Cả nước có 11 người tự ứng cử trong danh sách bầu

27/04/2016 06:45
Ngọc Quang
(GDVN) -Vòng hiệp thương thứ 3 mới quyết định lựa chọn danh sách ứng cử đại biểu quốc hội, vì vậy có câu hỏi đặt ra: Có nên bỏ bớt vòng 1, vòng 2 để rút ngắn thời gian?

Vấn đề này được đặt ra tại buổi họp báo công bố danh sách chính thức ứng cử đại biểu quốc hội cả nước được tổ chức chiều 26/4 tại Văn phòng Quốc hội.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là có những ứng viên dù được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm 100% và tại đơn vị công tác cũng tín nhiệm 100% nhưng vẫn trượt ở vòng hiệp thương thứ 3.

Trường hợp cụ thể được đặt ra làm thí dụ là ông Trần Đăng Tuấn đã bị trượt khỏi danh sách bầu đại biểu quốc hội sau vòng hiệp thương thứ 3 của Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho hay: “Vừa qua rất nhiều người dân ở nhiều vị trí khác nhau có đơn tự ứng cử, qua đối chiếu tiêu chuẩn và lấy tín nhiệm ở nơi cứ trú, qua các vòng hiệp thương trước để chốt danh sách chính thức. Kể cả người tự ứng cử và người được giới thiệu đều qua các vòng chặt chẽ theo quy định pháp luật.

Vòng hiệp thương lần 3 là rất quan trọng, quyết định lựa chọn lập danh sách trên cơ sở kết quả các vòng, từ nơi cư trú, 2 vòng hiệp thương trước để đánh giá toàn diện. Trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn chỉ có 13/83 người ủng hộ tại hội nghị hiệp thương cuối cùng là rất thấp”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong danh sách bầu đại biểu quốc hội chỉ còn 11 người tự ứng cử. ảnh: Ngọc Thành.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong danh sách bầu đại biểu quốc hội chỉ còn 11 người tự ứng cử. ảnh: Ngọc Thành.

Trước băn khoăn về hình thức biểu quyết giơ tay tại vòng hiệp thương cuối cùng của Hà Nội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại hội nghị thì chủ tọa sẽ xin ý kiến cử tri cho phép dùng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay và đó là quyền của cử tri, không ai bắt buộc phải bỏ phiếu kín hoặc phải giơ tay.

Hơn nữa, người kiểm phiếu chính là cử tri tham dự hội nghị được cử ra nên kết quả là chính xác.

Cả nước có 11 người tự ứng cử trong danh sách bầu ảnh 2

Ông Vũ Mão hỏi: Vì sao có những người dân chưa thực sự quan tâm tới bầu cử?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong danh sách 870 người chính thức ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV có 197 người do Trung ương giới thiệu; 673 người do địa phương giới thiệu. Trong danh sách này có 11 người tự ứng cử.

Trong số 197 người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương được phân chia như sau: Khối cơ quan Đảng có 12 người; Khối cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp có 5 người; Khối các cơ quan của Quốc hội có 113 người; Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ có 17 người; Bộ Quốc phòng 15 người; Bộ Công an 3 người; Kiểm toán nhà nước 1 người; Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên 31 người.

Cơ cấu kết hợp chung của cả nước cho thấy số phụ nữ ứng cử là 339 người (38,97%); 97 người ứng cử là người ngoài Đảng (11,15%); 204 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (23,45%); 168 người ứng cử là Đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử (19,31%); 268 người ứng cử là người trẻ tuổi – dưới 40 tuổi (30,80%).

Trong danh sách đã công bố, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số người ứng cử lớn nhất. Hà Nội có 50 người ứng cử, số đại biểu được bầu là 30 (trong đó cơ cấu Trung ương 13, địa phương 17). TP. Hồ Chí Minh có 50 người ứng cử, số đại biểu được bầu là 30 (trong đó cơ cấu Trung ương 14, địa phương 16).

Một vấn đề khác cũng được đặt ra là tại sao phải đảm bảo “cơ cấu” khi bầu đại biểu quốc hội?

Ông Phúc cho biết, cơ cấu là để đảm bảo có đại biểu đại diện cho nhiều thành phần khác nhau. Nếu không đảm bảo “cơ cấu” thì sẽ bị lệch. Vì vậy, chất lượng đại biểu được được đặt lên trên hết, nhưng cơ cấu cũng rất quan trọng.

Ngọc Quang