"Quốc hội mà không ai nói gì thì rất buồn cười, không bình thường"

15/06/2015 16:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, càng nói thì càng tốt, nói xuôi, nói ngược để mà tiếp thu. Còn nếu Quốc hội mà không ai nói thì rất buồn cười.

Ngày hôm nay (15/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền một lần nữa làm “nóng” nghị trường với những phát biểu hết sức thẳng thắn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền mở đầu: “Ngày xưa các cụ vẫn cứ nói là: “Nói chỉ là bạc thôi, im lặng mới là vàng, biết lắng nghe, thấu hiểu mới là kim cương”. Cho nên việc nói nhiều, hay nói ít không quan trọng, mà cái chính là mình tiếp thu lắng nghe như thế nào mới là điều quan trọng nhất”.

Từ đó, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chỉ ra 4 vấn đề cần phải xem xét lại trong dự thảo luật:

Thứ nhất, khi soạn thảo luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên mời các chuyên gia về ngôn ngữ học để chỉnh sửa luật cho chuẩn.

“Tôi cho rằng nhiều đạo luật của chúng ta dùng từ ngữ rất tùy tiện, không chuẩn, nên cần có các chuyên gia, các nước đối với bản án lệ người ta có chuyên gia ngôn ngữ học để người ta góp ý vào đó. Vì án lệ là giải thích luật, nhưng chúng ta lại ít chú trọng về vấn đề này, ngôn ngữ dùng nhiều chỗ không phù hợp.

Ví dụ như vợ mình thì gọi là vợ, nhưng vợ lãnh đạo phải gọi là phu nhân chứ không gọi là vợ. Cho nên dùng từ trong luật này nó phải chuẩn, tôi đề nghị như thế”, ông Thuyền nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói rằng, Quốc hội mà không ai nói gì thì có vấn đề. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói rằng, Quốc hội mà không ai nói gì thì có vấn đề. ảnh: Ngọc Quang.

Thứ hai, về Điều 4 bổ sung quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng. Quy định yêu cầu Tòa án phải giải quyết là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, thể hiện rõ việc Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Các thời hạn xét xử của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành từ nộp đơn, xem xét, thụ lý, bổ túc, bổ sung đơn, mời làm việc, hòa giải, phản tố, nhập án, tách án, đình chỉ vì nhiều lý do khác nhau.

Xử sơ thẩm ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, không có chế tài cho sự chậm trễ này.

Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp, nghỉ phép thì các đương sự đều lãnh đủ. Trong khi lẽ ra nếu thẩm phán vắng lâu lãnh đạo tòa phải phân công lại.

Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm, tố dụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động, nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo.

Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành cho bản án tuyên vô lý hoặc bỏ sót hoặc sai sót về kỹ thuật cho nên không thể thi hành được.

Dự thảo hiện nay tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng theo tôi vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn mà tôi vừa nêu". 

Ông Thuyền phân tích: “Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, tôi khiếu kiện đến tòa là tôi đòi hỏi công lý, bây giờ mà Tòa từ chối không xét xử thì không công bằng.

Tôi đồng tình với quan điểm mới này, với điều kiện giải thích rõ mấy ý này: Tập quán là gì? Những tập quán nào chúng ta được lựa chọn, trong Luật hôn nhân và gia đình trước đây giao cho Hội đồng nhân dân các cấp quy định những tập quán được công nhận, nhưng không tỉnh nào làm được, bởi vì rất nhiều dân tộc khác nhau.

Vừa rồi chúng ta sửa lại là giao cho Chính phủ quy định và hiện nay Chính phủ chưa quy định được, cho nên bây giờ Chính phủ phải có trách nhiệm thống kê lại toàn bộ những tập quán nào được chấp nhận và tập quán nào không được chấp nhận để làm căn cứ cho tòa án xử thuận lợi”.

Thứ ba, phải quy định rõ như thế nào gọi là lẽ công bằng?

Ông Thuyền nêu quan điểm: “Tôi đồng ý quan điểm mới này, bởi vì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng 3 vấn đề này chúng ta phải làm rõ thì mới giúp cho việc xét xử sau này khách quan, vô tư và đúng”.

Cũng theo ông Thuyền, Viện kiểm sát không phải tham gia tất cả các vụ án mà tham gia những vụ việc như Tòa án thu thập chứng cứ, những tranh chấp về đất đai, nhà ở là phức tạp.

Ông Thuyền bày tỏ: "Chúng ta nghĩ việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng khi đã tranh chấp thì cực kỳ phức tạp, không đơn giản. Ví dụ, chia thừa kế, chúng ta làm xong việc chia thừa kế thì đương nhiên chúng ta đã phá nát tình cảm của một gia đình. Bởi vì khi đã tranh chấp là cực kỳ phức tạp, gia đình không giải quyết được, ra đến Tòa thì không còn tình nghĩa.

Cho nên chúng ta phải biết việc dân sự rất phức tạp, Viện kiểm sát tham gia là sự cần thiết và. Không phải vì mình có ngại gì bảo Viện kiểm sát sợ mình tham gia phát biểu, sợ ảnh hưởng bên nọ, bên kia. Tôi nghe nhiều người nói càng tốt, chỉ sợ người ta không nói".

Tiếp đó, ông Thuyền liên hệ sang Quốc hội: "Chúng ta là khi nào không nói thì có vấn đề rồi, chứ còn nhiều người người ta nói thì rất hay chứ có gì đâu. Nói xuôi, nói ngược để mình tiếp thu, còn nếu Quốc hội hôm trước bảo không ai nói gì thì rất buồn cười, không bình thường. Cho nên vấn đề phải nói để cho hiểu, để quyết định chính xác hơn”.

Thứ tư, việc hòa giải bây giờ bắt buộc đưa lên tòa thì không khác gì Điều 60 của Luật bảo hiểm Xã hội.

“Hòa giả thì nguyên tắc là tự thỏa thuận, đã hòa giải thì đương nhiên có hiệu lực thi hành. Không nhất thiết bây giờ hòa giải xong rồi lại bắt buộc phải lên tòa, lại phải đóng án phí, lại phải chia tài sản theo luật, rất nhiều phức tạp.

Tôi đề nghị chúng ta phải quy định điều này theo hướng mở, tức là sau khi hòa giải xong đương nhiên có hiệu lực thi hành, còn nếu như ai để đảm bảo an toàn cho mình muốn nhờ tòa công nhận thì đề nghị hai bên hướng dẫn. Còn nếu sau hòa giải mà phát sinh khiếu kiện thì đương nhiên tòa phải xử chứ không thể nào làm khác được”.

Ngọc Quang