GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa.
Phải hướng học sinh tới Havard, Cambride…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Giáo sư còn băn khoăn điều gì không?
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông là một việc cần thiết, tuy nhiên tôi rất tiếc vì Nghị quyết của Quốc hội không đề cập tới hai vấn đề: Thứ nhất, việc này nên đưa về Ủy ban đổi mới giáo dục quốc gia do Thủ tướng chủ trì; Thứ hai là phải làm rõ người chỉ huy việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này là ai.
Lần đổi mới này so với cách đây mười mấy năm có gì khác? Ngày nay, chúng ta làm có gì khác với bố mẹ mình trước đây? Phải trả lời được những câu hỏi rất cụ thể như vậy, để đi đến mục tiêu lớn nhất là có một quyển sách theo chuẩn quốc tế nhưng lại phải phù hợp với Việt Nam.
76% tiến sĩ làm việc ở các lĩnh vực ...không thể có sáng chế
(GDVN) - “Không thể vì một vài hiện tượng cá lẻ mà suy rộng ra thành một nền khoa học vô dụng...”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ nói về những vấn đề nội tại thôi, trong khi chương trình - sách giáo khoa phải mang tính quốc tế. Tôi đã nói nhiều về chuyện này, rằng trên thế giới chỉ có 5 quốc gia dẫn đầu về giáo dục, ví như 5 ông “trưởng họ” của thế giới, đó là Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp. Đây cũng là những quốc gia có nền kinh tế, khoa học rất mạnh.
Học sinh của Việt Nam học thế nào thì cuối cùng cũng phải đến một cái đích cao nhất đấy là vào Đại học Harvard, Yale (Mỹ), Cambridge (Anh) hay Lomonoxop (Nga)… Sách giáo khoa là biên soạn chứ không phải sáng tác, mà theo tôi cách làm tốt nhất và nhanh nhất là kế thừa của một trong các nước đứng đầu nói trên và phải rất rõ ràng ngay từ đầu. Nghị quyết chỉ nói định hướng thôi, còn khi làm thì phải rất cụ thể, phải chỉ ra được kế thừa được gì và cái mới là gì.
Tôi nói rõ là ngay cả những nước trước đây đã từng có lịch sử giáo dục huy hoàng như Trung Quốc, Ấn Độ... từ lâu đã phải chuyển sang học tập các nền giáo dục kể trên, vì vậy Việt Nam đừng mong trở thành ông trưởng họ thứ 6, mà hãy học tập người ta làm cho tốt.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Nhưng thưa Giáo sư, cho tới khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thì vẫn chưa biết ai sẽ là Tổng chủ biên đổi mới chương trình – sách giáo khoa?
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Đây là vấn đề rất hệ trọng nhưng rất ít người quan tâm, tôi ví nó như một trận đánh, khi ra chiến trường anh phải có một ông tướng để chỉ huy, vậy đổi mới cả chương trình và bộ sách giáo khoa ở 3 cấp, có ảnh hưởng trực tới hàng triệu học sinh và nói rộng ra là ảnh hưởng tới tương lai của dân tộc này mà lại không tìm ra được tổng chỉ huy thì hỏng.
Tôi đặt ra các tiêu chuẩn cho một Tổng chủ biên đổi mới chương trình – sách giáo khoa như sau: Là người biết cách làm chương trình-SGK, biết trả lời công luận làm chương trình-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế? Học xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay Lomonosov? Ngoài những môn tự nhiên, người tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa Văn, Sử, Địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này chứ không làm theo kiểu khác?
Khuyến khích cá nhân viết một cuốn sách là… nói vui
Giáo sư nghĩ sao khi lần đổi mới này khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn cả bộ sách hoặc một cuốn sách đơn lẻ?
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Nếu bảo người ta có thể tham gia biên soạn cả bộ sách thì được chứ biên soạn một cuốn thì chẳng qua chỉ là nói đùa. Trước hết, chúng ta phải làm rõ được chương trình, đấy là điều quan trọng nhất, sau đó mới đến biên soạn sách. Chương trình này cần phải được công khai để toàn xã hội biết và phản biện, góp ý để hoàn chỉnh ở mức độ tốt nhất.
Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên nghiệp về chương trình sách giáo khoa
Biên soạn cả 3 cấp thì rõ ràng phải có sự phân chia các tầng kiến thức để vừa phù hợp với từng cấp lại vừa có tính kết nối từ cấp 1 lên cấp 2 rồi chuyển sang cấp 3. Vì vậy, người ta nói rằng có thể tham gia biên soạn 1 cuốn sách là nói chơi, vì chỉ viết có 1 cuốn thôi thì làm sao biết các lớp trước và sau dạy gì, học gì? Và như vậy, anh viết ra chẳng ai dùng được.
Mấy chục năm qua, Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả vì không tìm ra được một bộ sách chuẩn, cho nên lần đổi mới này nhất thiết phải giải quyết triệt để vấn đề này. Một dân tộc không có một bộ sách giáo khoa chuẩn thì không thể có một nền trí thức hưng vượng được, cái gốc không chuẩn thì không thể phát triển ở tầm cao được. Trước kia, GS Hoàng Xuân Hãn hay GS Hoàng Tụy đã từng thành công khi biên soạn sách giáo khoa trong điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, nhưng tiếc là sau này lại tụt lùi.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, không ai có thể viết 1 cuốn sách giáo khoa, vì cuốn sách ấy không thể ăn nhập với cả bộ sách. Ảnh: TNO. |
Giáo sư thiên về phương pháp giáo dục của nước nào: Anh, Đức, Mỹ hay Nga, Pháp?
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Nền giáo dục của 5 nước kể trên là những nền giáo dục gốc, còn các nền giáo dục khác là phiên bản. Trong 5 nước này thì chỉ có Pháp phân ban ở PTTH, 4 nước còn lại không thực phân ban. Một thời gian Việt Nam là một thuộc địa của Pháp, sau khi giành độc lập, theo tư tưởng của Bác Hồ, vào năm 1950 ta bỏ phân ban mà Pháp để khẳng định giáo dục nước ta là giáo dục toàn diện.
Tuy nhiên, đến năm 1993 thì chế độ phân ban thời thuộc Pháp lại được khôi phục, chia thành ba ban A (tự nhiên), ban B (khoa học tự nhiên – kỹ thuật), ban C (xã hội). Năm 1998, chế độ phân ban bị xóa bỏ khi thông qua luật giáo dục, vì xã hội không chấp nhận. Nhưng tới năm 2002, chế độ phân ban lại một lần nữa được khôi phục, chỉ còn ban A và ban C. Và lúc này xuất hiện một thực tế là có tới 50% học sinh không vào ban nào cả, do đó tới năm 2003, Quốc hội đã cho phép dừng phân ban 2 năm để thiết kế lại phương án phân ban.
Năm 2005, Bộ Giáo dục trình phương án ba ban: A (tự nhiên), ban B (xã hội) và ban C (cơ bản). Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện tới 5 ban, đó là: Tự nhiên A, Xã hội C và CB, CB hướng A, CB hướng C. Đến nay, xã hội không chấp nhận bất cứ phương án phân ban mà Bộ Giáo dục đưa ra.
Nói như GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì chúng ta đã mang học sinh ra làm “chuột bạch” để thí nghiệm các loại chương trình, SGK. Tôi nghĩ lần đổi mới này cũng cần phải làm rõ vấn đề trên.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!