Giao địa phương xét tốt nghiệp, Bộ giáo dục chỉ kiểm tra, giám sát

08/06/2016 07:47
Xuân Trung
(GDVN) - Hai kỳ thi với tính chất khác nhau thì không thể nhập làm một, đó là quan điểm của nhiều nhà giáo về kỳ thi THPT quốc gia.

Trong ngày 7/6, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, trước những ý kiến từ lãnh đạo thành phố và Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đề xuất giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở.

Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến về vấn đề này trên tinh thần không làm thay các địa phương.

Thông điệp đúng đắn từ Bộ trưởng

PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chủ trương giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương là chủ trương đúng đắn. 

PGS. Nhĩ cũng nhắc lại, vấn đề này Hiệp hội đã có ý kiến từ rất lâu trước những bất cập của kỳ thi.

PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng khẳng định, hai kỳ thi với hai tính chất khác nhau; kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá trình độ học sinh phổ thông, còn kỳ tuyển sinh vào trường đại học, cao đẳng là tuyển vào nguồn nhân lực. 

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là tất cả những kiến thức chung nhất mà mỗi người học sinh đều phải biết, sau khi tuyển vào thì tùy vào yêu cầu các ngành nghề để tuyển vào đại học. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trước đây đã nhầm lẫn hai việc này dẫn đến kỳ thi hai trong một, gây nên sự phức tạp, lộn xộn. Còn với thông điệp mà lãnh đạo ngành giáo dục hiện nay cho rằng địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở, điều này là đúng đắn. 

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chủ trương giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương là chủ trương đúng đắn. Ảnh Xuân Trung

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chủ trương giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương là chủ trương đúng đắn. Ảnh Xuân Trung

Việc thi hay xét tốt nghiệp là do sở giáo dục và chính quyền địa phương quản lí. Bộ chỉ làm chức năng quản lí nhà nước. Rõ ràng Bộ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Chứ trong thời gian vừa qua tôi thấy bộ vất vả nhiều vì đã làm thay công việc của địa phương” ông Nhĩ cho hay.
Cũng theo ý tưởng của nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong thời điểm này để đảm bảo mặt bằng thì Bộ có thể ra đề thi chung. 

Đề thi hiện nay đang tạo ra sự học lệch của học sinh, Bộ cần giao cho các địa phương và trên tinh thần học gì thi nấy. Số bài thi có thể 4-5 hoặc làm như bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là làm sao đánh giá học sinh một cách toàn diện, còn việc lựa chọn bài thi thì tùy theo từng yêu cầu đề ra cụ thể. Tôi nghe được thông tin này rất hoan nghênh Bộ trưởng” PGS. Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Cũng theo ông, học sinh học hết lớp 12 cần phải có một kỳ thi cuối cùng để đánh giá trên cơ sở đánh giá tổng hợp, các nước trên thế giới đều làm như vậy. 

Đề xuất một kỳ thi cải tiến

Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố Đề án cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tuy hai kỳ thi có mục tiêu khác nhau: kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xác nhận đạt trình độ tốt nghiệp phổ thông; 

Còn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng để tuyển chọn thí sinh vào học các trường đại học, cao đẳng; nhưng các kỳ thi có cùng bản chất: đó là các kỳ thi đánh giá thành quả học tập, vì đề thi được thiết kế theo chương trình trung học phổ thông. 

Đề thi thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đó thường nhằm vào 8 môn học được xem là quan trọng (trong số 13 môn) của chương trình trung học phổ thông: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ.  

Giao địa phương xét tốt nghiệp, Bộ giáo dục chỉ kiểm tra, giám sát ảnh 2

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ rà soát lại việc áp dụng bỏ chấm điểm tiểu học

(GDVN) - Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát lại thông tư 30, vì ‘chủ trương thì đúng…nhưng vận dụng không khéo thì sẽ tai hại’.

Thi tuyển sinh đại học thường quy định các môn thi theo các khối, tùy theo thí sinh muốn vào đại học theo hướng nào: Khối A (Toán, Lý, Hóa); khối B (Lý, Hóa, Sinh); Khối C (Ngữ văn, Sử, Địa); Khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) … và một số khối phụ khác.

Từ năm 2015 nhập hai kỳ thi làm một gọi chung là Kỳ thi THPT quốc gia, dùng kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bước đầu kỳ thi này đã tạo ra một hiệu ứng xã hội ở nhiều mặt khác nhau.

Trên tinh thần góp ý, xây dựng, Hiệp hội cũng đã đề xuất một Kỳ thi tốt nghiệp THPT cải tiến (có thể gọi là kỳ thi cuối bậc THPT), tính chất của nó không hoàn toàn giống kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng không hoàn toàn giống kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây.   

Kỳ thi này sẽ cung cấp một tiêu chí quan trọng để xác nhận trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cho mọi người học trong và ngoài hệ thống giáo dục phổ thông.

Cung cấp kết quả để thí sinh dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì nhằm mục tiêu kép, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cải tiến có một số khác biệt với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây ở chỗ:

Đối tượng không nhất thiết là học sinh đã học hết bậc phổ thông, chỉ cần ở cuối bậc phổ thông, có thể bao gồm những thí sinh tự do không học trung học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp.

Từ đó không khống chế thời gian thi chỉ ở cuối niên khóa trung học phổ thông, và có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm.

Thí sinh được kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau để nâng điểm, đó là cách để tự nâng cao năng lực và được xác nhận lại, như vậy kết quả không bị cố định như ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cải tiến cũng khác kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây ở chỗ: Bao gồm cả mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông; Không nhằm một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học; Được tổ chức nhiều lần trong năm. 

Đầu tháng 3/2016 Hiệp hội cũng đã có Công văn gửi Bộ trưởng khi đó là ông Phạm Vũ Luận bản góp ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Hiệp hội cho rằng, đánh giá tốt nghiệp THPT của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn như Kỳ thi Quốc gia, trong đó 3 môn bắt buộc sẽ tạo cho học sinh thiên hướng học lệch ngay từ lớp 10. 

Việc phân biệt sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, trong khi hai cụm này đều chấm như nhau là không hợp lí. 

Quan điểm của Hiệp hội, Bộ GD&ĐT nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho các tỉnh theo đúng chức năng, mặt khác tăng cường khâu giám sát xã hội để gìn giữ kỷ cương và đảm bảo công bằng.

“Để đảm bảo chất lượng đầu vào, bộ nên tập trung tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đồng thời giao quyền và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường tổ chức tuyển sinh với các phương thức sáng tạo hướng tới sự chuẩn mực như Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện” Hiệp hội cho biết.

Trong chuyến công tác và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết với đề xuất giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở. Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến về vấn đề này và hướng đến tinh thần chỉ giám sát chứ không làm thay.

Theo Bộ trưởng, rất muốn việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục gắn với mô hình cụ thể, sau một thời gian sẽ có kết quả. Việc đổi mới phải gắn với địa phương chứ không phải đổi mới từ phía Bộ GD&ĐT.

Xuân Trung