Đánh chuông báo động về năng lực, đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục

08/10/2014 06:45
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Giáo dục cần những người thầy có tâm và tài, nhất là cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận đang tha hóa phẩm chất, sa sút ý chí phấn đấu.

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo nảy sinh nhiều vụ bê bối, tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến ngành, dư luận xã hội. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ khâu quản lý, từ năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý một số cơ sở giáo dục còn hạn chế, yếu kém, sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước.

Dư luận bức xúc, sự việc có thật

Dư luận từng bức xúc, trước khi về nghỉ hưu theo chế độ (tháng 7/2010), một nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT (tỉnh Phú Thọ) đã ký tổng cộng 396 quyết định luân chuyển cán bộ công chức giáo viên từ miền núi, vùng sâu vùng xa về thành thị sai quy định. 

Việc này đã khiến các trường học tại tỉnh Phú Thọ lâm vào tình trạng khủng hoảng giáo viên trầm trọng, trường thì quá thiếu, trường lại quá thừa giáo viên. Đặc biệt các trường ở vùng sâu, vùng xa vốn đã thiếu giáo viên nay lại càng thiếu nghiêm trọng. Việc làm sai trái của ông giám đốc này đã được các cơ quan chức năng Phú Thọ vào cuộc làm rõ và có hình thức xử lý, kỷ luật về Đảng.

Ảnh minh họa. Nguồn: kenhtuyensinh.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: kenhtuyensinh.vn

Một vụ việc tai tiếng khác, trong một thời gian dài, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) để xảy ra nhiều tiêu cực sai phạm về quản lý nhà nước, chi tiêu tài chính, mâu thuẫn nội bộ gay gắt, bắt giữ người trái phép…. ở tại đơn vị. Do đó, ngày 33-2012, UBND TP.Hồ Chí Minh đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ hai ông để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến các vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.

Về vi phạm bằng cấp, chuyên môn, tháng 10/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) vì luận án đạo văn.

Đánh chuông báo động về năng lực, đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục ảnh 2Vụ đạo văn ở Trường đại học Bách Khoa: Người chết chắc cũng đồng tình

Khẳng định lại quan điểm về việc hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp bị nghi đạo văn, chuyên gia cho biết đó là kế thừa kiến thức.

Hiệu trưởng ở trường THPT Nguyễn Du, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có thừa nhận dạy thêm, gây xáo trộn lớp và “nhận quà” của phụ huynh… khiến dư luận bất bình, “bôi nhọ” cả ngành giáo dục, trên báo Giáo dục Việt Nam (ngày 18/9).

Bạn đọc còn thấy rất nhiều sự việc tai tiếng khác, có liên quan trực tiếp đến giới lãnh đạo, quản lý của lĩnh vực này được phanh phui trên các phương tiện đại chúng, báo chí gần đây.

Là người trong ngành giáo dục, tôi có nhiều suy nghĩ và thấy thất vọng về một bộ phận cán bộ quản lý, Ban giám hiệu… các đơn vị, cơ sở giáo dục hiện nay có dấu hiệu tha hóa về đạo đức, phẩm chất, suy giảm tinh thần, trách nhiệm phục vụ học sinh, nhân dân.

Có những hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, hay trù dập những giáo viên ngay thẳng, tính đấu tranh cao. Có những Ban giám hiệu bảo thủ, cố chấp, chuộng kinh nghiệm, ngại đổi thay cái mới. Có những vị hiệu trưởng, giám đốc lớn tuổi, sắp nghỉ hưu, ít nghĩ tới chuyện chuyên môn, biện pháp giáo dục mà nặng chuyện thu, chi, kiếm chác, vun vén, tư lợi cá nhân. Có Ban giám hiệu hời hợt trong quản lý, cố tình làm trái những quy định Nhà nước, gây hậu quả nặng nề. Có Ban giám hiệu, Hội đồng quản trị trường đại học, cao đẳng… rất “giỏi” lắt léo, bưng bít, báo cáo không trung thực, chỉ toàn nghĩ cái lợi ích cho thầy cô, đội ngũ của mình mà xem nhẹ chất lượng, quyền lợi học tập của sinh viên.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo sẽ “tuýt còi” dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của nhiều trường Đại học, trong đó có tên những trường danh tiếng, vì các trường không đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ giảng viên cho những ngành đó. Như vậy, lâu nay, nhiều trường cứ mãi lo tuyển sinh, đào tạo sinh viên để tăng thêm thu nhập chứ có lo gì đến việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ của mình để đáp ứng yêu cầu. Không ngoại trừ, có trường đã từng gian dối, báo cáo sai về chuẩn đội ngũ của mình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn nữa, cán bộ quản lý nhiều trường Đại học từng phê phán kịch liệt và đề nghị bỏ phương án tuyển sinh “ba chung” của Bộ thực hiện 10 năm qua, giao quyền tự chủ về thi và tuyển sinh cho các trường. Thì nay, Bộ Giáo dục đồng ý cho các trường tự tổ chức thi và tuyển sinh thì đến giờ lại không có mấy trường hào hứng, sốt sắng về chuyện thi riêng. Tại sao vậy? Vì đụng chạm quyền lợi của cá thể, của nhóm trường mà ra cả, sợ thi riêng gặp khó khăn, bất lợi cho mình. Thế mới biết, có đốt nhà mới lòi ra mặt chuột.

"Cú hích" cho sự thay đổi

Đánh chuông báo động về năng lực, đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục ảnh 3Trò cũ uất nghẹn về hành vi của hiệu trưởng Nguyễn Đình Lập

“Tôn sư trọng đạo mà nay tôi có cho con học tại đây, thấy thầy cũ của mình như vâỵ mà thấy uất ức, căm phẫn vô cùng, vì tiền mà thầy làm vậy sao?”.

Có thể nói, các nhà quản lý giáo dục ở cơ sở, đơn vị giáo dục, hầu hết là thành phần “ưu tú” được chọn lọc từ trong đội ngũ thầy cô giáo, họ đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ. Khi lên làm quản lý, lãnh đạo, họ còn được trang bị những lớp nghiệp vụ, lý luận chính trị… khá bài bản. Bây giờ, luật lệ, văn bản chỉ đạo cũng đầy ngay, không thiếu thứ gì… Nhà nước, nhân dân, ngành giáo dục trông mong họ hoàn thành tốt chức trách nhiệm, đem lại nhiều lợi ích, tốt đẹp cho học sinh, sinh viên, phụ huynh.

Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý giáo dục lại sa sút ý chí phấn đấu, mờ nhạt dần lý tưởng, tha hóa phẩm chất, đạo đức, lợi dụng sự sơ hở, lỏng lẻo về quản lý, xử lý chưa nghiêm của cấp trên dẫn đến những việc làm sai trái, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.

Giáo dục là ngành nghề đặc thù, nơi đào tạo, hình thành nhân cách, kỹ năng, phẩm chất con người học sinh, sinh viên; có ảnh hưởng lớn đến xã hội, nên rất cần một đội ngũ thầy cô giáo, giảng viên có đủ tâm và tài, nhất là bộ phận cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì, họ là những người đại diện, điều hành, có quyền quyết định tất cả hoạt động trong nhà trường. Đơn vị nên hay hư, trì trệ hay phát triển phụ thuộc nhiều vào sách lược, khả năng chỉ đạo, triển khai của họ. Một giám đốc sở, một ban giám hiệu yếu kém, có biểu hiện tiêu cực, kể cả giới lãnh đạo của Bộ GD&ĐT… nhất định sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho môi trường đó. Nói rộng ra, các ngành nghề, đơn vị khác cũng vậy.

Trong bối cảnh, ngành giáo còn nhiều việc phải làm, cần nhiều cú hích để đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện thì cần lắm đội ngũ quản lý giáo dục năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn ủng hộ và thực hiện cái mới. Cơ sở giáo dục và tổ chức cán bộ nên sáng suốt lựa chọn những cán bộ giáo dục có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để gánh vác công việc quản lý, điều hành. 

Mặt khác, cấp trên cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hơn nữa, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (vì tính phức tạp, tiêu cực, nhũng nhiễu trong giáo dục có chiều hướng gia tăng), đồng thời có chính sách đãi ngộ hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục để họ tận tâm, tận lực cho chức trách, nhiệm vụ.

Bài viết là quan điểm của thầy Đỗ Tấn Ngọc - hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. 

Báo Giáo dục Việt Nam chân thành cảm ơn những góp ý của thầy cho giáo dục nước nhà.

Độc giả quan tâm và có đóng góp muốn chia sẻ về giáo dục nước nhà có thể gửi bài về Báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn.

Đỗ Tấn Ngọc