh viên như tôi ngỡ ngàng khi dạy rằng: Là học trò thì phải “dám cãi”, không được thụ động như một cái chai chờ rót kiến thức vào đầu. Thầy sẵn sàng chấp nhận những quan điểm trái ngược nếu như quan điểm đó có lý. Thầy còn là một nhà giáo vô cùng thanh đạm, nghĩa tình trong ứng xử. Thầy là một mẫu hình về lối sống của một người thầy mà tôi luôn cố gắng vươn đến.

Người thầy thứ hai – người đã khai mở trong tâm trí tôi ý tưởng về con đường nghiên cứu kỹ năng sống, đó là tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn – một người thầy trẻ. Thầy làm việc hầu như không mệt mỏi, sáng tạo hầu như không ngừng nghỉ. Thầy là một tấm gương làm việc hết mình với nghề.

- Nhân dịp 20/11, thầy có thể chia sẻ đôi điều về sự trăn trở với nghề giáo?

Th.S: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nền giáo dục nước nhà đang chuyển mình để đổi mới, để thích nghi với sự phát triển của xã hội. Nhưng song song đó tốc độ chuyển mình của xã hội cũng rất nhanh. Là một thành phần nhỏ trong hệ thống đó, tôi luôn băn khoăn theo dõi sự đổi mới của giáo dục quanh mình.

Còn dưới góc độ chuyên môn, tôi vẫn quan niệm rằng: Một trăm tiết khoa học chưa chắc khiến các em thành công nhưng một trăm tiết kỹ năng sống sẽ giúp các em vững vàng hơn hẳn. Nhà trường cần dạy học sinh phương pháp sống trước khi dạy các em các lý thuyết khoa học phức tạp khác. Tuy nhiên, trong phạm vi khả năng bản thân của mình, tôi chỉ có thể định hướng các em phương pháp sống qua những buổi đi dạy, qua các bài báo, qua trang facebook cá nhân, qua loạt video clip “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” để giúp được càng nhiều em càng tốt. Nhưng về lâu dài, tôi khát khao một sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò kỹ năng sống trong nhà trường và có những động thái thiết thực đối với “môn học” này, vì các em sống cũng cần phải có kỹ năng!
- Thầy làm rất nhiều điều khác biệt so với những giáo viên khác, như phong cách rất teen, dạy học qua video clip, lập trang facebook.v.v... Thầy muốn chuyển tải thông điệp gì qua tất cả những điều đó?
Th.S: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Tôi thực hiện tất cả điều đó vì muốn nỗ lực thay đổi hình ảnh người thầy bấy lâu nay đã ăn sâu vào suy nghĩ của xã hội. Một người thầy quá khuôn khổ, quá xa vời, quá nghiêm nghị… dường như có nhiều điều không còn phù hợp. Xã hội mình năng động hơn thì đòi hỏi hình ảnh người thầy cũng phải năng động hơn. Mô phạm không phải là yêu cầu thầy không được phép để tóc kiểu, không được ăn mặc màu sắc, không được phá vỡ “tượng đài người thầy”… mà theo tôi, những gì tốt cho học trò thì là mô phạm.

Học trò ngày nay đã khác thì ông thầy ngày nay cũng phải khác. Tâm lý học trò hiện đại đang thay đổi với tốc độ chóng mặt thì ông thầy cũng phải thay đổi cách dạy theo. Nếu không, giữa thầy và trò hẳn nhiên ngày càng khoảng cách, thầy nói theo cách của thầy nhưng trò chỉ nghe theo cách của trò. Thế nên ông thầy phải “bắt sóng” được tâm lý của trò, từ đó mới có thể tiếp cận chúng và giáo dục bằng chính ngôn ngữ của chúng, bằng chính phong cách của chúng. 

Thầy Khắc Hiếu cho rằng, nghề giáo là một nghề hấp dẫn.
Thầy Khắc Hiếu cho rằng, nghề giáo là một nghề hấp dẫn.

- Thầy quan niệm gì về người thầy trong thời đại mới?

Th.S: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Học trò ngày nay có rất nhiều băn khoăn, cuộc sống có rất nhiều ngõ ngách. Do đó, người thầy phải biết hóa thân thành những vai khác nhau để làm chỗ dựa cho trò. Người thầy khi cần thì là một nhà tham vấn tâm lý, khi là một người nghệ sĩ, khi là một nhà khoa học, khi là một người anh, khi là một người bạn để có thể giúp cho học trò ở nhiều khía cạnh khác nhau. Người thầy giáo đừng chỉ là một người đứng trên bục giảng.

- Thầy tự hào gì về nghề nghiệp của mình?

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Khi ông bố dạy đứa con cũng có nghĩa là đang dạy luôn cả cho thằng cháu nội. Ông thầy giúp được một người thì cũng giúp luôn được cho cả gia đình người ấy, con cháu người ấy. Hơn, là giảng viên của trường sư phạm, nơi đào tạo ra các thầy cô giáo tương lai. Một giáo sinh mà bạn đào tạo tại trường đại học sẽ đào tạo lại hàng chục thế hệ trẻ khác ở trường phổ thông. Mình tham gia đào tạo một chục thế hệ “thầy cô tương lai” thì giúp được cả trăm thế hệ tuổi “ẩm ương”. “Hiệu ứng lan tỏa” đó quá lớn rồi còn gì. Giúp đỡ trực tiếp từng bạn trẻ là cần, nhưng giúp đỡ thông qua những người sẽ giúp đỡ họ cũng là một kênh rất hiệu quả.
Đỗ Quyên