Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

20/04/2016 06:27
Ngọc Việt
(GDVN) - Rousseff đã xem bất đồng chính kiến trong nhân dân như thế lực thù địch, coi những người dân có quan điểm trái ngược với chính phủ như lực lượng...

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đã lên tới đỉnh điểm khi việc luận tội đương kim Tổng thống Dilma Rousseff do phe đối lập khởi phát đã dược Hạ viện nước này thông qua ngày 18/4.

Chỉ cần Thượng viện thông qua vào đầu tháng 5 tới đây thì bà Rousseff  sẽ phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực trong 180 ngày, trước khi có phán quyết của Toà án.

Bà Rousseff bị cáo buộc che dấu bất hợp pháp tình trạng thiếu hụt ngân sách của chính phủ trong năm 2014 để gia tăng cơ may tái đắc cử - một cáo buộc mà bà cực lực phủ nhận. Bà cũng bị đổ lỗi về cuộc suy thoái tại Brazil và vụ tai tiếng tham nhũng liên hệ đến công ty dầu khí quốc doanh Petrobras, theo VOA ngày 18/4.

Với tình hình hiện nay dư luận cho rằng, khả năng Thượng viện Brazil sẽ thông qua việc luận tội Tổng thống dễ dàng hơn ở Hạ viện. Vì vậy, việc bà Rousseff phải đối mặt với phán quyết của Toà án là gần như chắc chắn.

Và nếu điều đó xảy ra thì cơ hội Tổng thống Rousseff quay trở lại chiếc ghế quyền lực là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Tổng thống Braxil Dilma Rousseff có nguy cơ bị tước bỏ quyền lực vĩnh viễn. Ảnh: pragmatismopolitico.com.br.
Tổng thống Braxil Dilma Rousseff có nguy cơ bị tước bỏ quyền lực vĩnh viễn. Ảnh: pragmatismopolitico.com.br.

Đây là lần thứ 2 trong lịch sử chính trị Brazil xảy ra một sự kiện như vậy sau việc Tổng thống Fernando Collor de Mello bị luận tội và phải từ chức năm 1992. Tổng thống đương nhiệm Rousseff đã gọi đây là cuộc đảo chính của phe đối lập.

”Hôm Chủ Nhật, phe đối lập vừa tổ chức cho cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống, vừa chuẩn bị cho việc ra đời một chính quyền mới của Phó Tổng thống Michel Temer, bà Rouseff nói rằng bà là nạn nhân của một cuộc đảo chính phi truyền thống”, The Guardian tường thuật.

Bà Rousseff đã dùng những lời lẽ gay gắt để đả kích Phó Tổng thống Michel Temer, người từng là đồng minh của bà nhưng giờ đây đang cầm đầu cuộc vận động để luận tội và phế truất bà:

"Một người làm Phó Tổng thống cấu kết với những người khác để công khai chống lại Tổng thống là một việc hết sức bất thường, đó là một việc đáng kinh tởm", theo VOA ngày 19/4.

Tổng thống Rousseff cũng đã nói rằng: "Hồi trẻ, tôi đã đối đầu với chế độ độc tài, bây giờ tôi đối mặt với cuộc đảo chính".

Nữ Tổng thống Brazil cho rằng, những động thái buộc tội bà là thủ thuật giành quyền lực của những người không có khả năng giành phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ, theo BBC ngày 19/4.

Như vây là bà Rousseff  tố cáo các đối thủ đã dùng những thủ đoạn xấu xa để “đảo chính, cướp quyền” của bà. Tuy nhiên theo người viết, để bản thân rơi vào tình thế nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc” như hiện nay, bà Rousseff phải xem lại mình, trước khi lên án, kết tội đối thủ. 

Đấu tranh cho dân chủ nhưng lại suy nghĩ và hành động phản dân chủ

"Tôi tin vào dân chủ. Tôi sẽ chiến đấu, như tôi đã luôn luôn thực hiện trong cuộc sống của tôi. Đây không phải là sự khởi đầu của sự kết thúc - đó là sự khởi đầu của cuộc chiến.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân ảnh 2

Ăn sẵn

(GDVN) - Khi “gặm hết” giá trị của những di sản của người tiền nhiệm để lại thì sẽ đến lúc bộc lộ những yếu kém của người thừa hưởng và dẫn đến khủng hoảng.

Nhiệm vụ của tôi không phải là đối với tôi, đó là cho 54 triệu người bình chọn cho tôi ... đây là một cuộc đấu tranh cho Brazil, cho dân chủ”, The Guardian 19/4 đã dẫn lời Tổng thống Rousseff phân bua sau khi Hạ viện Brazil thông qua việc luận tội bà.

Vậy là bà Rousseff đã tự xem mình không phải là vị Tổng thống đại diện cho quyền lực nhân dân Brazil mà bà chỉ đại diện cho những người ủng hộ bà mà thôi.

Với suy nghĩ như vậy, bà Rousseff đã thể hiện mình không phải là một Tổng thống có tâm, xứng tầm để người dân Brazil gửi gắm niềm tin. Bà chỉ là lãnh đạo, là đại diện cho một bộ phận dân chúng Brazil mà thôi.

Bà Rousseff tin vào dân chủ, đấu tranh cho dân chủ tại Brazil nhưng bà lại chọn là “đối thủ” của nhân dân Brazil. Bởi lẽ nhân dân là tất cả chứ không phải là một hay một vài bộ phận, một hay một vài thành phần nào đó trong xã hội.

Dù có người ủng hộ, có người không ủng hộ, nhưng bà Rousseff đã là nguyên thủ quốc gia của Brazil thì phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho tất cả người dân Brazil.

Trong khi dân số Brazil là hơn 200 triệu người nhưng bà Rousseff chỉ nhận đại diện cho 54 triệu người đã bỏ phiếu bầu bà làm Tổng thống. Còn lại những người không ủng hộ bà thì trở thành đối lập với bà hoặc không được bà quan tâm.

Vô hình chung bà Rousseff đã đẩy phần lớn người dân Brazil về phía lực lượng chống lại bà và chính phủ của bà.

Vậy là thứ dân chủ mà bà Rousseff đấu tranh đâu phải cho nhân dân Brazil, mà đó chỉ là thứ dân chủ dành cho bà và những người ủng hộ bà. Đương nhiên đó không phải là dân chủ, nếu không muốn nói là phản dân chủ.

Bà Rousseff hô hào bảo vệ nền dân chủ, đấu tranh cho giá trị dân chủ nhưng bà lại tạo ra hình thức phản dân chủ để bảo vệ quyền lực của bà.

Phe đối lập Brazil đã khai thác sự mâu thuẫn trong việc xây dựng nền dân chủ của Tổng thống Dilma Rousseff để tìm cách phế truất bà. Ảnh: AP.
Phe đối lập Brazil đã khai thác sự mâu thuẫn trong việc xây dựng nền dân chủ của Tổng thống Dilma Rousseff để tìm cách phế truất bà. Ảnh: AP.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Dilma Rousseff đã quá sai lầm khi nhận thức về quyền lực và thực hiện nắm giữ quyền lực theo phương châm phản dân chủ như vậy. Và bà đã, đang và sẽ phải trả giá cho những sai lầm ấy của mình.

Thứ nhất, những người thân tín, trung thành với bà trở thành những người ủng hộ "phản dân chủ" và chắc chắn họ sẽ rời bỏ bà.

Nếu dư luận có thiện cảm với Tổng thống Rousseff, xem hành động của Phó Tổng thống Michel Temer ủng hộ phe đối lập nhằm phế truất Tổng thống là “lừa thầy phản bạn”, thì nay có thể thông cảm với hành động của ông ta.

Bởi lẽ, người ta có thể chọn “lừa thầy phản bạn” hơn là chọn “phản dân hại nước”, và ông Temer đã lựa chọn như vậy.

Thứ hai, nhân dân Brazil mà ngay cả những người ủng hộ bà Rousseff sẽ rời bỏ bà vì chỉ cần họ không ủng hộ bà trong một chính sách hay hành động nào đó thì ngay lập tức họ trở thành thế lực thù địch đối với bà.

Còn những người vốn không ủng hộ thì bà đã xem họ là đối nghịch với Tổng thống, với chính phủ. Tổng thống Rouseff đã mất cả quyền và lực bởi sai lầm của mình.    

“Đến đầu tháng 5/2016, bà có thể sẽ bị đình chỉ công việc, bị đưa ra tòa và tới cuối năm bà có thể sẽ bị chính thức cách chức. Tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy với một vị Tổng thống chỉ mới ba năm trước còn nhận được tới 80% ủng hộ từ cử tri, theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận?”

Daniel Gallas, một phóng viên tại Sao Paulo đã phân tích và đặt câu hỏi như vậy về sự nghiệp xuống dốc quá nhanh của bà Rousseff trên BBC ngày 13/4.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân ảnh 4

Minh bạch thu nhập - cái tâm của người lãnh đạo

(GDVN) - Hai tiêu chí quan trọng cho việc xây dựng thang thu nhập của lãnh đạo, đó là tính tinh gọn hay cồng kềnh của bộ máy công quyền và tỷ lệ người nghèo đói.

Còn theo The Guardian ngày 19/4, qua thăm dò ý kiến của công chúng Brazil ​​cho thấy, hơn 60% số người được hỏi ủng hộ việc loại bỏ Tổng thống Dilma Rousseff.

Bà đã từng là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới, nhưng bây giờ chỉ được khoảng 10% dân chúng ủng hộ.

Hầu hết giới quan sát đều nhận định, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Rousseff giảm là do khó khăn về kinh tế mà chính phủ không có chính sách khắc phục hiệu quả.

Tuy nhiên theo cá nhân người viết, đó là hậu quả của việc bà Rousseff không tập hợp được sức mạnh toàn dân vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mà nguyên nhân chính là do bà đã chọn đối lập với nhân dân.  

Vô trách nhiệm và thiếu bản lĩnh

Theo BBC, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết bà "bị xúc phạm" vì quá trình luận tội và nói bà có "lương tâm trong sáng". Bà khẳng định sẽ chiến đấu chống lại "sự bất công" và sẽ không bị khuất phục trước áp lực.

Rousseff tuyên bố bà đã lấy lại "tinh thần, sức mạnh và can đảm" để đương đầu với những âm mưu chống lại bà.

"Tôi có đủ năng lượng, sức mạnh và sự dũng cảm cần thiết để đương đầu với sự bất công này. Mặc dù tôi cảm thấy rất buồn, nhưng tôi có năng lượng, sức mạnh và lòng dũng cảm.

Tôi sẽ không để cho việc này làm cho tôi bị tê liệt. Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu và sẽ tranh đấu như tôi đã làm trong suốt cuộc đời mình", theo VOA ngày 19/4.

Tuy nhiên, theo người viết thì đó không phải là bản lĩnh của một nguyên thủ quốc gia trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lực, cũng như thể hiện trách nhiệm với nhân dân.

Đó chỉ là sức mạnh tinh thần và sự quyết tâm của một người bị dồn vào bước đường cùng trong cuộc tranh giành quyền lực mà thôi.

Người biểu tình Brazil chống Tổng thống Rousseff và chính phủ của bà. Ảnh: AP.
Người biểu tình Brazil chống Tổng thống Rousseff và chính phủ của bà. Ảnh: AP.

Bản lĩnh của một người lãnh đạo phải thể hiện trong việc dám nhận trách nhiệm và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Dilma Rousseff không thể hiện được điều ấy.

"Bà cho rằng các Tổng thống tiền nhiệm cũng dính vào cáo buộc thao túng ngân sách tương tự nhưng họ không bị kết tội”, theo BBC ngày 19/4.

Điều này sẽ gây ra hệ luỵ cho sự nghiệp của Rousseff và khiến cho nguy cơ bà bị tước bỏ quyền lực vĩnh viễn càng rõ ràng hơn.

Người dân Brazil có thể cho rằng, vì có “tiền lệ” nên Tổng thống Dilma Rousseff cứ vô tư vi phạm mà quên mất trách nhiệm quan trọng của chính phủ bà là phải khắc phục và làm lành mạnh tài chính công. Chứng tỏ bà vô trách nhiệm trong quá trình thực thi quyền lực của mình. 

Còn các đối thủ của Tổng thống Rousseff  đã nhận ra, bà có tâm lý “không ăn được thì đạp đổ”, muốn kéo cả nền chính trị Brazil vào cuộc tranh giành quyền lực của mình.

Cho nên có thể họ sẽ khai thác yếu tố này làm phức tạp thêm tình hình. Và nếu như thế thì mục đích của họ sẽ dễ dàng đạt được hơn nữa, đó là ngày “về lại dinh” của nữ Tổng thống sẽ càng xa hơn. 

Như vậy là từ vô trách nhiệm, bà Rousseff trở nên thiếu bản lĩnh và hậu quả là những người tiền nhiệm của bà, vốn là chỗ dựa cho bà, đã để lại di sản cho bà mà nhờ đó bà mới có thể ngồi trên chiến ghế quyền lực đến ngày hôm nay, họ sẽ quay lưng với bà.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân ảnh 6

Bài học xương máu cho các ứng viên Tổng thống Philippines

(GDVN) - Nếu nắm giữ quyền lực trái quy luật thì sự nghiệp của người lãnh đạo luôn có hiểm hoạ rình rập khi nắm giữ quyền bính và họ sẽ có thể phải gánh đại hoạ.

Việc họ có phải bị luận tội hay không thì chưa biết, nhưng việc bà mất đi những đồng minh quan trọng thì thấy ngay.

Ông Lindberg Farias, Thượng nghị sĩ của đảng Công nhân ở Rio de Janeiro – đồng minh của Tổng thống Dilma Rousseff cho rằng:

“Sau thất bại tan nát đêm qua, một điều nghe như mơ tưởng. Nhưng tâm trạng ấy có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Và Rousseff đã trả một cái giá rất đắt cho niềm tin vào dư luận và lòng trung thành chính trị tại Brazil”.

Với quan điểm của đảng Công nhân cầm quyền và cá nhân Tổng thống Rousseff  như vậy thì khó có thể tin nữ Tổng thống đầu tiên tại quê hương của vũ điệu Samba và chính phủ của bà vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay.

Niềm tin nhân dân chỉ có khi nhà nước xây dựng được cơ chế thực thi quyền lực đảm bảo sự bình đẳng về lợi ích của tất cả các lực lượng xã hội.

Lòng trung thành chỉ có được khi người lãnh đạo có bản lĩnh, có trách nhiệm trong công việc, quản lý và chỉ đạo vận hành tốt nhất cơ chế thực thi quyền lực, giúp ngày càng nâng cao mức sống cho người dân, mang đến sự công bằng về mọi quyền lợi cho nhân dân, không phân biệt chính kiến hay thành phần xã hội.  

Chính quyền Tổng thống Rousseff đã xem bất đồng chính kiến trong nhân dân như thế lực thù địch, coi những người dân có quan điểm trái ngược với chính phủ như lực lượng phản động, thì đó là biểu hiện của sự phản bội lòng tin của nhân dân, nên sẽ không bao giờ có được niềm tin nhân dân.

Từ đó khiến nhà nước không có được sức mạnh của quyền lực nhân dân và có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Đây có thể được xem là tình thế mà Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cùng chính phủ của bà đang gặp phải và xem ra khó có thể vượt qua.

Ngọc Việt