Tít bài viết này có đôi chút vi phạm ý tưởng của PGS. Trần Đình Huỳnh bởi nó được đặt dựa vào một đoạn văn trong bài “Động lực cơ bản của quá trình đổi mới” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 3/8/2012, nguyên mẫu đoạn văn trong bài như sau: “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”.[1]
Đoạn văn bài viết “Động lực cơ bản của quá trình đổi mới” (Ảnh chụp màn hình) |
Người viết cảm thấy mệnh đề “hoàng hôn lắm mồm” hơi có vẻ “chợ búa”, lẽ ra nên giảm cung bậc đi một chút, chẳng hạn “hoàng hôn nổ giòn” hay “về hưu nhiều lời” nhưng vì phải cân xứng với câu nguyên mẫu nên đành phải để thế cho “nổ”, vả lại không “nổ” thì ai để ý?
Bài viết của PGS. Trần Đình Huỳnh có đoạn: “Trong hồi ký của Tố Hữu, ông viết rằng, trong một lần lên báo cáo công tác với Bác, Bác đã nói: Các chú diễn giảng hai tiếng dân chủ sao mà rắc rối thế? Dân chủ thật ra có nghĩa là để cho dân được mở miệng.
Ai có quyền để cho đảng viên và nhân dân được “mở miệng”? Đó là những đồng chí nắm trong tay quyền lực của Đảng và Nhà nước từ cấp trung ương trở xuống”.
Câu nói của Cụ Hồ không phải là một bài viết nên có thể không tìm thấy trong các văn bản chính thức, tuy nhiên một số vị lãnh đạo, nhà nghiên cứu đã công phu sưu tầm từ các nguồn khác nhau để có câu nói đầy đủ của Người:
“Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng”. [2]
Ai đủ sức chặn "chuyến tàu vét" cuối nhiệm kỳ?(GDVN) -“Ở đâu có quyền lực, ở đó phải có thiết chế để giám sát, nếu không quyền lực ấy dễ bị tha hóa”, ông Lê Văn Cuông nói về việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ bất thường. |
Chỉ trong một câu nói đã đề cập đến ba trạng thái “mở miệng - không dám mở miệng - không thiết mở miệng”, vậy “đảng viên và nhân dân” - theo ngôn từ của ông Trần Đình Huỳnh - đang ở trạng thái nào?
Trả lời câu hỏi trên không phải chỉ là trách nhiệm của “những đồng chí nắm trong tay quyền lực của Đảng và Nhà nước” mà còn là trách nhiệm của truyền thông, của nhân dân.
Mỗi nhóm người dựa vào quyền pháp định, hiến định hay … ngầm định mà có cách trả lời khác nhau.
Nhận định của PGS. Trần Đình Huỳnh về quyền cho phép “mở miệng” mới chỉ đề cập đến một phía, đó là “những đồng chí nắm trong tay quyền lực”, người viết cho rằng đó là quyền pháp định hoặc đôi khi là “ngầm định”, trong khi “mở miệng hay im lặng” vốn là quyền hiến định của công dân, không một cá nhân nào được phép xâm phạm.
Với người dân, đặc biệt là người cầm bút, “mở miệng” hay không còn phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của mỗi người. Vo tròn một tờ giấy rất dễ, gấp nó thành bông hoa, cánh chim hay thanh gươm mới khó.
Có quá nhiều câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: “vì sao đất nước nghèo?”; “vì sao tham nhũng vẫn ổn định?”; “vì sao người Việt ngày nay kém sáng tạo?”,…
Những câu hỏi ấy gắn liền với một thực trạng, người ta sẽ “trả lời – không dám trả lời – không thiết trả lời”.
Lý giải cho thực trạng này, người viết tâm đắc ý kiến của “người dân” Vũ Ngọc Hoàng: “Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm…”. [3]
Sở dĩ cho rằng câu nói này là của “người dân” vì tại thời điểm này, ông Vũ Ngọc Hoàng không còn là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương nữa, có thể ông chưa nghỉ hưu nhưng ông thực sự đã là “dân” rồi.
Gần đây có một ý kiến khiến nhiều người phải giật mình. Một vị lãnh đạo dùng cụm từ “cay độc, độc ác” khi nói về thủ tục hành chính nước nhà, có lẽ đó là những từ mạnh mẽ nhất, chưa bao giờ người dân được nghe từ một lãnh đạo cấp cao đương nhiệm.
Bình minh im tiếng, hoàng hôn lắm mồm (Ảnh: tuoitre.vn) |
Nếu đó là do người dân nói ra, có lẽ ít cơ quan truyền thông nào mạnh dạn đăng tải bởi điều này không nói về một con người cụ thể, một cơ quan cụ thể, cũng không nói về “một bộ phận không nhỏ” mà là cả nền hành chính quốc gia.
Còn nhớ hơn một năm trước, chỉ nói về “một bộ phận nhỏ” là cán bộ tỉnh thì có bài báo đã bị nhắc nhở nghiêm khắc.
Một nền hành chính mà các thủ tục của nó được đánh giá là “cay độc, độc ác” thì liệu có phù hợp với định hướng “do dân và vì dân”, hay nhận xét như thế có phần cảm tính?
Dù dư luận thực sự ngỡ ngàng, dù không vui chút nào nhưng tiếc thay, đánh giá của ông lại hoàn toàn chính xác.
Còn "hoàng hôn nhiệm kỳ" thì biên chế càng muốn giảm càng ...phình to(GDVN) - Cần công khai, minh bạch, có sự giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu, trong việc thực hiện tinh giản biên chế. |
Một quả trứng gánh 14 loại phí, “riêng nông nghiệp, vừa qua đã rà soát bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Con số này là quá lớn. Hay với lĩnh vực tài liệu do Nhà nước quản lý cũng có hàng trăm loại phí và lệ phí”.
Đoạn văn này trích trong báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội ngày 10/8/2015. [4]
Thực tế cho thấy không phải người dân (bao gồm cả cán bộ, đảng viên) không phải là “không thiết mở miệng”.
Trong khi với không ít quan chức, thời điểm phát ngôn luôn nằm trong “chiến lược nhiệm kỳ” thì với người dân, nhất là người cầm bút, quan trọng không phải là thời điểm mà là sự “nhìn trước, ngó sau”, ý kiến, bài viết đụng chạm đến một bộ phận nho nhỏ công bộc luôn phải “đong đếm theo nhiệt độ, thời tiết” bởi không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó!
Lướt qua các báo điện tử ngày nay, trừ hai mục “Shoptin” trên Infonet.vn và “Tin khó tin” trên Laodong.com.vn, khá nhiều bình luận, bài viết đều có chung mô típ là nói quanh co, muốn biểu đạt ý tưởng, phải “vòng vo tam quốc”, phải dẫn chuyện bên Tây, bên Tàu, trong Nam, ngoài Bắc để không thể bắt bẻ, để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu!
Sau Đại hội Đảng 12, xuất hiện dày đặc phát ngôn (mở miệng) của một số cán bộ đương chức mà dư luận thực sự bất ngờ.
Ví dụ thứ nhất liên quan đến chuyện ông Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu tổ chức tiệc hoành tráng mời … “dân” đến dự.
Nói là mời “dân” vì khi báo chí đưa tin, chẳng ai nhận mình là cán bộ, là lãnh đạo phòng này, ban nọ, tất cả đều là bạn bè thân hữu của đương sự.
Ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Hồ Ngọc Sỹ nhấn mạnh: “Sở không liên quan đến việc tổ chức và làm phông nền bữa tiệc mừng nhận chức của Phó giám đốc Hiếu”.
Sở không liên quan thì đương nhiên ông Giám đốc Sỹ cũng không liên quan, trái với thông lệ lỗi văn bản là của “nhân viên đánh máy”, ở Nghệ An, lỗi “viết chữ” là của nhân viên nhà bếp!
Nhìn vào phông nền trên sân khấu mà ông Hiếu đứng chụp hình, từ tỉnh về huyện nhậm chức - liên hoan cỡ “Sở”, từ huyện quay lại tỉnh – liên hoan cỡ “Ủy ban”, trong khi cuối năm 2015, trước Tết âm lịch, tỉnh Nghệ An phải xin trung ương 3.600 tấn gạo cứu đói cho hơn 241.000 người. [5]
Dân Nghệ An bị đói liệu có liên quan gì đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này? Và có một điều theo thông lệ mà Nghệ An không trái đó là Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải “tự rút kinh nghiệm” sau vụ việc.
Về chuyện mua toa xe cũ của Trung Quốc, ông Chủ tịch đường sắt Trần Ngọc Thành hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi chưa phê duyệt bất cứ chủ trương nào để cho các công ty con đi mua phương tiện cũ đã qua sử dụng của nước ngoài về hoạt động trên đường sắt”.
Tiếc rằng ảnh chụp bút phê của ông vào tờ trình mua toa tàu cũ Trung Quốc lại nhan nhản trên mạng xã hội. Có điều truyền thông đã vi phạm quyền “sở hữu trí tuệ” của ông Trần Ngọc Thành khi cố tình sửa bút phê của ông từ “chủ chương” thành “chủ trương”.
Bút phê của ông Chủ tịch đường sắt Việt Nam (Ảnh: tienphong.vn) |
Cũng liên quan đến chuyện “mở miệng”, mấy hôm nay hàng loạt cá nhân, cơ quan từ huyện (ở thủ đô) đến bộ (ở trung ương) tuyên bố không biết chuyện vườn quốc gia Ba Vì bị “xẻ thịt” xây khu nghỉ dưỡng…
Đến khu nhà cao tầng lừng lững ở 8B Lê Trực, ngay cạnh lăng Bác người ta còn không biết thì chuyện xa tít mù tắp tận huyện Ba Vì không biết là chuyện đương nhiên?
Khi chưa đến “hoàng hôn”, câu nói “cửa miệng” của người ta là “không biết, không liên quan, không chỉ đạo” (những việc sai trái), điều này cho thấy “người ta” có thể có trình độ lãnh đạo chuyên môn rất cao nhưng lại hơi bị … chưa cao về “nghiệp vụ” nói dối.
Tiếc thay, thế giới lại thống nhất quan điểm, rằng “các chính khách nổi tiếng, những nhà ngoại giao xuất sắc đều là những người nói dối đại tài”.
Liệu đã đến lúc chương trình đào tạo “hiền tài công bộc” cần mở chuyên ngành “nói dối” để dạy cho những công bộc tương lai “nghệ thuật nói dối”? Để cho “người ta” có thể dõng dạc nói dối mà không sợ bị “ngượng mồm”?
Cũng lại thật tiếc khi phát hiện, rằng xã hội ngày nay đang hình thành nhóm lợi ích mới: “nhóm lợi ích nói dối”, thành viên của nó không chỉ dối trá về bằng cấp, trình độ, về kê khai tài sản,…, họ sẵn sàng dối trá, lừa gạt cả cấp trên lẫn cấp dưới, cả người có học lẫn người “i tờ”, còn sống ngày nào, còn dối trá ngày ấy!
Dẫu sao cũng may là có giây phút “hoàng hôn” để nghe được đôi lời chân thật. Và liệu câu ngạn ngữ “con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thật” có vận đúng vào trường hợp “con người sắp hiu (hưu) thì lời nói thật”?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://xaydungdang.org.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=52&mzid=409&ID=933
[2]http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-05-19-hau-the-hoc-bac-lam-sao-cho-dan-mo-mieng-
[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bao-chi-thoi-bon-so-bon-khong-post159357.gd