Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 12/11 có bài phân tích lý do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không thăm chính thức Việt Nam trong dịp công du Đông Nam Á dự hội nghị thượng đỉnh APEC và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Philippines, Malaysia tháng 11 này. Bài phân tích do Lăng Đức Quyền và Lăng Sóc, hai nhà báo Trung Quốc làm việc tại mục Quốc tế của Tân Hoa Xã là đồng tác giả.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: AP/Times. |
Tân Hoa Xã cho rằng, ngay từ đầu năm 2015 đã có một bộ phận người Việt Nam chờ đợi Tổng thống Obama sẽ thăm chính thức đất nước mình vào cuối năm. Đồn đoán và hy vọng điều này xảy ra càng gia tăng sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ.
Tuy nhiên cho đến nay Nhà Trắng đã công bố lịch trình công du của ông Obama trong tháng 11/2015, trong đó không nhắc đến Việt Nam khiến nhiều người trông đợi có cảm giác thất vọng. Theo sau đó là hàng loạt những đồn đoán và lý giải khác nhau.
Lý do ông Obama muốn thăm Việt Nam
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Obama đã thay đổi thói quen của người tiền nhiệm George Bush "coi thường" Đông Nam Á, ông tuyên bố xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự điều chỉnh chiến lược lớn nhất của ông Obama kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng.
Đông Nam Á do đó cũng trở thành trọng điểm trong chiến lược mới của Hoa Kỳ. Tân Hoa Xã thống kê, trong 7 năm nắm quyền Tổng thống Mỹ, tính đến cuối 2015 ông Obama đã có 9 lần công du châu Á. Trong đó ông đã thăm 3 nước Đông Nam Á một lần là Singapore 2009, Campuchia 2012, Thái Lan 2012.
Có 4 nước Đông Nam Á ông Obama đã hoặc sẽ thăm 2 lần tính đến hết 2015 gồm: Indonesia (2010, 2011), Myanmar (2012, 2014), Malaysia (2014, 2015) và Philippines (2014, 2015). Còn 3 nước Đông Nam Á ông Obama chưa đến thăm là Brunei, Việt Nam và Lào.
Trong 3 nước này theo Tân Hoa Xã, Bunei là nước "nhỏ như viên thuốc"?!, còn Lào và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tân Hoa Xã nêu ra đặc điểm của 3 nước Đông Nam Á ông Obama chưa đến thăm rồi bỏ đó, phải chăng muốn ám chỉ đó là nguyên nhân? PV.
Các hoạt động bang giao quốc tế giữa các quốc gia là chuyện hết sức bình thường, dựa vào mức độ quan hệ cũng như các vấn đề, lợi ích hai bên cùng quan tâm. Trong quan hệ quốc tế, mọi chủ thể dưới mái nhà chung Liên Hợp Quốc đều bình đẳng như nhau, không có chuyện nước lớn nước nhỏ, hay vì anh "nhỏ" nên tôi không thăm anh!
Về vấn đề chế độ chính trị thì càng không phải lý do, đặc biệt là đối với các quốc gia thực tế như Hoa Kỳ. Nếu ám chỉ chế độ chính trị khác biệt là lý do ông Obama chưa thăm Việt Nam và Lào thì Tân Hoa Xã nghĩ sao về việc Richard Nixon thăm Trung Quốc, bắt tay với Mao Trạch Đông năm 1972?
Việc Tổng thống Barack Obama mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ tháng 7/2015, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, cam kết thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ và tuyên bố sẽ thăm Lào năm 2016 cho thấy, những đồn đoán ông Obama chưa thăm Việt Nam vì "thể chế chính trị" là hoàn toàn thiếu cơ sở - PV.
Quay trở lại Việt Nam, Tân Hoa Xã đánh giá: Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, mặc dù có nền kinh tế phát triển thấp hơn 6 nước trong Đông Na Á, nhưng xếp trên 4 nước khác, nhưng bất luận về quy mô dân số, diện tích, vị trí địa chính trị hay sức mạnh tổng hợp quốc gia, đặc biệt là sức mạnh quân sự, Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng ở Đông Nam Á.
Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng từ thù thành bạn đến đối tác toàn diện. Năm 2013 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ, Tổng thống Obama khi đó nhận lời thăm chính thức Việt Nam. Tháng 7 năm nay khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, ông Obama cũng nhắc lại cam kết trên.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. |
2015 là năm hai nước Việt - Mỹ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm bình thường hóa quan hệ với khá nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú. Tân Hoa Xã cho hay, truyền thông và giới học giả Việt Nam hầu hết đều dự đoán ông Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2015 do tính chất quan trọng của 2 dịp kỷ niệm lớn.
Lý do Tổng thống Mỹ chưa thăm chính thức Việt Nam
Tân Hoa Xã cho rằng, việc ông Obama chưa chính thức thăm Việt Nam trong năm nay khiến giới quan sát chính trị, ngoại giao Việt Nam cảm thấy ngạc nhiên. Nhà Trắng lâu này chỉ công bố ông Obama sẽ đi đau chứ không hề giải thích tại sao ông không/chưa đi thăm quốc gia nào. Tân Hoa Xã "tổng hợp" một số vấn đề được xem là "nguyên nhân" khiến ông Obama chưa thăm Việt Nam.
Dẫn lời một học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ CSIS, Tiến sĩ Murray Hiebert, Tân Hoa Xã nói rằng ông Obama hy vọng có thể thăm Việt Nam ít nhất 2 đến 3 ngày, nhưng hành trình công du Đông Nam Á lần này đã kín lịch, không đủ thời gian thăm Việt Nam.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho rằng điều này không thuyết phục được giới truyền thông Hoa Kỳ. Họ lập luận, "chỉ cần có thành ý muốn thăm Việt Nam thì dù hành trình có vội vã đến đâu, việc dành cho Việt Nam 2 đến 3 ngày là có thể sắp xếp được"?!
Việc thăm viếng bang giao của nguyên thủ các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ đâu phải chỉ cần thành ý là đủ. Ông chủ Nhà Trắng đã công bố trước dư luận nước Mỹ cũng như thế giới rằng ông sẽ sang thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Còn việc chuyến thăm diễn ra thời gian nào sẽ phải do 2 bên trao đổi, sắp xếp để tối đa hóa lợi ích cho cả khách lẫn chủ.
Ông Obama sang thăm Việt Nam đâu chỉ để đáp lễ, mỗi chuyến thăm của ông đều có mục đích, lợi ích cụ thể cần đạt được, Việt Nam bố trí đón tiếp ông cũng trên nguyên tắc đối đẳng, bình đẳng như vậy - PV.
Lý do thứ hai theo "tổng hợp" của Tân Hoa Xã, ông Obama "không vui" vì ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc sang thăm Việt Nam hôm 5, 6/11 vừa qua. Tân Hoa Xã bình luận: "Giải thích như vậy có thể hiểu được, nhưng có phải nguyên nhân thực sự hay không thì chỉ có Nhà Trắng mới biết rõ"?!
Với cách đặt vấn đề như vậy, dường như Tân Hoa Xã có xu hướng đồng ý với giả thiết này? Cái gọi là "có thể hiểu được" ở đây mang nhiều ẩn ý. Có lẽ một trong những ẩn ý mà Tân Hoa Xã muốn đề cập đến là thực trạng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trong khu vực, Biển Đông và cụ thể là Việt Nam.
Đó là chuyện có thực, và Việt Nam khi nằm ở vị trí địa chiến lược, trung tâm cạnh tranh ảnh hưởng của 2 siêu cường toàn cầu thì việc ứng xử sao cho phù hợp, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định của khu vực thì cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ là điều hết sức quan trọng.
Theo nước này chống nước kia là tự sát. Với Trung Quốc, Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào khác Việt Nam đều nhất quán chủ trương hợp tác hữu nghị bình đẳng cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Ông Obama và ông Tập Cận Bình đều là hai chính khách quốc tế hàng đầu, họ thừa hiểu điều này. Dù có cạnh tranh hay tìm cách đạt được mục đích riêng của các nhà lãnh đạo này trong hoạt động ngoại giao như thăm Việt Nam thì cũng không có chuyện "trẻ con" như cái gọi là "không vui" mà Tân Hoa Xã đề cập.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Reuters. |
Lý do thứ ba Tân Hoa Xã cho rằng nhiều người đồng tình, đó là việc đầu năm 2016 diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sang thăm Việt Nam với hy vọng sẽ làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo mới. Tân Hoa Xã bình luận: "Tư duy này phù hợp với phong cách ngoại giao nhất quán của Hoa Kỳ".
"Tuy nhiên 2016 cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, lúc đó ông thăm Việt Nam thì chuyến thăm cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi", Tân Hoa Xã nhận định.
Trong quan hệ quốc tế ngày nay, lợi ích quốc gia là động cơ chi phối các hành xử của quốc gia đó trong các vấn đề quốc tế mà Biển Đông là điển hình. Mỹ và Trung Quốc từng có cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương với tuyên bố Thượng Hải năm 1972, và sau đó Hạm đội 7 Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ cho hải quân Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thời điểm đó đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý chờ ngày Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva.
Những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay khiến dư luận không thể không đặt dấu hỏi về khả năng lặp lại "cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương", một bài toán khó cho khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng.
Việc Hoa Kỳ tuần tra tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông, thách thức yêu sách lãnh hải 12 hải lý cho các bãi cạn lúc nổi lúc chìm bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam là việc làm hợp pháp và rất đáng hoan nghênh. Nhưng ngay cả Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ John McCain cũng đang yêu cầu Lầu Năm Góc làm rõ mục đích hoạt động này.
Trong khi Lầu Năm Góc giấu kín thông tin về hoạt động của tàu USS Lassen gần đá Xu Bi hôm 27/10, đã có nhiều nguồn tin nói rằng Mỹ chỉ "qua lại vô hại" chứ không tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi. Một trong những nguồn tin ấy xuất hiện từ truyền thông Trung Quốc.
Nếu điều này là thật, vô hình chung Hoa Kỳ đã tiếp tay cho các hành động bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế, ngược lại hoàn toàn những gì Hoa Kỳ đã tuyên bố trước công luận quốc tế. Yêu cầu của Thượng nghị sĩ John McCain cũng là câu hỏi dư luận quốc tế, trong đó có Việt Nam đặt ra với Lầu Năm Góc, hy vọng những tin đồn chỉ là ngụy tạo của ai đó và người Mỹ nói được, làm được, PV.