BBC ngày 1/3/2015 đưa tin, Tổng thống Uruguay José Alberto "Pepe" Mujica Cordano, một trong những lãnh đạo được mến mộ nhất thế giới đã kết thúc nhiệm kỳ sau 5 năm nắm quyền. Theo Hiến pháp của Uruguay, ông Mujica không thể tranh cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Mujica rời văn phòng trong khi tỉ lệ ủng hộ ông đang rất cao - chạm mốc 65%.
Cựu Tổng thống Mujica được người dân Uruguay và nhiều người dân trên toàn thế giới mến mộ vì lối sống thanh bạch, cách sống giản dị của ông. Ông Mujica thường được người mến mộ đặt cho biệt danh là “Tổng thống nghèo nhất thế giới” so với những nhà lãnh đạo cùng thời ở các quốc gia khác trên thế giới.
Hầu hết những người yêu quý cựu Tổng thống Uruguay Mujica đều nhận xét, ông là một nhà lãnh đạo có tâm khi cuộc sống của ông trong vai trò nguyên thủ không khác biệt là bao so với cuộc sống của những người nghèo khó tại quốc gia Nam Mỹ này. Thậm chí ông Mujica còn dùng tới 90% trong khoản tiền lương 12.000 USD / tháng để hỗ trợ những người không may mắn.
Cựu “Tổng thống nghèo nhất thế giới” José Alberto "Pepe" Mujica Cordano được nhiều người mến mộ. Ảnh: jide-salu.com. |
Tuy nhiên theo người viết, điều đó không thể hiện cái tâm của nhà lãnh đạo.
Việc ông Mujica sống cuộc sống “nghèo khó” như dân nghèo, việc ông Mujica chia sẻ thu nhập của mình với người khó khăn không thể được xem là cái tâm của người lãnh đạo, mà đó chi đơn thuần là lòng tốt của một con người bình thường trong xã hội mà thôi.
Bởi lẽ, lương của Tổng thống Mỹ cao gấp nhiều lần lương của cựu Tổng thống Uruguay và không chia sẻ cho người nghèo số thu nhập ấy. Lương của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cao gấp nhiều lần lương của cựu Tổng thống Mujica và cũng không trích phần lớn thu nhập của mình cho người nghèo.
Thế nhưng không ai cho rằng họ không phải là người lãnh đạo có tâm với dân.
Vậy đâu là thể hiện, biểu hiện cái tâm của người lãnh đạo? Đâu là một trong hai điều kiện quan trọng nhất của người lãnh đạo nhân dân, bên cạnh cái tầm lãnh đạo cần phải có?
Nếu không xác định được tiêu chí hay tiêu chí mập mờ thì sẽ có nhiều người lãnh đạo chỉ là những kẻ nhẫn tâm, thậm chí là dã tâm nhưng vẫn được xem là nhà lãnh đạo có tâm với dân với nước.
Cái tâm của người lãnh đạo là thể hiện qua việc xây dựng và góp phần xây dựng chế độ ưu việt
Có nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khi xem xét tính ưu việt của một chế độ chính trị. Tuy nhiên, theo những nhà chính trị học và xã hội học thì một chế độ, một nhà nước xây dựng được cơ chế thực thi quyền lực nhân dân, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích nhân dân tương xứng với quyền lực họ đã uỷ thác cho lực lượng cầm quyền, thì được xem là chế độ ưu việt trong một quốc gia, một xã hội.
Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân |
Lợi ích của nhân dân thể hiện trên hai mặt cơ bản là lợi ích về chính trị và lợi ích về kinh tế. Song dù ở mặt nào thì lợi ích nhân dân đều phải được xoay quanh trục bình đẳng.
Bình đẳng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, bình đẳng giữa người dân với nhà nước…Từ sự bình đẳng sẽ triệt tiêu những đặc quyền đặc lợi mà nhà nước tạo ra cho những lực lượng, những tổ chức và những cá nhân trong xã hội.
Về lợi ích chính trị trì người ta luôn nói đến vấn đề quyền con người phải được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Mà tự do, dân chủ luôn là hai vấn đề quan trọng nhất trong việc nhà nước đảm bảo lợi ích cho nhân dân trong một chế độ chính trị ưu việt. Đó cũng là nền tảng của việc xây dựng cơ chế thực thi quyền lực của lực lượng cầm quyền phù hợp với sự phát triển xã hội.
Về lợi ích kinh tế, việc lực lượng cầm quyền xây dựng cơ chế phân chia quyền lợi giữa các thực thể trong xã hội một cách công bằng là biểu hiện rõ nét nhất của chế độ chính trị ưu việt.
Tạo cơ hội cho người dân, cho những tổ chức do người dân lập ra được hoạt động bình đẳng trong quá trình tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều cho xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng trong xây dựng cơ chế quản lý kinh tế của một chế độ ưu việt.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế tái phân phối lợi ích xã hội thông qua thu nhập và phúc lợi giữa các thực thể trong xã hội, là yêu cầu cực kỳ quan trọng trong tính ưu việt của một chế độ chính trị. Khi quyền lợi của lực lượng cầm quyền không phù hợp, không bình đẳng với những thành phần còn lại trong xã hội thì chế độ đó có thể bị xem là phản động.
Như vậy, tính ưu việt của một chế độ vừa mang tính đặc thù là phụ thuộc vào sự phát triển cũng như nét văn hoá, phong tục tập quán của mỗi quốc gia; vừa mang tính phổ quát là sự bình đẳng về lợi ích giữa các thực thể trong xã hội.
Người lãnh đạo nào có khả năng xây dựng một chế độ ưu việt thì được xem là người lãnh đạo có tầm. Người lãnh đạo mong muốn xây dựng một chế độ ưu việt được xem là người lãnh đạo có tâm.
Mức sống của người dân Singapore cao, tỷ lệ người dân nghèo đói tại Singapore thấp khiến cho tiền lương của Thủ tướng Lý Hiển Long cao nhất thế giới. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sự bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các thực thể trong một xã hội, nhất là giữa lực lượng cầm quyền và những thành phần khác để đảm bảo tính ưu việt của chế độ?
Chắc chắn không có căn cứ chung, cơ sở chung cho mọi chế độ chính trị, cho mọi nhà nước trong việc xây dựng cơ chế phân chia quyền lợi bình đẳng giữa các thực thể. Xin quay trở lại vấn đề thu nhập của lãnh đạo các quốc gia để xem xét tính bình đẳng trong xã hội, qua đó nhìn nhận về cái tâm của người lãnh đạo.
Tại Mỹ, lương của Tổng thống Mỹ khoảng 200.000 USD khi mức thu nhập của người dân Mỹ khoảng 32.000USD, khi thu nhập của người dân Mỹ tăng lên khoảng 57.000USD thì lương của Tổng thống Mỹ tăng lên khoảng 400.000USD.
Trong khi cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica nhận lương 12.000 USD / tháng tương đương khoảng 150.000USD / năm, trong khi thu nhập bình quân của người dân Uruguay là 16.000USD.
Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có mức lương hằng năm là 1,7 triệu USD trong khi thu nhập của người dân Singapre là khoảng xấp xỉ 85.000USD, theo Business Insider.
Bài học xương máu cho các ứng viên Tổng thống Philippines |
Như vậy, lương của Tổng thống Mỹ gấp khoảng hơn 3 lần thu nhập bình quân của người dân Mỹ, lương của Tổng thống Uruguay gấp hơn 9 lần thu nhâp bình quân của người dân Uruguay và lương của Thủ tướng Singapore gấp khoảng 20 lần thu nhập bình quân của người dân nước này.
Vậy đâu là chế độ ưu việt và nhà lãnh đạo nào là nhà lãnh đạo có tâm?
Theo nghiên cứu của cá nhân người viết thì người ta lấy thu nhập bình quân đầu người một quốc gia để xác định mức thu nhập cho lãnh đạo quốc gia cũng như bộ máy công quyền ở quốc gia đó.
Và không có một chế độ nào xây dựng thang thu nhập cho người lãnh đạo thấp hơn gấp 2 lần thu nhập bình quân của người dân. Bởi lẽ người ta muốn người lãnh đạo tập trung cho công việc nên việc xây dựng thang thu nhập cho lãnh đạo là có tính yếu tố gia đình ở trong đó.
Còn việc người lãnh đạo có thu nhập cao nhất là bao nhiêu thì người ta không xác định. Nhưng có hai tiêu chí quan trọng cho việc xây dựng thang thu nhập của lãnh đạo, đó là tính tinh gọn hay cồng kềnh của bộ máy công quyền và tỷ lệ người nghèo đói trong quốc gia đó.
Khi bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tỷ lệ người dân sống mức nghèo khó ít thì thu nhập của lãnh đạo sẽ cao, cùng với đó là thu nhập của viên chức nhà nước cũng ở mức cao. Như tại Singapore chẳng hạn.
Minh bạch thu nhập cũng là biểu hiện cái tâm của nhà lãnh đạo
Có lẽ dư luận chưa quên chuyện Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phải quyết định bán ngôi nhà của mình để chữa bệnh cho con trai, nhưng chưa kịp thì con trai ông đã qua đời, theo CNN ngày 12/1/2016.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, ông Biden là đương kim Phó Tổng thống Mỹ mà lại “nghèo” tới mức đó sao? Song sự thật đúng là vậy. Bởi lẽ tiền lương của ông Biden hay Tổng thống Mỹ hoặc bất kỳ lãnh đạo cơ quan nào khác của Mỹ cũng phải theo mức sống của người dân Mỹ.
Hiện nay đâu đó trên thế giới, nhiều chế độ chính trị muốn được xem là ưu việt, nhiều là lãnh đạo muốn được xem là có tâm. Ở đó người ta đã xây dựng thang bảng lương cho công chức nhà nước, trong đó có cả tiền lương của lãnh đạo nhà nước, thấp đến mức khiến dư luận phải giật mình.
Tổng thống Obama chia sẻ nỗi đau mất con với cấp phó của mình, ông Joe Biden trong tang lễ con trai. Ảnh: us-news.us. |
Tuy vậy, người ta vẫn không muốn rời bỏ công việc trong cơ quan công quyền dù với “tiền lương chết đói”.
Song hầu hết những nhà nước ấy lại có cơ chế tạo điều kiện cho việc tồn tại lợi ích của những người hưởng lương qua hai nguồn thu là tiền lương và thu nhập khác. Tiền lương thì có cơ chế kiểm soát nhưng thu nhập khác thì không.
Từ đó mới hình thành nên những khoản thu nhập không minh bạch và chính điều này khiến cho thu nhập thực tế của nhiều lãnh đạo vượt quá xa thu nhập trung bình trong xã hội.
Ở những quốc gia ấy, khi nói tới tiền lương của người lãnh đạo, người dân không tin đó là thu nhập duy nhất của lãnh đạo và đó cũng được xem là một trong những căn nguyên cho ra đời và tồn tại của tình trạng tham nhũng.
Thậm chí có những lãnh đạo còn không có lương để thể hiện mình thuộc về nhân dân. Song thực ra đó chỉ là sự che giấu mang tính mị dân và điều trái quy luật ấy sẽ khiến họ bị lật tẩy.
Giấc mơ hoang |
Cách đây 30 năm, ngày 15/4/1986, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra lệnh ném bom Tripoli và Benghazi, Libya trong một chiến dịch gọi là Chiến dịch El Dorado Canyon, nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo nước này là Đại tá Muammar Gaddafi, theo BBC ngày 31/1/2001.
Hình ảnh ông Gaddafi ở trong những chiếc lều vải đã khiến cho nhiều người cảm kích một nhà lãnh đạo nhân dân, không thu nhập riêng, không tài sản riêng.
Tuy nhiên WikiLeaks từng tiết lộ một công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Libya dưới thời Gaddafi có 2% cổ phần tại hãng xe hơi Ý Fiat, 15% cổ phần tại Công ty dầu mỏ Tamoil, 7,5% cổ phần trong Câu lạc bộ bóng đá Juvetus, 3,27% cổ phần tại tờ Thời báo Tài chính uy tín.
Tại Anh, gia đình Gaddadi sở hữu một biệt thự trị giá hơn 16 triệu USD ở bắc Luân Đôn, tòa nhà Portman rộng 13.615 m2 ở Oxford Street…
Và không chỉ có Gaddafi, mà có rất nhiều vị lãnh đạo nhận mình là người của nhân dân, vì dân vì nước ở nhiều quốc gia trên thế giới đã rời xa quyền lực hay vẫn đang tạo dấu ấn chốn quan trường, đang làm giàu trên sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích xã hội thông qua cơ chế thu nhập không minh bạch, nhưng vẫn xem mình là những nhà lãnh đạo có tâm.
Đối với nhân dân họ chỉ là những người lãnh đạo nhẫn tâm, thậm chí rất dã tâm.
Một nhà nước hình thành và tồn tại trên sự uỷ thác quyền lực nhân dân thì những lực lượng cấm quyền, những người lãnh đạo của nhà nước đó, trong chế độ đó phải xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Góp phần xây dựng chế độ ngày càng ưu việt thông qua hoàn thiện cơ chế phân chia thực thi quyền lực nhân dân, đảm bảo sự công bằng lợi ích giữa lãnh đạo và nhân dân là yêu cầu thiết thực với những nhà lãnh đạo có tâm – vì nước vì dân.