Khi “nén bạc đâm toạc… luận án”

31/08/2017 06:00
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Lương tâm và đạo đức của không ít những người làm khoa học nước nhà hôm nay đã và đang bị đồng tiền hạ gục; “nén bạc đã đâm toạc nhiều cái… luận văn, luận án”.

Chuyện thật như đùa…

Có thể nói, trong cái nhìn chung về bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục hôm nay thì vấn nạn “tiến sĩ giả” hay “giáo sư dỏm” tự thân nó là một vấn đề không mới. 

Dù biết vậy, nhưng không thể không ngao ngán cho những sự thật… như đùa đang tồn tại ở xã hội và đất nước ta hôm nay. 

Việc một vị Giáo sư ở viện khoa học nọ chỉ trong một năm mà hướng dẫn đến 44 luận văn cao học, 12 luận án tiến sĩ mà dư luận và truyền thông đang bàn tán râm ran là một câu chuyện buồn như vậy. 

Biết nói gì khi một vấn đề vốn dĩ rất nghiêm túc, nhưng giờ đây cả xã hội xem thường không chỉ bằng những cách gọi mỉa mai, mà còn là những bức tranh biếm họa, cợt đùa, cay nghiệt: “lò ấp tiến sĩ”!?

Ảnh minh họa: Lê Tâm / Báo Công an Nhân dân.
Ảnh minh họa: Lê Tâm / Báo Công an Nhân dân.

Tiến sĩ, giáo sư vốn là những danh xưng dành cho những người trải qua quá trình học tập nghiên cứu nghiêm túc và bền bỉ; 

Họ có những cống hiến thiết thực và lớn lao cho nền khoa học nước nhà; từ đó phản biện hoặc tham mưu cho nhà nước những sách lược nhằm xây dựng và phát triển đất nước... 

Vì thế theo lẽ thường thì tiến sĩ, giáo sư vốn phải là “bộ mặt tinh thần” của cả dân tộc và đất nước, không chỉ trong tư cách của những nhà khoa học mà còn là tư cách của những người trí thức chân chính. 

Vậy mà với không ít người tuy mang danh tiến sĩ, gắn mác giáo sư, nhưng chỉ nghe tên “công trình nghiên cứu” thôi đã là một nỗi hổ thẹn cho nền học thuật nước nhà.

Đó là chưa kể đến vô số các công trình mà chủ nhân của nó đã và đang giấu nhẹm, không dám công bố… 

Từ đây, một câu hỏi đặt ra là:

Tại sao những đề tài, những “công trình khoa học” rất “trời ơi đất hỡi” mà vẫn được cả hội đồng thẩm định (dĩ nhiên cũng toàn tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) thông qua? 

Đạo đức khoa học hay là chuyện “nén bạc đâm toạc…luận án”?

Lâu nay xã hội vẫn hay than phiền về sự tụt hậu của nền khoa học nước nhà so với bạn bè thế giới. 

Không ít người khi mổ xẻ các nguyên nhân của vấn đề này nếu không đổ thừa cho “cơ chế” cũng là do kinh phí eo hẹp, không đủ để nghiên cứu…

Điều này tuy không sai, nhưng theo tôi còn một sự thật khác – cũng là cái nguyên nhân cốt tử mà không ít người đang cố tình né tránh. 

Khi “nén bạc đâm toạc… luận án” ảnh 2

“Lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ, lắm thày tất phải “nhiều ma”

Tôi muốn nói đến vấn đề đạo đức khoa học“lợi ích nhóm” trong môi trường học thuật nước nhà hiện nay. 

Thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại vấn đề này từ chính bản thân mình chưa? 

Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông đôi khi rất cực đoan và đầy cay nghiệt nên đã vô tình làm tổn thương (số ít) những nhà khoa học chân chính và tử tế. 

Nhưng riêng trong chuyện này, về mặt xã hội, phải thừa nhận nhiều người trong chúng ta đang có nhận thức rất ấu trĩ và lệch lạc xung quanh các danh xưng và bằng cấp; 

Nhiều người còn xem danh xưng và bằng cấp như món đồ trang sức để nâng cấp giá trị bản thân nên tìm đủ mọi cách để sở hữu nó. 

Chính cái suy nghĩ lệch lạc này đã tác động đến đội ngũ những người làm khoa học; làm cho mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức xã hội hiện nay bị tụt dốc không phanh. 

Hay nói khác đi, nói cho cùng tất cả là do lương tâm và đạo đức của không ít những người làm khoa học nước nhà hôm nay đã và đang bị đồng tiền hạ gục; “nén bạc đã đâm toạc nhiều cái… luận văn, luận án”.

Và nếu nhìn rộng ra thì đây chính là một biểu hiện khác của vấn đề “lợi ích nhóm” trong nền học thuật nước nhà: 

Tranh giành dự án, tranh giành đề tài nghiên cứu cấp địa phương hay cấp bộ, cấp quốc gia; tranh nhau hướng dẫn học viên, chia nhau ngồi hội đồng…

Thay lời kết

Như đã nói ở phần đầu bài viết, vấn nạn “tiến sĩ giả”“giáo sư dỏm” vốn là câu chuyện cũ của ngày hôm qua được dư luận hôm nay xới lại. 

Có điều, dù là câu chuyện cũ nhưng việc tìm ra giải pháp để khắc phục cái thảm trạng này lại chưa bao giờ là vấn đề hết mang tính thời sự. 

Và nói cho cùng, đây cũng là một bằng chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục nước nhà hôm nay. 

Một bức tranh với một gam màu xám xịt; đi kèm với đó là một cái vòng luẩn quẩn của các công cuộc “đổi mới”; và mỗi lần như thế cứ tưởng là cải tiến nhưng hóa ra là đang cải... lùi!? 

Tài liệu tham khảo:

1. “Một Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ket-luan-thanh-tra-viec-dao-tao-thac-si-tien-si-tai-hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-395371.html

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.

Nguyễn Trọng Bình