Theo thống kê mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
Một thống kê khác của Bộ KHCN cho thấy, trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.
Tàu ngầm Trường Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa sáng chế (Ảnh: TL) |
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.
Trong khi đó, thực tế lại chứng minh, nhiều sáng chế của các “nhà khoa học chân đất” (chế tạo tàu ngầm Trường Sa, chế tạo xe bọc thép, sáng chế ra thuốc trừ sâu người ta có thể uống được...) được giới phân đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, việc áp dụng các sáng chế này vào thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hàng nghìn Tiến sĩ không bằng “nhà khoa học chân đất”?
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra sáng 9/12, ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có hàng nghìn Tiến sỹ nghiên cứu khoa học nhưng nhiều sáng tạo được ứng dụng gắn với thực tiễn lại đến từ các “nhà khoa học chân đất", Bộ Trưởng suy nghĩ gì về nhận định trên?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong số hàng nghìn tiến sĩ đang làm việc trên nhiều lĩnh vực thì có khoảng khoảng một nửa về hưu, đã mất, bỏ nghề đi làm doanh nghiệp, đi làm quản lý…Nhưng họ vẫn được tính vào danh sách.
Ông “Đáo điên”: Sáng chế ra thuốc trừ sâu…người có thể uống được
(GDVN) - Rất tình cờ, từ việc được tặng một cuốn “sách cổ” ông “Đáo điên” suốt 30 năm nghiên cứu sáng chế ra thuốc trừ sâu từ thực vật…có thể uống được
Theo ước tính ở Việt Nam chỉ có 24% tiến sĩ công tác tại lĩnh vực kỹ thuật KHCN. Trong số đó còn bao nhiêu người thật sự đang làm khoa học? Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng tôi nghĩ con số đó không nhiều. Còn lại 76% còn lại thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp…Đây là những lĩnh vực không thể có sáng chế được.
Như vậy, với số lượng không nhiều các nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN thì mỗi một năm chúng ta có khoảng trên dưới 100 bằng sáng chế đã được công bố, thì đây là con số cũng không phải là quá thất vọng.
Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta không thể vì một hiện tượng cá lẻ mà suy rộng ra một nền khoa học vô dụng. Nếu đánh giá, hàng nghìn tiến sĩ ở nước ta vô tích sự, thì quả thật là thiếu công bằng.
Công bằng mà nói, từ trước tới nay các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công. Đơn cử như Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc-xin Rota… Điều này không phải nước nào cũng làm được. Đây là những nghiên cứu khoa học được đánh giá cao nhưng lại không được nhắc tới nhiều bởi lẽ người ta cho rằng đó thuộc trách nhiệm của nhà khoa học. Trong khi đó những sáng chế của người dân bình thường lại được được nhiều người đánh giá cao cũng là chuyện dễ hiểu.
Bộ Trưởng Nguyễn Quân trả lời báo giới hôm 9/12 (Ảnh: Quốc Toản) |
Thưa Bộ phải làm gì để những sáng tạo của những “nhà khoa học chân đất”được ứng dụng rộng rãi hơn nữa trên thực tế?
Bộ Trưởng Nguyễn Quân: Nhà nước luôn đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân. Tuy nhiên để sản phẩm công nghệ đi vào thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố thị trường.
Hiện tại đã có nhiều sáng kiến của người dân, nâng lên thành sáng chế, được nhà nước hỗ trợ. Nhiều người đã trở thành triệu phú. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì sản phẩm của sáng tạo KHCN của họ khó mà có mặt được trên thị trường.
Mặt khác, tại một số các chương trình về KHCN như chợ công nghệ và thiết bị, do Bộ KH&CN tổ chức, chúng tôi đều mời nông dân có sáng kiến, đem sản phẩm của họ đến giới thiệu. Điều này sẽ giúp người dân có điều kiện trao đổi, học hỏi, tiếp cận các sản phẩm KHCN, với thị trường…
Thực tế, việc sáng tạo trong lĩnh vực khoa học của người dân còn mang tính nhỏ lẻ. Các sáng chế của người dân được báo chí thông tin chủ yếu là tự mày mò học hỏi, tìm kiếm. Nếu các sáng chế ấy được kết hợp chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu khoa học thì sẽ phát huy tác dụng hơn nhiều.