Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm, làm việc với trường trung học phổ thông Lê Qúy Đôn quận 3 và trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Cùng đi có lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Tại trường Lê Qúy Đôn, một ngôi trường có truyền thống 143 năm hình thành và phát triển, Bộ trưởng đã đánh giá rất cao trong việc trường đã có 10 năm xây dựng theo mô hình tiên tiến, theo xu thế hội nhập của quốc tế và khu vực.
Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn của thành phố, nhiều năm qua, trường Lê Qúy Đôn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đầu tư trường lớp, đổi mới giảng dạy, đảm bảo việc học tập luôn đạt chất lượng cao của mọi học sinh.
Bà Đỗ Thị Bích Duyên – Hiệu trưởng trường Lê Qúy Đôn cho biết, sau 10 năm thực hiện mô hình trường tiên tiến theo mô hình hội nhập quốc tế, ngoài việc phát triển dựa trên các tiêu chí chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường không thu thêm bất kỳ khoản học phí nào, không dạy thêm học thêm.
Trường luôn lấy học sinh là trung tâm, tăng cường tổ chức dạy các kỹ năng sống, tăng cường dạy thêm ngoại ngữ cho học sinh từ 3 – 5 tiết/tuần, tăng cường đưa học sinh đi ra ngoài để thực tế, như điều khiển giao thông, học bán hàng trong siêu thị, hay dọn dẹp vệ sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (thứ 3, trái qua) thăm và làm việc với trường Lê Qúy Đôn (ảnh: PLO) |
Những học sinh ban A của nhà trường, sau khi học xong lớp 12 thì có đạt chứng chỉ IELTS từ 4,5 đến 5,5, học sinh ban D có chứng chỉ IELTS từ 5,5 đến 6,5. Hiện đây cũng là ngôi trường nằm trong top 100 trường có học sinh đỗ đại học trong cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, xây dựng mô hình trường tiên tiến là tốt, nhưng cần chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhận rộng và thực hiện có hiệu quả mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường, nhằm làm giảm bạo lực trong học sinh.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo của cả nước, việc áp dụng mô hình trường tiên tiến sẽ tạo điều kiện cho học sinh được học tập, rèn luyện trong một mô hình năng động, giao lưu cao với quốc tế, nâng cao chất lượng về mọi mặt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, đánh giá mô hình này rõ ràng, tạo điều kiện cho nhiều trường khác tiếp cận với mô hình chuẩn quốc tế.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị trường Lê Qúy Đôn phải tăng cường chất lượng, nhưng cần bền vững.
“Cái gì chưa mạnh, còn yếu thì phải nhìn nhận đúng để đẩy mạnh, tăng cường bồi dưỡng chất lượng giáo viên. Bây giờ mới tiếp cận với chương trình tiên tiến, thầy cô còn có thể cố được, nhưng nếu chạm chân chuẩn quốc tế, thì thầy cô phải có sự đầu tư rất nhiều” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận.
Tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi biết trường chỉ có 130 giáo viên, nhưng có đến 1.800 học sinh thì sẽ khiến cho nhà trường quá tải.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, số lượng học sinh như vậy sẽ là một thách thức lớn đối với giáo viên. Hiện giáo viên của trường đã có cố gắng, nhưng về lâu về dài thì có làm được như hiện nay không?
Cuối cùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và quận 1 cần quan tâm, làm cho sĩ số của lớp học bớt đi, chế độ đãi ngộ của giáo viên phải phù hợp với chuyên môn, cường độ làm việc của giáo viên.
Bởi lẽ, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo viên tiểu học làm việc phải làm việc trong môi trường vất vả, áp lực sĩ số quá cao, mà thu nhập không tăng thì sẽ khiến cho hiệu quả làm việc không cao.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát lại thông tư 30, vì ‘chủ trương thì đúng…nhưng vận dụng không khéo thì sẽ tai hại’.