Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Quốc hội đang thảo luận nổi lên vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn nhất là đề xuất có thể bỏ án tử hình với tội tham nhũng.
Qua 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản đối với các loại tội phạm về tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%.
Vì thế dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất không bỏ án tử hình đối với tội phạm về tham nhũng. Nhưng bên cạnh đó có thêm quy định, người phạm tội nếu khắc phục ít nhất ½ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho Nhà nước thì có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ chiều qua (26/5), Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đã phản bác rất mạnh mẽ nội dung này.
Tướng Chung nêu quan điểm: “Thực tế thì tôi đã thấy có chuyện án từ tử hình xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm, và cứ đi 15 năm là về. Chuyện này là có thật. Vì thế, tôi đề nghị nên để tội tử hình với tội phạm tham nhũng để có tính răn đe.
Những người nghèo không có điều kiện, buộc phải đi buôn ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình.
Trong khi đó, người am hiểu pháp luật, được giáo dục, được giữ những chức vụ lớn, nhưng mà anh lại tham ô tham nhũng số tiền lớn, mà lại không áp dụng án tử hình. Chỉ cần nhìn vào hai thí dụ đấy đã thấy có những bất cập, không công bằng ngay trong luật”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung phản đối đề xuất bỏ án tử hình cho tội tham nhũng. ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng tình với quan điểm này, Bùi Thị An cũng cho rằng không thể bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, bởi việc nộp lại những khoản tiền đã tham nhũng và việc gây ra thiệt hại lớn cho nhà nước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
“Vì vậy, bên cạnh việc bị tử hình, người có hành vi tham nhũng vẫn phải nộp lại một khoản tiền theo quy định của pháp luật”, bà An nói.
Bên cạnh đó, Đại biểu Bùi Thị An cũng không đồng tình với đề nghị bỏ án tử hình cho người vận chuyển ma túy, vì sẽ làm giảm tính răn đê với những người tham gia đưa “cái chết trắng” vào đời sống xã hội, hủy hoại hàng triệu gia đình.
“Tôi đề nghị giữ nguyên tội tử hình vì không có người vận chuyển thì những tên chủ cũng không dám tự mình vận chuyển”, bà An nhấn mạnh.
Ông Vũ Mão chỉ rõ 5 điểm “cốt tử” để bắt “sâu tham nhũng”
Ngoài ra, còn rất nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm phải giữ mức án tử hình cho tội tham nhũng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đồng tình với hướng quy định bỏ việc thời hiệu truy tố tội phạm tham nhũng, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chống tham nhũng, tham ô, hối lộ đang ngày càng diễn biến phức tạp.
“Truy cứu trách nhiệm hình sự phải đến tận cùng. Râu ông dài đến rốn tôi tóm được ông, vẫn đưa ra toà", ông Đương chỉ rõ.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đồng thời cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt này đối với tội phá bỏ các công trình phương tiện quan trọng, bởi “Thủy điện Sông Đà hay đường dây 500KV Bắc - Nam, nếu không may có đối tượng phá hoại đánh sập thì hậu quả vô cùng lớn”.
Tham nhũng nhanh chóng làm kiệt quệ nền kinh tế quốc gia. ảnh: vietnamplus. |
Trong khi đó Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM cũng băn khoăn vì sự điều chỉnh có phần khó hiểu trong dự thảo luận, khi tội trộm cắp tài sản trước đây quy định mức phạt tù nhẹ nhất là 6 tháng, nhưng nay đề nghị lên 1 năm, trong khi tội tham nhũng lại được đề nghị giảm án.
“Trước đây tội tham nhũng thấp nhất đều phạt tù, nhưng nay chúng ta khởi điểm mức nhẹ nhất cho phạt tiền. Thời điểm hiện tại đây là loại tội phạm mà chúng ta đấu tranh chưa được, dư luận đang rất quan tâm mà chúng ta phi hình sự hóa, làm nhẹ tội phạm là không đúng. Bản bản án hình sự là nghiêm khắc nên không thể quy định nếu thế này, thế kia được”, ông Ánh nêu quan điểm.
Người nông dân và tư duy lãnh đạo vượt nhiệm kỳ
Chống tham nhũng luôn là một chủ đề rất nóng qua các phiên họp của Quốc hội. Đáng chú ý, không chỉ có tham nhũng lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước qua các vụ Vinashin, Vinaline... mà theo lời Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) thì tham nhũng vặt còn tràn lan khắp các ngõ ngách trong đời sống xã hội.
Còn nhớ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, khi đề cập tới công tác phòng chống tham nhũng, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chỉ rõ, quyết tâm chính trị thì rõ nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó có hai nguyên nhân là yếu tố con người và yếu tố niềm tin.
Ông Thuyền nhấn mạnh: "Làm quan thì thời nào cũng có lộc, nhưng không được ăn chặn của dân".
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ: "Lâu nay, chúng ta nói kê khai tài sản, nhưng lại làm hình thức, chiếu lệ cho xong. Người dân nhìn thấy quan chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… vậy thì tại sao các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại không biết? Hoặc là biết nhưng có xử lý không?
Theo tôi, mọi việc phải được tiến hành từ trung ương, vì trên có nghiêm khắc thì dưới sẽ phải tuân theo. Cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương mà gương mẫu đi trước thì các cấp dưới dù không muốn cũng không thể chối từ. Đã là cán bộ thì không nghèo, nhưng cũng không được hèn".