LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Đinh Thúy Hằng, vừa là một giáo viên vừa là một phụ huynh nên khi thấy bất cập trong việc nhận xét học bạ của một thành viên trong chính gia đình, cô Hằng muốn có góp ý nhỏ gửi tới các thầy cô trên cả nước đặc biệt khi năm học 2015-2016 chuẩn bị kết thúc.
Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Cuối năm học, ngoài công việc tổng kết, xếp loại thi đua, đánh giá nhận xét, họp phụ huynh thông báo kết quả học tập, rèn luyện... thì giáo viên chủ nhiệm còn có một việc làm rất quan trọng và thiêng liêng đó là ghi nhận xét vào học bạ cho học sinh.
Nó thiêng liêng vì tất cả những gì mà học sinh thể hiện trong cả năm học, cấp học thì học bạ là minh chứng lưu lại những đánh giá chính xác, khoa học, cơ bản nhất của cơ sở giáo dục về một con người.
Nó quan trọng vì trong nhiều trường hợp học bạ là cơ sở để để một nơi nhận hay không nhận học sinh này.
Giáo viên góp ý về việc nhận xét học bạ của học sinh hiện nay (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Nay tôi kể một câu chuyện của anh chị tôi khi xin chuyển trường cho con để thấy rằng học bạ quan trọng tới nhường nào.
Anh trai ruột tôi có con học lớp 11 tại một trường THPT thuộc tỉnh Thái Nguyên, do công việc nên anh chị tôi muốn xin chuyển trường cho cháu về gần nơi làm việc của mình.
Cứ tưởng việc đó sẽ dễ dàng nhưng khi tới trường về thì chị dâu tôi mới tá hỏa vào nói với tôi:
- Chị đi xin chuyển trường cho nó nhất định Hiệu trường không nhận và vị này nói: “Trường chúng tôi không nhận học sinh trái tuyến”. Rồi chị giải thích thêm: “Rõ ràng năm ngoái chị xin chuyển cho bé gái thì trường nhận ngay”.
Tìm hiểu mãi thì chị mới biết, lý do Hiệu trưởng không nhận bởi lời phê trong học bạ.
Thầy áp lực với công việc – Trò bội thực với lời khen(GDVN) - Lời khen sẽ như một động lực giúp các em cố gắng hơn. Nhưng kiểu gì khen cũng được, vô tình chúng ta đang “ru ngủ” và phát huy tính tự mãn của các em. |
Khi đó, tôi cầm cuốn học bạ của cháu lên và nhìn thì thấy: Học lực: Tb (trung bình); Hạnh kiểm: K (khá) kèm theo lời nhận xét: Còn vi phạm nội quy lớp học, hay có những hành động bất thường.
Khi tôi còn đang suy nghĩ về lời nhận xét ấy thì chị tôi đã giải thích rằng: Thầy cô ở trường mới cho rằng “hay có những hành động bất thường” thì không bị thần kinh cũng thuộc dạng cá biệt, cứng đầu mà trái tuyến nữa, nhận làm gì cho phá bĩnh lớp.
Chị dâu tôi nói thêm: “Rõ ràng khi đi họp phụ huynh, tuyệt nhiên không thấy giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở điều gì đến những hành động bất thường. Bây giờ chị phải làm thế nào?”.
Lúc này, tôi không biết nên khuyên chị tôi làm thế nào bởi có thể do vô tâm, có thể do nhận thức mà một số thầy cô hạ bút phê vào học bạ học trò gây nên cảnh dở khóc, dở cười như thế.
Đôi khi, họ lại nhận xét chung chung theo kiểu: “Lực học khá, lao động tốt, sức khoẻ tốt” hoặc cụ thể tới mức: “Đôi khi còn không học bài, còn vi phạm nội quy”…
Vẫn biết rằng, với đa số học sinh, lời nhận xét của giáo viên trong học bạ không mấy quan trọng nhưng từ câu chuyện của đứa cháu thì tôi cho rằng: Lời nhận xét trong học bạ của học sinh thì giáo viên cần nói rõ để học sinh, phụ huynh thấy được ưu, nhược điểm của các em để họ dạy dỗ con cái phát huy tích cực, sửa đổi những hạn chế.
Thầy cô "đánh vật" với cuốn học bạ mẫu mới(GDVN) - Chỉ là họ tên, các thông tin cá nhân của từng em mà phải ghi hết quyển sổ này đến quyển sổ khác và ngay chính trong một cuốn sổ cứ lập đi lập lại thật máy móc. |
Giáo viên đừng nên đưa ra những lỗi cụ thể của học sinh đặc biệt là những lỗi không thành ra hệ thống để phê bình gây nên cảm giác khắt khe, nhỏ mọn, cũng không nên nhận xét quá chung chung thể hiện sự thờ ơ, không quan tâm tới học sinh.
Mà hãy làm sao để những lời nhận xét của giáo viên giống như lời lưu bút với học trò. Ví dụ, đối với những học sinh có kết quả học tập chưa cao vì lười học thì giáo viên có thể nhận xét: “Khả năng nhận thức khá, nhưng còn chưa chăm chỉ”.
Hoặc với những học sinh học chưa tốt nhưng do hoàn cảnh gia đình thì giáo viên có thể nhận xét: “Sống khép mình, ngại giao tiếp trao đổi (có thể do hoàn cảnh gia đình)- cần sự quan tâm đặc biệt”.
Còn đối với những học sinh khá, sôi nổi trong các hoạt động tập thể thì giáo viên nên động viên theo kiểu nhận xét: “Khả năng nhận thức nhanh, có năng lực tập hợp, lãnh đạo nhóm; sống sôi nổi, hoà đồng…”.
Và chắc chắn, để lời nhận xét được chính xác và ý nghĩa đối với từng học sinh, với những tính cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, học lực khác nhau thì đòi hỏi giáo viên phải am hiểu học sinh, vừa là người thầy vừa là người chị, người anh của học trò.
Lại một năm học sắp qua, việc ghi nhận xét trong học bạ cho học sinh là công việc thường niên cũng là một việc làm đáng cẩn trọng của giáo viên chủ nhiệm, xin góp một ý kiến nhỏ thêm vào hành trang của người làm thầy để không một học sinh nào gặp chuyện đáng tiếc như trường hợp của cháu tôi.