Cách đây ít phút, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) chỉ rõ bốn vấn đề cần phải giải quyết triệt để: Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; Giảm bộ máy biên chế và sửa luật để sa thải được viên chức; Quản lý tài sản nhà nước mất dần mất mòn; Xây dựng niềm tin cho nhân dân không phải đi đến đâu cũng đưa tiền.
Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cải cách tư pháp mới đây chưa triệt để; cải cách hành chính thì đã giảm bớt được một số thủ tục, giảm bớt được phiền hà, nhưng tinh giảm bộ máy biên chế thì không giảm được.
“Rõ ràng bộ máy ngày càng phình ra và biên chế ngày càng tăng. Tất nhiên khi có liên quan đến con người là một vấn đề khó, tôi cho rằng thận trọng là đúng, nhưng mà lại thận trọng quá, không dám làm mạnh và kiên quyết cho nên bộ máy ngày càng phình ra. Tôi thấy rất nhiều đại biểu kêu bây giờ các cơ quan nhiều phó quá, một phòng chỉ có 3 người cũng có một trưởng, một phó. Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Thứ trưởng cũng thế, quá nhiều, chúng ta sử dụng tiền thuế của dân thì phải làm sao cho có hiệu quả. Tôi đề nghị chỉ có 1 đến 2 phó thôi, để cho ông trưởng vắt chân lên đầu mà làm, chứ hiện nay cứ giao hết cho phó có làm đâu”, ông Thuyền nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền yêu cầu sửa luật để sa thải những viên chức... chỉ ngồi chơi. Ảnh: TTBC. |
Bên cạnh đó, Đại biểu Thuyền nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân thì phải chú ý đến chất lượng con người.
“Chúng ta đã giảm thủ tục, nhưng thực ra chưa có chuyển biến mạnh mẽ nên người dân vẫn kêu. Tôi đề nghị Chính phủ phải làm quyết liệt hơn, đặc biệt là xác định vị trí việc làm. Công chức nhiều ông chỉ chơi không, cho nên phải xác định vị trí việc làm, phải sửa luật công chức viên chức làm sao để có điều kiện sa thải mạnh mẽ hơn, chứ bây giờ cứ tuyển một ông viên chức vào là ngồi ì ra đấy thì không được. Chúng ta bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích của người dân thì phải xa thải cán bộ. Do đó, tôi đề nghị phải làm kiên quyết về tinh giản bộ máy nhà nước để đạt hiểu quả hơn”, ông Thuyền kiến nghị.
Ông Đỗ Văn Đương: Nhiều nhà khoa học ngồi trên giấy có làm được gì đâu
Đề cập tới công tác phòng chống tham nhũng, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chỉ rõ, quyết tâm chính trị thì rõ nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó có hai nguyên nhân là yếu tố con người và yếu tố niềm tin.
“Tôi nhớ có một dịp kiểm tra dinh III sau giải phóng miền Nam thì thấy rằng từ năm 1949 đến 1975 chỉ có mỗi ông quản gia kiểm kê tài sản dinh Bảo Đại thì không thiếu gì cả. Nhưng đến chúng ta kiểm kê bao nhiêu lần có bao nhiêu con dấu mà cứ mất dần mất mòn, toàn Đảng viên giữ tài sản, sao mất nhiều thế? Thế thì đấy là yếu tố con người.
Tôi không so sánh chế độ nọ chế độ kia, nhưng chỉ có một ông quản gia mà không mất gì cả, còn bây giờ biết bao nhiêu tài sản giao cho cán bộ đảng viên mà cứ mất dần mất mòn”, ông Thuyền cho hay.
Binh pháp quan trường - Kế thứ năm “Đa ngân đắc tước”
(GDVN) - Bí quyết quan trọng nhất của kế “Đa ngân đắc tước” là đừng chọn tước cao, trèo cao có ngày ngã đau, hãy tập trung nguồn lực để chọn “tước béo” ...
Nói về yếu tố lòng tin, Đại biểu Thuyền thẳng thắn cho biết: “Tôi nhớ có một đồng chí trả lời trên truyền hình rằng cán bộ chúng tôi chưa bao giờ đòi dân phải đưa hối lộ, tại dân cứ đưa. Tại sao dân cứ đưa thì phải xem lại cán bộ của mình chứ. Bởi vì người ta không còn niềm tin nữa, người ta chữa bệnh phải đưa tiền là vì người ta không tin rằng nếu không có tiền thì anh sẽ chữa tốt cho người ta luôn. Hay tôi xin vào công chức nhà nước thì tôi phải chi tiền, vì tôi sợ anh không công tâm. Nếu tôi không chạy tiền, nhỡ ông kia chạy mất thì sao?
Nếu không xây dựng lòng tin cho người dân, cho cán bộ thì tiêu cực tham nhũng vẫn còn phát triển, vì làm cái gì cũng phải đưa tiền… Còn lộc của ông quan thì khác, làm quan thì thời kỳ nào cũng có lộc, nhưng ăn chặn của dân thì lại khác”.