Trong Hội nghị Hiệp thương vòng 3 diễn ra vào sáng 15/4, một trong những ứng viên được dư luận xã hội đánh giá cao là ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) bất ngờ bị loại (chỉ được 13/83 phiếu ủng hộ).
Ngày 16/4, trên trang cá nhân, ông Trần Đăng Tuấn đã đăng tải chia sẻ về vấn đề này và đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của hàng nghìn người.
Trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều nay (19/4), ông Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội nói rằng: “Về vấn đề của bác Trần Đăng Tuấn thì tôi thấy có hai ba ý kiến. Nói về luật, anh tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử thì đều bình đẳng.
Việc lấy tín nhiệm cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú là theo quy trình của Nghị quyết số 11.
Những người sau khi qua những bước đó thì mới đủ tiêu chuẩn vào hiệp thương vòng 3.
Còn về việc đánh giá như thế nào thì đó là do các đại biểu tại hội nghị hiệp thương lần 3 quyết định.
Về việc đó chúng tôi đã thực hiện theo đúng các quy định.
Tổ kiểm phiếu tại hội nghị gồm 3 người, do Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố làm tổ trưởng; hai người còn lại là đồng chí Chủ tịch Hội Thanh niên Hà Nội và đồng chí Phó chủ tịch Hội sinh viên.
Hình thức bỏ phiếu có hai cách là giơ tay hoặc bỏ phiếu kín thì đã thống nhất biểu quyết bằng hình thức giơ tay”.
Ông Bùi Anh Tuấn thông tin về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. ảnh: Ngọc Quang. |
Liên quan đến vấn đề có tới 95% số đại biểu tự ứng cử đã trượt khỏi danh sách sau hiệp thương vòng 3, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn là người được dư luận xã hội kỳ vọng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt ra câu hỏi:
Có căn cứ gì để 83 người bỏ phiếu xác định chính xác đại biểu xứng đáng có tên trong danh sách cuối cùng để bầu cử đại biểu quốc hội, bởi vì nếu không có các tiêu chí rõ ràng thì dễ bỏ phiếu cảm tính, người lọt vào danh sách chưa chắc đã là ý chí của nhân dân và người bị loại khỏi danh sách chưa chắc đã phải là điều người dân muốn như thế?
"Tôi có nhiều cách khác để đóng góp như một công dân" |
Giải đáp về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn cho hay: “Theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ những tiêu chuẩn ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và ứng cử viên Hội đồng nhân dân các cấp.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn đó thì gương mẫu chấp hành chủ trương, pháp luật, hiến pháp, thực hiện vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, đấu tranh chống tham nhũng, gương mẫu chấp hành ở địa phương, gần gũi nhân dân, lắng nghe nhân dân và được nhân dân tin tưởng… đó là những tiêu chuẩn của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bám vào các tiêu chuẩn ở đây, đại biểu đánh giá lại toàn bộ quá trình và đây không phải một cá nhân, hai cá nhân mà đây là tập thể đa số tán thành”.
Ông Tuấn nói thêm: "Thực ra tất cả những người vào vòng hiệp thương thứ 3 đều là những người đủ tiêu chuẩn cả.
Nhưng trong số tiêu biểu thì phải chọn ra những người tiêu biểu hơn, mà theo cảm nhận của các đại biểu thấy những người đó có thể đóng góp cho đất nước được nhiều hơn, xây dựng quyết sách lớn hơn cho đất nước và Thủ đô. Cái đó là tâm tư và quyền của các đại biểu".
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đặt ra một câu hỏi nữa: Danh sách 83 người đại diện cho nhân dân Thủ đô bỏ phiếu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 gồm những ai? Danh sách này đã được công bố trên trang web nào?
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: “Danh sách thành phần Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 gồm Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; Đại diện lãnh đạo Ban thường trực Mặt trận tổ quốc 30 quận, huyện thị xã trên địa bàn; 47 tổ chức thành viên”.
Ông Tuấn cho rằng, Hội nghị hiệp thương lần ba tại Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội đã làm theo đúng quy định.
Một câu hỏi khác được đặt ra là: Tại hội nghị có công khai bản kê khai tài sản không?
Ông Bùi Anh Tuấn không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà trả lời vòng vèo bằng cách đọc khoản d điểm 2 điều 66 hội nghị tiếp xúc cử tri: “Đại diện ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri giới thiệu, đọc tóm tắt tiểu sử của người ứng cử”.
Liên quan tới sự kiện sau Hội nghị Hiệp thương vòng 3 tại thành phố Hà Nội có tới 95% người tự ứng cử trượt khỏi danh sách, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã nói rằng: “Tôi rất ấn tượng về con số 95% người tự ứng cử ở Hà Nội bị loại, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn.
Theo báo chí, giải thích lý do một số người ứng cử bị loại khi biểu quyết, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.
Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội như ông Trần Đăng Tuấn, để “chọn đũa làm cột cờ” như vậy thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn”.