4 giải pháp cứu các hội thi giáo viên

11/03/2016 06:13
Nguyễn Cao
(GDVN) - “Đã mấy lần tham gia hội thi và được giải thử hỏi tôi được cái gì chứ? Thi đua thì không xét, khen thưởng thì không”.

LTS: Ngày 2/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD tới các Sở GD&ĐT để lưu ý và chấn chỉnh về việc tổ chức thi giáo viên giỏi.

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao mạnh dạn đưa ra 4 giải pháp nhằm giúp giáo viên có động lực, tinh thần để tham gia các hội thi thay vì việc Ban giám hiệu phải “ép” như hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Kết thúc buổi dạy, một đồng nghiệp của tôi bước ra nhà xe với gương mặt đầy vẻ bức xúc.

Thấy vậy, nhiều người túm lại hỏi chuyện thì cô kể: “Ngay từ đầu năm tôi đã không đăng kí thi giáo viên giỏi cấp thành phố mà bây giờ Phòng GD&ĐT gửi danh sách về lại có tên mình. Tôi thắc mắc với Ban giám hiệu thì họ nói: Muốn không tham gia thì phải làm Bản tường trình”.

Trong thời gian thi, ban giám khảo nắm bắt thời khóa biểu và dự hai tiết bất kì để tránh tình trạng giáo viên “gà bài” cho học sinh (Ảnh: thaithuy.edu.vn)
Trong thời gian thi, ban giám khảo nắm bắt thời khóa biểu và dự hai tiết bất kì để tránh tình trạng giáo viên “gà bài” cho học sinh (Ảnh: thaithuy.edu.vn)

Mọi người khuyên cô bình tĩnh, không nên quá bức xúc bởi có danh sách rồi mà không muốn thi thì tìm cách tế nhị kẻo không khéo lại tự “rước họa vào thân”. 

Cô nói thêm: “Tôi vừa lên gặp cả Hiệu trưởng và Hiệu phó, họ nói phải làm Bản tường trình nêu lí do không tham gia. Nhưng, vì sao tôi lại phải làm bản tường trình? 

Trong khi ngay từ đầu tôi đã không đăng kí tham gia nhưng tại Ban giám hiệu đưa danh sách có tên tôi đăng kí với Phòng GD&ĐT mà không hỏi qua ý kiến của tôi. 

Vậy là Ban giám hiệu phải lí giải với Phòng GD&ĐT đằng này lại bắt tôi phải làm Bản tường trình. Đã mấy lần tham dự và được giải thử hỏi tôi được cái gì chứ? Thi đua thì không xét, khen thưởng thì không”


Câu chuyện của đồng nghiệp khiến tôi nhớ lại cách xét thi đua cuối năm của đơn vị mình trong những năm trước và cách công nhận khi giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố. 

4 giải pháp cứu các hội thi giáo viên ảnh 2

Không được ép buộc giáo viên tham gia thi dạy giỏi

(GDVN) - Ngày 2/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD tới các Sở GD&ĐT lưu ý về việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi.

Theo quy định, mỗi năm, mỗi đơn vị chỉ có 15% danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trên tổng số người đã đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Chính vì chỉ tiêu này nên mỗi lần xét danh hiệu là một lần gây bất mãn cho giáo viên. 

Bởi có những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, giải A chữ đẹp, Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải B cấp thành phố và có học sinh giỏi đạt giải nhưng không nằm trong danh sách được xét. 

Ấy vậy mà thành phần danh sách được xét là người chỉ có một sáng kiến kinh nghiệm thậm chí có cả tình trạng sáng kiến kinh nghiệm “bảo lưu” từ năm trước.

Do đâu mà giáo viên ngán ngẩm với các hội thi bởi lẽ cố gắng vài tháng để đi thi nhưng đến khi đạt giải thì chỉ gửi cho một tờ giấy khen, giấy chứng nhận khổ 13x18, không có khung, không có thưởng… Vậy thử hỏi ai còn thiết tha với Hội thi?

Cho nên việc Ban giám hiệu “động viên” hay “ép” giáo viên đi thi cũng là điều dễ hiểu. Chính vì điều này mà ngày 2/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD tới các Sở GD&ĐT để lưu ý và chấn chỉnh về việc tổ chức thi giáo viên giỏi.

Công văn đã nhận được sự đồng thuận của giáo viên đứng lớp nhằm hướng tới một cuộc thi có ý nghĩa đối với danh dự của mỗi thầy cô trong thời kì hội nhập. Bởi chỉ có phấn đấu, chỉ có hội thi mới tìm được nhân tố tích cực trong ngành.

Tuy nhiên, để duy trì tốt hội thi, muốn giáo viên không bị “ép” đi thi thì cần làm tốt những điều sau: 

4 giải pháp cứu các hội thi giáo viên ảnh 3

Giáo viên muốn bỏ soạn giáo án, ngán ngẩm các hội thi

(GDVN) - Trước sự đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên thấy áp lực, mệt mỏi vì nhiều cuộc thi, cách đánh giá.

Thứ nhất, giáo viên đứng lớp cần xem Hội thi là cơ hội để trau dồi kiến thức, xem việc dự thi là để khẳng định tay nghề trước sự hội nhập của đất nước và phát triển của ngành giáo dục. Và, đây cũng là cơ hội để chứng minh bản  lĩnh “đem chuông đi đánh xứ người”.

Thứ hai, các Ban giám hiệu nhà trường cần tuyên truyền, động viên, khích lệ giáo viên trong trường tham gia một cách lành mạnh, xem đây là một tiêu chí để đánh giá viên chức, đánh giá chuẩn giáo viên và xét thi đua cuối năm. 

Người tham dự và đạt giải phải là những người được ưu tiên hơn so với giáo viên không tham dự trong việc đánh giá, xếp loại và tăng lương trước thời hạn. Từ đó, tạo sự đồng thuận, công bằng cho những cá nhân tích cực tham gia thi đua, phấn đấu. 

Thứ 3, các cấp Phòng, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi cần làm tốt các khâu chuẩn bị, biết lựa chọn những giám khảo có chuyên môn, có tâm huyết, không nhất thiết cứ phải là Ban giám hiệu các trường. 

Cần có những giáo viên nằm trong Hội đồng bộ môn, hoặc là những giáo viên có uy tín, đã từng thi và đạt giải nhiều lần đang trực tiếp giảng dạy. 

Việc dạy tiết thực hành không nên cho giáo viên chọn trước trong thời gian quá dài, không nhất thiết phải tổ chức việc dạy thực hành ở đơn vị khác mà có thể để giáo viên dạy tại đơn vị mình.

Trong thời gian thi, ban giám khảo nắm bắt thời khóa biểu và dự hai tiết bất kì để tránh tình trạng “gà bài” như Bộ GD&ĐT lưu ý.

Thứ 4, mỗi cấp tổ chức Hội thi khi đã kết thúc cần có tổng kết và vinh danh một cách ấm áp đủ để thể hiện sự trang trọng, ghi nhận những cố gắng của người tham dự.

Một tấm giấy khen, hoặc giấy chứng nhận giáo viên giỏi và một bó hoa tươi nhưng nếu biết cách trao, khích lệ cũng sẽ là động lực cho mỗi thầy cô khi đạt giải

Nguyễn Cao