LTS: Chỉ một tháng nữa, niên học 2014-2015 cũng sẽ kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc TT30 được áp dụng đại trà tròn một năm học.
Và đây, một bài viết của một cô giáo tiểu học (Cô ở Nam Trung Bộ, nhưng xin được giấu tên và dùng bút danh Đỗ Quyên) về chuyện sổ sách. Mà theo cô, là thêm một lý do để các nhà quản lý "xem xét lại TT30".
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý vị độc giả bài viết này.
Nhìn cuốn học bạ mẫu mới và sổ theo dõi chất lượng giáo dục, thầy cô nào cũng “choáng” với những thông tin lập lại quá nhiều.
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục ghi danh sách toàn bộ học sinh trong lớp với đầy đủ các thông tin như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, khuyết tật, địa chỉ liên lạc…
Mỗi học sinh được dành 2 trang để ghi lại họ và tên từng em, các ngày nghỉ có phép, không phép. Mỗi ô nhận xét một học sinh gồm các mục: a. Môn học- hoạt động giáo dục (kiến thức kĩ năng), b. Năng lực, c. Phẩm chất.
"Em là nỗi nhục của Bộ Giáo dục" song chớ xem nhẹ lời nhận xét của thầy cô
(GDVN) - Nhà giáo phải dành cả trí tuệ, tình cảm của mình vào từng lời phê thì lời phê ấy mới có tác dụng giáo dục, động viên học sinh
Có 10 tháng theo dõi học sinh, các thông số được lập lại từ tháng 1 đến tháng 10, mỗi học sinh một tháng có 6 dòng để giáo viên ghi lời nhận xét theo các mục.
Những trang còn lại hướng dẫn và tổng kết các nội dung đã viết ở các tháng. Điều đáng nói là cuốn sổ theo dõi này giáo viên ghi cho mình đọc và hiệu trưởng kiểm tra vì cuốn sổ này không đưa về cho phụ huynh và học sinh xem.
Để ghi vào sổ theo dõi, hàng ngày giáo viên phải ghi vào nhật ký trên lớp và ghi nhận xét vào vở bài làm của các em…
Còn học bạ, ngoài việc ghi đầy đủ các thông tin như sổ theo dõi, mỗi em cũng có 2 trang cho hai học kỳ ghi lại tên họ, kèm thông tin cân nặng, chiều cao, sức khỏe, ngày nghỉ…
Giáo viên phải nhận xét đầy đủ về kiến thức kĩ năng các môn học. Nhận xét về Năng lực gồm các tiêu chí: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề. Về Phẩm chất gồm các tiêu chí: Chăm học chăm làm; Tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; - Tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kĩ luật, đoàn kết.
Ngoài ra mỗi giáo viên chủ nhiệm còn có một cuốn sổ chủ nhiệm cũng ghi lại họ tên của tất cả học sinh trong lớp, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, tên cha mẹ.
Nhìn cuốn học bạ mẫu mới và sổ theo dõi chất lượng giáo dục, thầy cô nào cũng “choáng” với những thông tin lập lại quá nhiều. (Ảnh minh họa) |
Mỗi em có một trang theo dõi ghi lại họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, tên cha mẹ, nghề nghiệp, học sinh lớp, anh chị em, sở thích…
Chỉ là họ tên, các thông tin cá nhân của từng em mà phải ghi hết quyển sổ này đến quyển sổ khác và ngay chính trong một cuốn sổ cứ lập đi lập lại một cách thật máy móc.
Nhưng có lẽ giáo viên chủ nhiệm vẫn còn “sướng” hơn một số đồng nghiệp dạy môn âm nhạc, mỹ thuật, mỗi tiết 1 tuần/lớp, vì thế để dạy đủ 23 tiết tiêu chuẩn, thầy cô phải dạy đủ 23 lớp.
Chỉ tính một lớp 35 học sinh thì con số phải ghi thật là khủng khiếp. Chưa nói đến việc hàng ngày trên lớp, ngoài việc nhận xét học sinh vào vở, ghi lời nhận xét trong Nhật kí hàng ngày, để một tháng mới có cơ sở ghi nhận xét trong sổ theo dõi. Ai cũng thắc mắc hỏi nhau: Ghi nhận xét vào lúc nào?
Giáo viên đối phó ra sao?
Hiện trên mạng đang có rất nhiều diễn đàn chia sẻ cách ghi học bạ và sổ theo dõi cho nhanh và gọn nhẹ. Giáo viên tải về, in và phô tô phát cho người một bộ để áp dụng.
Nếu học sinh của mình là đối tượng nổi trội sẽ có những lời nhận xét dành cho đối tượng đó về cả ba mặt kiến thức, năng lực và phẩm chất.
Học sinh còn chậm…sẽ có những lời nhận xét tương ứng…Nhiều thầy cô nói với nhau: “Giáo viên vừa đỡ “hại não” suy nghĩ lời phê vừa có cái để hiệu trưởng kiểm tra, chứ học sinh cũng chẳng thiệt hại gì…
Hiện trên mạng đang có rất nhiều diễn đàn chia sẻ cách ghi học bạ và sổ theo dõi cho nhanh và gọn nhẹ. (Ảnh minh họa) |
Điều mong mỏi
Giảm bớt gánh nặng hồ sơ sổ sách không cần thiết như việc theo dõi học sinh trên trang điện tử từ lớp 1. Mọi thông tin chỉ phải viết một lần, các em lên lớp bàn giao học bạ cho thầy cô chủ nhiệm tiếp theo…
Sổ theo dõi học sinh chỉ có giáo viên viết cho mình đọc và hiệu trưởng kiểm tra. Với đặc thù dạy tiểu học, giáo viên chủ nhiệm một tuần có ít nhất 23 tiết dạy ở lớp, với trường học 2 buổi/ ngày giáo viên dạy tới 30 tiết/ tuần.
Vì thế, thầy cô nắm rất rõ lực học, sở thích, tính tình của từng em. Nên đâu nhất thiết phải lời ghi nhận xét từng tháng như hiện nay. Phần theo giỏi học sinh nổi trội và một số em cần cố gắng đã có ở sổ chủ nhiệm rồi…
Bộn bề những công việc khác
Từ trước tới nay, giáo viên đang bị gánh nặng sổ sách đè nặng, làm việc suốt ngày, tối về còn lo biết bao loại sổ sách.
Nào là thiết kế bài dạy, sổ báo giảng, sổ kế hoạch, sổ chuyên đề, sổ biên bản, sổ chủ nhiệm, sổ đồ dùng dạy học, sổ theo dõi chất lượng học sinh…
Gánh nặng cũ chưa được giảm tải, thì giờ đây, gánh nặng mới lại chất chồng. Đó mới chỉ là gánh nặng về sổ sách, còn những công việc khác thì sao?
Một tháng sinh hoạt tổ chuyên môn 1 lần, dự giờ và góp ý đồng nghiệp, họp Hội đồng 1 lần, họp chuyên môn cấp 1 lần.
Chưa kể thường xuyên họp đột xuất vào giờ ra chơi, ra về…thi làm đồ dùng dạy học, ý tưởng trẻ thơ, học bồi dưỡng thường xuyên và viết thu hoạch, viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi các cấp, thi chủ nhiệm giỏi…
Gánh nặng cũ chưa được giảm tải, thì giờ đây, gánh nặng mới lại chất chồng. (Ảnh minh họa) |
Gánh nặng từ hồ sơ sổ sách, từ các cuộc thi đang dành hết thời gian cho việc nghiên cứu bài, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động của giáo viên.
Khi thầy cô chỉ mãi miết lo ghi chép sổ sách, chắc chắn sẽ sao nhãng việc đầu tư cho từng tiết dạy và việc kèm cặp dạy dỗ học sinh.
Với học sinh tiểu học thì sự ân cần, tận tụy hàng ngày của mỗi thầy cô trên lớp mới giúp các em học tốt hơn chứ không phải việc ghi chép thật nhiều vào hồ sơ sổ sách như hiện nay.