Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc!

29/11/2015 07:40
GS Mạch Quang Thắng
(GDVN) - Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử.

LTS: Khi Quốc hội đã quyết định giữ lại môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo GS. Mạch Quang Thắng, nếu coi đây thắng lợi của những ai suốt bấy lâu nay tích cực lập luận, đề nghị, thậm chí có lúc rất gay gắt, với Ban soạn thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cấu tạo môn Lịch sử thì cũng có thể nói tiếp: Đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu! 

Bởi theo tác giả, nhiệm vụ tiếp theo của sự nghiệp giáo dục nước nhà là cần có cuộc cách mạng trong nhận thức và viết lịch sử ở nước ta trong soạn thảo chương trình và sách giáo khoa để dạy và học môn Lịch sử. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới đọc giả quan điểm của tác giả. 


Khoa học lịch sử là sự phản ánh sự thật. Hư cấu là điều tối kỵ với sử học. Xuyên tạc là gây tội với sử học. Như thế, sự thật là nguyên tắc tối thượng của sự phản ánh trong khoa học lịch sử. 

Chẳng thế mà đọc "Sử ký" của Tư Mã Thiên bên Trung Quốc, tôi thấy rằng, có câu chuyện thời Xuân Thu, ba anh em quan Thái sử Bá, Thái sử Trọng, Thái sử Thúc lần lượt bị chém đầu chỉ vì dám viết sự thật "Tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ giết vua", chứ không chịu viết như lệnh của Thôi Trữ là “Tiên Vương chết vì bệnh nặng”. 

Đến người em thứ tư là Quý, vào triều thay các anh làm quan Thái sử, người em này vẫn viết: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân”.

Thái sử Quý đã có câu nói khảng khái với Thôi Trữ để muôn đời sau phải nghĩ về cái nguyên tắc bất di bất dịch đó trong việc hành nghề sử: "Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật". 

Sự thật lịch sử là thế. Nó hiên ngang giữa Trời. Chữ Dũng thách thức cái chết. Nó mạnh hơn cả cái chết!  Đó là chuyện của đời xưa ở Trung Quốc. Không biết là có đúng như thế không?. 

Chứ nói về sự thật thì khó có nhà sử học ở bất cứ nước nào trên thế giới lại không lấy "nhận rõ sự thật, nói rõ, viết rõ sự thật" làm điều răn hành trong học tập và trong hành nghề, giống như sinh viên ngành y Việt Nam phải "thuộc" lời thề của ông tổ nghề y trên thế giới là Hypocrite và những lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông. Còn khi hành nghề có đạt được cái điều ấy không thì lại là một chuyện khác.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn là chuyên gia hàng đầu trong giới sử học Việt Nam về phương pháp sử học. Lời của ông vẫn vang bên tai các thế hệ học trò: "Biết sự thật không dễ, và dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Muốn viết sử phải biết phương pháp sử học và trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội".

Làm sao để không còn cảnh nhiều người Việt Nam chán sử (Ảnh: anninhthudo.vn)
Làm sao để không còn cảnh nhiều người Việt Nam chán sử (Ảnh: anninhthudo.vn)

Cả một thời phổ thông và đại học, chúng tôi được mấy quý thầy triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học dạy rằng, nguồn gốc chiến tranh thời hiện đại là do chủ nghĩa đế quốc, do chế độ tư hữu mà ra. 

Mấy quý thầy dạy sử thì khác. Chỉ cần dùng phương pháp miêu tả lịch sử thôi thì cũng thấy luận đề trên đây không vững.
 
Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đánh Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở biên giới phía bắc để "dạy cho Việt Nam một bài học", thực chất là xâm lược chứ chẳng phải là "xung đột"  hay "va chạm"gì cả. 

Ở đây, đế quốc ở đâu ra? Tư hữu ở đâu ra? Làm gì có! Cứ mỗi lần hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) gặp nhau có vẻ hữu hảo ở đâu đó, kể cả trên đất Hà Nội và trên đất Bắc Kinh, thì Trung Quốc lại gây ra chuyện mới ở Trường Sa và Hoàng Sa. 

Ông Tập Cận Bình nói rất ngang trong tháng 9/2015 với chuyến thăm Mỹ khi dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc.

Gần đây nhất sang làm việc tại Việt Nam, đến nói chuyện tại Phòng Diên Hồng của Quốc hội Việt Nam đang họp, ông ấy nói như thế nào chúng ta đều biết rõ. 

Nhưng vừa rời Việt Nam sang làm việc tại Singapore thì ông Tập lại nói rằng, từ thời cổ đại những đảo trên Biển Đông vốn đã là của Trung Quốc. 

Không phải xâm lược chỉ là bởi chế độ tư hữu. Không phải chỉ là do đế quốc, tư bản. Sự thật tự nó nói lên cái mà con người cứ nhìn sai hoặc cố tình nhận thức sai. Sự thật càng được nhận thức rõ và càng được tôn trọng bao nhiêu, thì tính hấp dẫn, tính giáo dục nhân cách càng cao bấy nhiêu, với mọi lứa tuổi. 

Trong thế giới phẳng hiện nay, thời đại thông tin 3.0, chúng ta thấy con người có rất nhiều cơ hội để tiếp nhận sự thật thông tin. Nhưng sự thật cũng không dễ thấy như người ta tưởng. 

Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc! ảnh 2

Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân

(GDVN) - Quốc hội đã lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhân dân, các cực chiến binh và đã nhận thấy những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể".

Nó lại hay bị che lấp, bị giấu giếm, bị gây nhiễu muôn màu, muôn vẻ.

Có công nghệ cao để nhận biết sự thật thông tin thì cũng có công nghệ cao để gây nhiễu, để giấu giếm, để xuyên tạc, để che lấp sự thật. Mà không phải một người làm những việc đó. 

Có khi cả một tổ chức, một nhà nước, một đảng chính trị làm những việc che giấu, gây nhiễu đó.

Chẳng thế mà trên thế giới nói chung, không ít người dân - những người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước - bị lừa để bỏ phiếu ủng hộ cái điều gì đó của nhà nước khi cần lấy phiếu! 

Có người nói với tôi là việc nhận ra sự thật không khó. Tôi lại thấy khó. Ngay cả những con số trong các văn bản tư liệu để viết sử cũng vậy. Số liệu "ma", số liệu dối nhiều lắm.

Những quý thầy cô dạy môn Xã hội học cứ hay chứng minh cho tôi rõ là kết quả điều tra xã hội học (bằng phiếu hỏi) là chính xác lắm. Tôi không tin, bởi tôi từng thấy sự không chính xác từ nhiều điều tra kiểu ấy ở Việt Nam. 

Người viết sử không biết tin vào con số nào đây? Khó quá! Ngay những con số gần đây. Nợ công hiện nay ở Việt Nam là chiếm bao nhiêu phần trăm GDP?

Ngân sách tài chính với số liệu nào đây? Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đưa ra những con số khác nhau.

Viết sử không tránh khỏi miêu tả sự kiện, con số. Nhưng sự kiện và con số nào nói lên sự thật? Miêu tả không khéo thì lại sa vào "chủ nghĩa miêu tả" mà có người dùng thuật ngữ Pháp là anecdotisme. 

Tôi thấy trong viết sử, có người cứ mê tín các con số của ngay các đối tượng nghiên cứu đưa ra. Đã mê tín các con số của đối tượng đưa ra thì cái chuyện lấy nhận định của đối tượng làm nhận định của chính mình là chuyện thường, mặc dù nhận định đó là rất chủ quan, không đúng sự thật. 

Thực ra, nếu làm như vậy thì người nghiên cứu sử đã đi từ chủ nghĩa miêu tả tiến đến chủ quan, định kiến, mà nhiều người dùng thuật ngữ Pháp để diễn tả là "chủ nghĩa đóng màu" (fixisme).

Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc! ảnh 3

GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử

(GDVN) - Tôi cho rằng: Việc giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn độc lập là việc làm TẤT YẾU.

Nhiều quý thầy cô dạy học sinh về tình yêu Tổ quốc.
 
Tổ quốc là những điều có thật ở bên chúng ta, bên các em học sinh tuổi đời còn trẻ. Nói và viết về sự thật như thế nào đây?

Tôi đi điền dã (nghiên cứu thực tế), thấy nhiều điều phản cảm. Nói tới tính ưu việt của xã hội mà cứ thấy nhiều điều chưa phản ánh được cái đó. Sự thật nằm ở đâu? Chẳng lẽ cứ nằm mãi ở lý luận, lý thuyết.

Đọc lại phần viết về chủ nghĩa xã hội phong kiến của C.Mác và Ph.Ăngghen trong bản "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" (công bố năm 1848), tôi thấy rằng để gột rửa được tính phong kiến trong tư duy và hành động của con người Việt Nam vốn có truyền thống hàng ngàn năm lịch sử phong kiến, thật không đơn giản! 

Trong Khổng Tử phong kiến, ngay từ trước Công nguyên, ông ấy đã hình dung và mong muốn có một thế giới đại đồng hẳn hoi.

Nhưng đại đồng của ông ấy vẫn nhuốm màu đẳng cấp của cái tôn ti trật tự phong kiến, vua phải ra vua, quan phải ra quan, dân phải ra dân, quân tử phải ra quân tử, tiểu nhân phải ra tiểu nhân, phụ nữ phải làm tròn cái đạo của phụ nữ,…

Tính chính danh phải là một nguyên tắc trong hành xử của một xã hội. Do đó, cái đẳng cấp, đặc quyền đặc lợi là cái chi phối hết thẩy trong xã hội phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng đó là cái cũ mà cái mới cần phủ định ở xã hội Việt Nam hiện đại. Quý thầy triết học dạy chúng tôi như thế.

Đặc quyền, đặc lợi, đẳng cấp hiện nay ở nước ta khá lớn. Chúng lại được trốn dưới nhiều dạng chính sách, dạng hành động tưởng là nhỏ. Nhưng cái tưởng là nhỏ ấy lại lòi ra cái tư duy không nhỏ của cái cũ mèm, lạc hậu của phong kiến mà không theo kịp sự tiến bộ của nhân loại.

Từ cái thời Việt Nam chưa thịnh hành viết và nói tiếng Anh thì tôi thấy đã xuất hiện nhiều cái chữ VIP rồi. Người ta đem VIP ra gắn với những người có chức có quyền. 

Chứ không gắn với ông bà công nhân, nông dân mà trong lý thuyết quý thầy cô cứ giảng cho học sinh họ là hai giai cấp quan trọng. 

Nhiều nước trên thế giới đã bỏ VIP trong dịch vụ rồi. Là hạng thương gia khi đi máy bay. Người ta bỏ tiền đắt hơn gấp đôi hạng thường để mua vé hạng thương gia. 

Và người bỏ tiền mua vé hạng thương gia đó có quyền hưởng dịch vụ tốt hơn nhiều so với hạng thường. Đó là hàng hóa, là thương mại. Sòng phẳng. Công bằng. Hợp lẽ phải. 

Nhiều nước còn cho rằng, nước họ không có chế độ phục vụ VIP cho một số ít người không chịu bỏ tiền mua dịch vụ đó. Nhiều nước coi tất cả những người dân, đặc biệt những người đóng thuế, là VIP. 

Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc! ảnh 4

Quốc hội yêu cầu giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

(GDVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII thông qua chiều nay.

Nếu bạn nào đi du lịch một số nước châu Âu, ở Bắc Âu, cứ quan sát mà xem. Đến nhà ga sân bay, nhìn xem, họ có phòng chờ dành cho những ai có vé hạng thương gia, chứ không có phòng VIP và thương gia lẫn lộn.

Ở nước mình, trong phòng họp của một cơ quan nào đó thì thấy rằng, ghế ngồi của các cán bộ thì to như nhau, đến ghế của thủ trưởng thì lại to hơn lên. Để làm gì nhỉ? Để phân biệt thủ trưởng to hơn chăng? 

Ngồi họp Quốc hội thì đại biểu nào thuộc đoàn nào thì phải ngồi theo đoàn ấy chứ. Năm 1994, có lần tôi được nghe một cán bộ kể lại một câu chuyện.

Chuyện rằng, trước đây, khi họp Quốc hội, trên đoàn chủ tọa có rất nhiều người ngồi. Dứt khoát là có những nhân vật đứng đầu các tổ chức chính trị-xã hội ở Việt Nam. 

Một vị đại biểu Quốc hội lúc đó góp ý rằng, không được ngồi như thế, hãy về ghế ngồi theo đoàn đại biểu của mình đi; rằng, cứ bảo là xây dựng nhà nước pháp quyền mà cái vị trí ngồi cũng không nhận ra nổi thì xây cái gì!...

Dạy học sinh về sự thật lịch sử qua những cái đó ra sao đây? Thì đó là sự thật mà. Nhưng sự thật đó phản ánh bản chất không? Hay là thầy cô giáo chỉ dùng cái phương pháp miêu tả để rồi học sinh muốn hiểu, muốn bình luận như thế nào là tùy, theo kiểu tư duy mở trong cái phương pháp dạy và học tích cực?

Người ta nói môn học Lịch sử quan trọng lắm. Nhưng, môn học Lịch sử đích thực phải là sự thật lịch sử. Thầy cô giáo phải chuyển tải tri thức và tư duy sử trên cái nền sự thật đó chứ như hiện thời thì chưa được. 

Viết các tác phẩm sử học cũng vậy. Chứ viết như hiện nay thì nhiều tác phẩm còn nặng về "chính trị hóa" (chính trị hành vi, chứ không phải chính trị trong "chính trị học"). 

Không ít thầy cô giáo, không ít các "nhà" sử học còn miêu tả và nhận định sử học không dựa trên căn cứ của sự thật. Như thế mà cứ chứng minh môn Lịch sử quan trọng lắm thì khó mà thuyết phục. 

Có điền dã, có thực tế, có nghiên cứu cho ra đầu ra đũa, đừng tin những gì trong các báo cáo viết. Như thế mới tìm ra sự thật, tìm ra chân lý. Như thế mới đúng là khoa học lịch sử. Như thế mới gọi là vai trò to lớn của khoa học lịch sử.

Tôi nghe nói là Việt Nam đang bắt đầu viết quốc sử. Cần quá. Tuy muộn. Muộn còn hơn không. Nhưng viết như thế nào thì lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Sự thật vẫn là tiêu chuẩn của các tập quốc sử. 

Nhưng, đừng ngồi chờ viết xong quốc sử. Hãy đưa ngay vào giáo khoa những tri thức của sự thật. Chẳng hạn, phải bổ sung ngay kiến thức về lịch sử chủ quyền và vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào sách giáo khoa phổ thông. 

Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử. Lâu nay, viết sử ở nước ta có vẻ nửa vời, phiến diện, nó mang đầy tính chính trị thô thiển…

Kẻ bưng bít sự thật là kẻ hèn. Không những hèn mà còn có tội với dân tộc. Mong cho viết lịch sử đúng sự thật. Để không còn cảnh nhiều người Việt Nam chán sử. 

Và đó là yêu cầu mới, yêu cầu cực kỳ cấp thiết, yêu cầu cực kỳ quan trọng việc của đưa tri thức lịch sử vào các bậc học ở Việt Nam. Mà con đường hay nhất để thực hiện điều đó là nên để môn Lịch sử thành môn học độc lập.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

GS Mạch Quang Thắng