Sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đa phần các Đại biểu Quốc hội đều phản đối 7 tội danh được đề nghị miễn tử hình như trong dự thảo luật.
Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Đại biểu đoàn Bình Thuận) - Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ủng hộ xu hướng giảm tử hình, vì nó thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Niễn phản đối bỏ từ hình với tội tham nhũng, bởi làm như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, đồng thời sẽ tạo kẽ hở cho kẻ phạm tội tham nhũng lợi dụng, dùng tiền để đổi mạng.
Cụ thể, trong dư thảo luật quy định, đối với nội dung người bị kết án tử hình về các tội danh kinh tế, chủ động khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra xử lý tội phạm thì không thi hành án tử hình.
Ông Niễn phân tích: “Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích dung túng bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế. Tham nhũng là quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Chúng ta đang kiên quyết phòng chống tham nhũng, nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn, mà tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Dư luận xã hội vô cùng bất bình, đòi hỏi phải có hành động kiên quyết hơn nữa.
Để ngăn chặn, lý ra chúng ta phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại.
Chúng ta có thể cần tiền, cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tài sản từ những vụ án tham nhũng, nhưng không vì thế mà đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý vì tiền; khuyến khích, bao che cho tham nhũng bằng việc dùng tiền để khắc phục hậu quả.
Áp dụng điều luật này thì có khác gì bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng. Làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn và chắc chắn nhân dân sẽ không tha cho chúng ta nếu đạo luật này được thông qua”.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn và nhiều đại biểu khác phản đối bỏ tử hình với tội tham nhũng. ảnh: Ngọc Quang. |
Bên cạnh đó, Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cũng phản đối bỏ tử hình với các tội danh: Phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh.
“Các tội danh như trên đều là những tội đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến độc lập chủ quyền của quốc gia, đe dọa đến sự tồn vong của loài người. Những loại tội danh này cả nhân loại đều lên án và ra sức ngăn chặn, loại bỏ.
Tướng Chung kịch liệt phản đối bỏ tử hình với người phạm tội “tham nhũng” |
Hơn ai hết, chúng ta thấm thía về nỗi đau chiến tranh, về cái giá phải trả cho một nền hòa bình, độc lập. Trong khi hành vi giết một vài người sẽ bị kết tội tử hình, vậy mà những kẻ gây ra chiến tranh xâm lược, gây tội ác chống nhân loại mà không phải chịu hình phạt cao nhất là không thể chấp nhận được.
Bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này đồng nghĩa với khuyến khích chiến tranh phá hoại hòa bình, khuyến khích các thế lực thù địch hăng hái chống phá cách mạng, chống phá dân tộc”, ông Niễn nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm này, một loạt Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị không loại bỏ hình phạt tử hình với những tội danh trên.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn KonTum) bày tỏ: “Đây là loại tội hết sức phạm nguy hiểm gây ra thiệt hại vô cùng lớn. Một cuộc chiến tranh gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản.
Hơn nữa ở đây còn có yếu tố chính trị khi chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào việc giữ gìn hòa bình thế giới. Những quyết định như vậy cũng coi như một tuyên bố chính trị của nhà nước ta đối với việc giữ gìn nền hòa bình thế giới. Tôi cho rằng nên cân nhắc theo hướng không loại bỏ tử hình”.
Nhiều Đại biểu Quốc hội phản đối bỏ án tử hình với tội tham nhũng. ảnh: TTXVN. |
Không thể để kẽ hở cho tội ác
Đối với đề nghị bỏ tội danh tử hình với người vận chuyển ma túy, Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn nhận định, ma túy cũng như hầu hết các loại hàng hóa khác, để đến tay người tiêu thụ thì phải trải qua các khâu: Sản xuất – vận chuyển – phân phối – tiêu thụ. Không có vận chuyển thì không thể có hàng nghìn kilogram ma túy từ nơi sản xuất đến với những kẻ tiêu thụ
Ông Niễn nói: “Tôi tin chắc rằng ở Việt Nam bọn tội phạm khó có thể sản xuất được một số lượng ma túy lớn mà Công an và Bộ đội biên phòng bắt giữ thời gian qua. Vậy ma túy ở Việt Nam từ đâu mà có? Chắc chắn là từ ngoài lãnh thổ Việt Nam chuyển vào.
"Quốc hội mà không ai nói gì thì rất buồn cười, không bình thường" |
Ma túy không thể tự nó di chuyển, mà phải do con người và phương tiện mang đi. Đây là một khâu rất quan trọng trong hành trình tội ác, là khâu quyết định ma túy có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Bỏ tử hình với tội danh này đồng nghĩa với khuyến khích, dung túng cho cái ác, mở đường cho ma túy vô tư xâm nhập vào Việt Nam. Còn nếu nói bỏ tội danh này là vì đối tượng vận chuyển là người nghèo, làm việc này để mưu sinh. Theo tôi cách suy diễn này là không đúng, súi giục đồng bào mình lười lao động, làm ăn bất chính, phạm tội".
Cùng quan điểm, Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị việc phân tách tội phạm là cần thiết, nhưng cần phải xem lại nếu không áp dụng hình phạt tử hình với tội vận chuyển ma túy.
“Đối tượng vận chuyển ma túy có thể là người nghèo bị lừa phỉnh, nhưng cũng có thể là đối tượng chuyên nghiệp, hình thành đường dây vận chuyển lớn, thậm chí đã gây thương vong cho các lực lượng của chúng ta”, ông Tám nói.