Ông Vũ Mão hỏi: Vì sao có những người dân chưa thực sự quan tâm tới bầu cử?

26/04/2016 06:10
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Ông Vũ Mão đặt vấn đề: "Phải nghiên cứu và tiến tới tranh cử trực tiếp để người dân đưa ra quyết định lựa chọn Đại biểu Quốc hội".

Gần 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trước sự kiện quan trọng này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ sâu sắc của ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương, đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI.

Ông có đánh giá gì về những nét mới và những hạn chế có thể xảy ra tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV?

Ông Vũ Mão: Năm nay có một nét mới là sau Đại hội Đảng không lâu thì chúng ta tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Cách làm này sẽ giúp cho công tác chỉ đạo tập trung hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí, đồng thời cũng tạo sự thuận lợi cho công tác chuyển giao quyền lực ở các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Tôi tin rằng, sau cuộc bầu cử này các đồng chí có trách nhiệm sẽ tổ chức rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm tại Quốc hội và cũng đã từng đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký Hội đồng bầu cử, tôi thấy rằng khi bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cùng lúc sẽ khó cho cử tri có sự lựa chọn tập trung.

Về cách thức tổ chức bầu cử lần này chưa có cải tiến mấy, người dân vẫn còn ít được tiếp xúc với các ứng cử viên, chưa hiểu nhiều về họ thì làm sao bỏ phiếu chính xác được?

Ông Vũ Mão chỉ rõ, cử tri ít có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các ứng viên thì khó bỏ phiếu lựa chọn chính xác. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão chỉ rõ, cử tri ít có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các ứng viên thì khó bỏ phiếu lựa chọn chính xác. ảnh: Ngọc Quang.

Theo tôi, trong công tác triển khai bầu cử cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Một là, việc tiếp xúc của các ứng viên với cử tri ở đơn vị công tác và nơi cư trú không nên mang tính hình thức.

Số lượng cử tri được tiếp xúc không quá ít như vừa qua. Các ứng cử viên cần trình bày đầy đủ về bản thân, đặc biệt là về bản kê khai tài sản, về kế hoạch hành động nếu được trúng cử.

Cần tạo điều kiện để các cử tri phát biểu, đặt ra các câu hỏi để cùng thảo luận với các ứng cử viên. Qua đó, người dân sẽ đánh giá được trình độ, năng lực của từng ứng viên.

Vấn đề thứ hai cần phải tính toán để bố trí số ứng cử viên ở Trung ương giới thiệu về bầu địa phương sao cho cho hợp lý, tránh tình trạng một đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu mà có tới 2 ứng cử viên của Trung ương đưa về.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII đã xảy ra chuyện không ít ứng cử viên Trung ương giới thiệu ứng cử tại địa phương nhưng không trúng cử. Lần này, chắc sẽ có khó khăn nhiều hơn vì nhiều lẽ…

Không nên có cách nghĩ đơn giản là người do Trung ương giới thiệu về là sẽ trúng cử. Vì thế giữa Trung ương và địa phương cần phối hợp để có cách làm công phu hơn, quan trọng là để cử tri ở các địa phương nhận thức đầy đủ những vấn đề của lợi ích quốc gia. 

Thưa ông, trên thực tế đã xuất hiện hiện tượng người dân không thực sự quan tâm tới công tác bầu cử. Từ kinh nghiệm của mình, ông có đánh giá gì về hiện tượng này?

Ông Vũ Mão: Tôi thấy đó là một thực tế cần phải được quan tâm. Vì sao có những người dân chưa thực sự quan tâm tới bầu cử? Nguyên nhân thì có nhiều và sâu xa lắm.

Một là, trong hệ thống cơ quan công quyền, không ít công chức, cán bộ đảng viên mắc sai phạm, tham nhũng thì lan tràn. Nhiều sai phạm của cán bộ không xử lý dứt điểm mà còn có tình trạng nể nang, nên dẫn tới niềm tin của nhân dân bị suy giảm.

Ông Vũ Mão hỏi: Vì sao có những người dân chưa thực sự quan tâm tới bầu cử? ảnh 2

Ai bỏ phiếu đánh trượt ông Trần Đăng Tuấn?

Hai là, việc tạo điều kiện để cử tri ở đon vị bầu cử tiếp xúc với các ứng cử viên còn bị hạn chế về số lượng người được tiếp xúc và thời gian mỗi lần tiếp xúc.

Do không có đủ thời gian gặp gỡ, tiếp xúc nên việc trao đổi, đối thoại chưa thật sâu sắc, những câu hỏi của cử tri đặt ra với các ứng viên chưa được trả lời thoả đáng. 

Ba là, với phương thức hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp như hiện nay, người dân chưa thực sự cảm thấy đại biểu do mình bầu ra mang lại lợi ích thiết thân cho họ. Chính vì thế, trong nhận thức của nhiều người chưa thấy  việc đi bầu là rất thiết thân đối với mình.

Bốn là, việc cùng một lúc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là việc làm vất vả, chỉ trong đôi ba phút mà phải cân nhắc nhiều nhân sự quan trọng là rất khó. Ở các nước không mấy ai làm như ta.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của Quốc hội và từng Đại biểu Quốc hội cũng là vấn đề mà cử tri rất quan tâm. Quốc hội đã có nhiều đổi mới, nhưng so với yêu cầu bức thiết trong đời sống của nhân dân thì còn có những hạn chế.

Nhiều vấn đề trọng đại của quốc gia được đặt ra như Quốc hội đã thể hiện đúng vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện của nhân dân chưa? Vai trò của Đại biểu Quốc hội đối với cử tri thế nào?

Nhìn lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1 năm 1946, dù diễn ra ngay sau khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không khí vô cùng sôi nổi, dù còn khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng có hơn 90% người dân đi bỏ phiếu.

Chúng ta cần phải học tập tinh thần và cách làm của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy.

Ông Vũ Mão nhận định cần rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 để cử tri có đầy đủ thông tin lựa chọn Đại biểu Quốc hội khóa 14. ảnh: Tuấn Minh.
Ông Vũ Mão nhận định cần rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 để cử tri có đầy đủ thông tin lựa chọn Đại biểu Quốc hội khóa 14. ảnh: Tuấn Minh.

Vậy theo ông cách làm nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa cơ cấu thành phần với chất lượng Đại biểu Quốc hội?

Ông Vũ Mão: Tôi nêu thí dụ cụ thể để độc giả dễ hình dung hơn. Thí dụ, ở những  địa phương được 6 đại biểu thì trong số ấy đã có 2 người được Trung ương giới thiệu về, còn 4 đại biểu địa phương, phải đảm bảo một cơ cấu hợp lý theo hướng dẫn của trên.

Trong số 4 đại biểu này phải có một vị là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, một vị là đại biểu Quốc hội chuyên trách, một vị trong khối mặt trận toàn thể, các tổ chức xã hội, một vị trong khối nội chính và tư pháp là quân đội, công an, tòa án, kiểm sát…

Ông Vũ Mão hỏi: Vì sao có những người dân chưa thực sự quan tâm tới bầu cử? ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại

Ở các địa phương này còn yêu cầu về cơ cấu là trí thức, khoa học kỹ thuât, giáo dục, y tế ,  yêu cầu có dân tộc, có nữ, có trẻ tuổi… thì cũng rất khó.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng phải thay đổi quan niệm về cơ cấu. Nghĩa là, trước hết phải nhìn tổng thể, cần có cơ cấu hợp lý với 500 đại biểu của Quốc hội.

Còn với các địa phương chỉ  có số lượng đại biểu eo hẹp thì không nên ép cơ cấu cứng nhắc, thay vào đó phải đặt vấn đề chất lượng đại biểu lên đầu tiên.

Lựa chọn các đại biểu mới tham gia lần đầu thì người dân khó đánh giá và cần có những cuộc trao đổi, thảo luận trực tiếp. Còn với những người ứng cử mà đang là đại biểu quốc hội khóa trước thì dễ đánh giá hơn.

Cử tri không chỉ căn cứ vào những phát biểu tại nghị trường của đại biểu mà quan trọng hơn cả là người dân  đánh giá, sau một nhiệm kỳ tham gia Quốc hội thì vị đại biểu ấy có thực sự đóng góp được gì cho các vấn đề chung của đất nước, có đóng góp thiết thực cho đời sống của nhân dân hay không.

Còn việc đại biểu phát biểu trước Quốc hội là quan trọng nhưng không nên coi đó là tất cả trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu .

Một lần sang thăm Pháp vào năm 1989, tôi cùng bà Nguyễn Thị Bình khi đó là Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội được một Nghị sĩ Cộng sản mời về thăm một thành phố vệ tinh của Thủ đô Paris, nơi mà ông làm Thị trưởng.

Lần ấy, ông mời chúng tôi ra thăm chợ. Chúng tôi thấy ông trò chuyện hết sức cởi mở, thân thiết với người dân. Đó là những chuyện hết sức đời thường như: Chị em tiểu thương có bán được hàng không, thuế má ra sao?

Tôi hỏi: Ông là đại biểu chuyên trách hay đại biểu kiêm nhiệm? Ông ấy trả lời: Chúng tôi không có khái niệm đó, chỉ biết rằng là Nghị sỹ thì phải làm tròn tất cả các nghĩa vụ của một Nghị sĩ, đồng thời phải làm tròn nhiệm vụ của một Thị trưởng của thành phố.

Ở Việt Nam thì đại biểu chuyên trách và kiêm nghiệm cũng là phù hợp với thực tế của chúng ta, nhưng tôi thấy cần làm rõ hơn về khái niệm này.

Theo luật pháp hiện hành, các đại biểu kiêm nhiệm phải dành 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Cụ thể là một năm Quốc hội họp 2 kì, mỗi kì trung bình khoảng 1,5 tháng (kể cả ngày nghỉ) như vậy là 3 tháng, rồi còn thời gian nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri là 1 tháng. Vậy phải dành ra 4 tháng trong 1 năm để làm nhiệm vụ đại biểu.

Trên thực tế thì không ít đại biểu họp Quốc hội còn vắng mặt nhiều buổi, thời gian thực tế để họ nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến, tiếp xúc cử tri cũng không được đến 1 tháng.

Trong tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội vừa qua có rút ra rằng, một trong những nguyên nhân Quốc hội hoạt động có chất lượng hơn vì số lượng chuyên trách được tăng cường nhiều hơn. Từ nhận định đó đã đưa ra chủ trương tăng thêm đại biểu chuyên trách làm việc ở các cơ quan của Quốc hội.

Tăng thêm đại biểu chuyên trách là cần thiết, nhưng nên bố trí ở địa phương và tạo một cơ chế để họ tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Nếu làm được như thế sẽ có mấy cái lợi:

Vấn đề thứ nhất là các đại biểu ấy nắm được thấu đáo tình hình ở địa phương để đóng góp cho Quốc hội, đồng thời tránh được tình trạng xa rời cơ sở, biến họ thành người sống trong  một cái ốc đảo.

Vấn đề thứ hai là bớt cho một số địa phương tình trạng phải mang một gánh nặng là phải tiếp nhận nhiều ứng cử viên của Trung ương đưa về ứng cử ở địa phương.

Tôi xin trở lại với vấn đề rất đáng quan tâm như đã phân tích ở trên là lần đầu tiên mà một đơn vị bầu cử lại có tới hai đại biểu Trung ương về ứng cử. Ở các cuộc bầu cử vừa qua, số ứng cử viên Trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương mà không trúng đại biểu Quốc hội có xu hướng tăng lên.

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ và rất cần những người có trách nhiệm quan tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)