Vào đầu tháng 8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội bổ sung Điều 22 trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm với nội dung tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm, công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Đề xuất này của Hà Nội ngay lập tức trở thành một “cơn bão” trong dư luận với rất nhiều ý kiến khác nhau, đa số đều bày tỏ sự thận trọng, vì công khai danh tính của cá nhân trong trường hợp này là một sự nhạy cảm.
Hợp pháp hóa mại dâm - Biểu hiện bất lực của Nhà nước trong quản lý
(GDVN) - Mại dâm nên cấm hay cho phép? Hiện nay có 2 luồng ý kiến trái chiều, cá nhân tôi, Nhà nước tuyệt đối cấm mại dâm, bởi các lý do sau:
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, hiện nay ngoài việc xử phạt hành chính người mua dâm tại chỗ thì thông tin về người mua dâm còn được chuyển về địa phương, cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác để kiểm điểm, giáo dục, nhưng công khai danh tính cho cả nước biết lại là câu chuyện có thể xảy ra những hệ lụy không thể lường trước.
“Chúng ta phải đặt vấn đề: Mục đích công khai danh tính của người mua dâm nhằm mục đích gì? Nếu nhằm mục đích giảm bớt nạn mại dâm thì phải đặt câu hỏi ngược lại: Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực sự cứng rắn trong việc dẹp bỏ những tụ điểm này chưa? Tại sao ở nhiều địa bàn, mại dâm hoạt động một cách trắng trợn mà chính quyền không dẹp nổi, vậy có xét trách nhiệm người đứng đầu không? Tôi đồng ý là cần phải có thêm những biện pháp ngăn chặn tệ nạn này, nhưng Hà Nội không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực. Đề xuất thì dễ, nhưng liệu những người đề xuất đã tính hết tới những hệ lụy có thể xảy ra chưa và ai chịu trách nhiệm với những hậu quả nếu có", ông Bảo đặt vấn đề.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Nếu không cẩn trọng thì việc công khai danh tính người mua dâm sẽ trở thành một cơ hội để nhiều người tìm cách hạ bệ, tiêu diệt nhau. |
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo phân tích, suốt thời kỳ phong kiến, vấn đề tâm sinh lý là một câu chuyện rất khó nói, nam nữ dù chưa vợ chưa chồng nhưng nếu bị bắt gặp ngủ với nhau thì sẽ bị gán cho cái tội hủ hóa. Tuy nhiên, ngày nay xã hội đã có cách nhìn nhận khác theo hướng tiếp cận văn minh hơn, do đó mua dâm bị coi là lỗi chứ không phải tội.
"Người mua dâm bị xử phạt vi phạm hành chính, ngay cả khi mua dâm với người chưa vị thành niên thì bị xử lý mua dâm với người chưa thành niên theo Điều 256 Bộ Luật Hình sự. Một hành vi hành chính mà công khai danh tính như vậy thì tất cả các hành vi khác cũng phải công bố công khai để đảm bảo công bằng, liệu Hà Nội có làm được không? Tôi xin lưu ý rằng, không thể dùng pháp luật làm phương tiện để đánh đồng hiện tượng mua dâm (nhu cầu sinh lý) của một ai đó với vấn đề văn hóa, đạo đức của cả một gia đình hay một dòng họ", ông Bảo chia sẻ.
Mại dâm, lý giải dưới góc nhìn của các học giả
(GDVN) - Những người đang được bao bọc bởi ánh hào quang đạo đức, những người có trách nhiệm hãy nhìn hiện tượng mại dâm một cách nhân văn hơn,...
Ông Bảo nói: "Ở đây là vấn đề ý thức đạo đức chứ không phải sử dụng pháp luật như một phương tiện hạ nhục người ta thì sẽ ngăn chặn được nạn mại dâm. Vấn đề chúng ta đặt ra là khi công bố danh tính người mua dâm thì gia đình, người thân của họ sẽ chịu áp lực gì? Ở một đất nước Á Đông luôn đề cao văn hóa thì việc một thành viên trong gia đình bị bêu tên như vậy là một đòn giáng rất nặng vào cả gia đình người ta chứ không riêng gì một cá nhân, và họ coi đó như một sự nhơ nhuốc trong nhiều năm tháng, không biết đến chừng nào mới gột rửa hết được.
Ngay cả những người bán dâm thi khi bắt quả tang và đưa tới các trung tâm phục hồi nhân phẩm, danh tính thường không công khai, để tạo điều kiện cho họ sửa đổi, đó là sự nhân văn". Cũng theo ông Bảo, pháp luật luôn đặt ra vấn đề "phòng và chống", đồng thời ở đó cũng đặt ra vấn đề "giáo dục", chứ không phải chỉ nhăm nhăm đè người vi phạm ra để phạt lấy được, đó là tính nhân văn, là điều tốt đẹp khi chúng ta hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền".
Trong nhiều năm gần đây, vấn đề mại dâm luôn là một chủ đề nóng, dư luận xã hội đã bày tỏ rất nhiều quan điểm trái chiều "nên hay không công nhận mại dâm là một nghề", cho tới nay vẫn chưa tìm được biện pháp giải quyết triệt để, trong khi các lực lượng chức năng thì bối rối, dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được vẫn là số không. Trước đây, Cần Thơ cũng đã thực hiện biện pháp tương tự như Hà Nội, nhưng đã thất bại.
Ở một góc nhìn khác, ông Bảo cảnh báo: "Hà Nội lý giải rằng mục tiêu đề xuất công khai danh tính người mua dâm là nhằm ngăn chặn mại dâm, nhưng không có nghiên cứu xã hội học, không có đánh giá tác động thì chỉ là suy nghĩ chủ quan, mà trong quản lý nhà nước thì chủ quan, duy ý chí là điều mà chúng ta đang cố gắng loại bỏ. Chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực như vậy, Hà Nội sẽ lý giải thế nào ở khía cạnh đạo đức và văn hóa? Đó là chưa kể với cách làm ấy, hiệu quả thì chưa chắc đạt được, nhưng nó sẽ là công cụ phục vụ cho ý đồ xấu của một số người tìm cách hạ bệ, tiêu diệt nhau".