Điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học “không Bộ chủ quản”

17/06/2016 06:28
Phạm Hiệp
(GDVN) - Chuyển dịch từ mô hình giáo dục đại học “bộ chủ quản” sang “không bộ chủ quản” là một quá trình cần thiết nhưng phức tạp, nhiều lực cản và lâu dài.

LTS: Trong buổi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hé lộ một chủ trương “xoá mô hình bộ chủ quản” đối với các trường đại học trong thời gian tới [1]. 

Nếu điều này được thực hiện thì đây sẽ là một cải cách lớn chưa có tiền lệ về mặt quản trị đối với giáo dục đại học Việt Nam kể từ sau Đổi mới đến nay. Việc thực hiện này có cần thiết? Cần điều kiện gì để thực hiện được? 

Và khi được rồi thì mô hình quản lý đại học sẽ là như thế nào? Vai trò của Nhà nước ra sao? Bài viết của tác giả Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa – Đài Loan) cố gắng trả lời một số câu hỏi trên. 


Bỏ Bộ chủ quản có cần thiết? 

Rất cần thiết. Kinh nghiệm và thực tiễn đại học trên thế giới hàng chục năm qua cho thấy, chuyển dịch từ mô hình đại học bị quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước (mà thường là thông qua Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục đại học hay Bộ Khoa học công nghệ) sang mô hình đại học tự chủ, không trực thuộc Bộ là chìa khoá thành công quan trọng. 

Điều này đặc biệt đúng với các nước thuộc Khối xã hội chủ nghĩa trước đây và một số nước Châu Á, ví dụ như Nhật Bản. 

Tại Việt Nam, việc bỏ Bộ chủ quản cũng được giới nghiên cứu về giáo dục đại học đề xuất từ khoảng 10 năm trở lại đây; một số so sánh việc này như là một “Khoán 10” trong giáo dục đại học giúp giải phóng sức lao động và sáng tạo của đội ngũ hàn lâm [2]; 

Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh Xuân Trung
Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh Xuân Trung

Qua đó giúp trường đại học trở nên năng động và nhạy bén hơn trong việc đáp ứng với nhu cầu đa dạng (học tập, ứng dụng, triển khai kết quả nghiên cứu ...) từ phía xã hội và thị trường. 

Cần điều kiện gì để thực hiện việc bỏ Bộ chủ quản? 

Nhiều người lo ngại bỏ Bộ chủ quản sẽ kéo theo bỏ sự giám sát của Nhà nước, sẽ dẫn đến mở rộng quy mô đào tạo tràn lan, làm suy giảm chất lượng giáo dục đại học. 

Có người khác lại lo ngại, bỏ Bộ chủ quản chỉ là cái cớ để Nhà nước thoái thác trách nhiệm đầu tư cho giáo dục đại học. Đây đều là những lo ngại hợp lý, nhất là trong bối cảnh giáo dục đại học mở rộng quá mức trong những năm qua trong khi đầu tư cho giáo dục đại học nhìn chung còn quá thấp so với thế giới. 

Điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học “không Bộ chủ quản” ảnh 2

Hai đại học của Việt Nam vào tốp 150 đại học hàng đầu Châu Á

(GDVN) - Lần đầu tiên Việt Nam có hai đại học lọt vào top 150 các trường đại học hàng đầu Châu Á là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.


Để giải toả các lo ngại này, chủ trương “xoá bỏ mô hình Bộ chủ quản” của Nhà nước cần phải được văn bản hoá bằng một số chính sách cụ thể sau đây:

Thứ nhất, chính sách đảm bảo chất lượng: Báo cáo của Nhóm đối thoại giáo dục cách đây 1 năm [3] đã tổng kết 4 nhóm biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, bao gồm: kiểm định chất lượng, xếp hạng đại học, đối sánh và công khai chỉ số chất lượng đại học. 

Bốn nhóm biện pháp này, thực tế Bộ đã biết và đã ít nhiều tiến hành trong những năm qua nhưng dường như tất cả đều triển khai thiếu quyết liệt dẫn đến phạm vi áp dụng chưa lớn (ví dụ kiểm định chất lượng) hoặc kết quả thực hiện thiếu tin cậy (ví dụ chương trình 3 công khai nhằm minh bạch hoá chất lượng đại học). 

Có thể nói, tập trung vào các chương trình đảm bảo chất lượng là điều kiện cần giúp một hệ sinh thái đại học mới, hệ sinh thái đại học không có bộ chủ quản đi vào hoạt động trơn tru. 

Thứ hai, cam kết và đổi mới phương thức đầu tư cho giáo dục đại học: Nhằm dẹp lo ngại về việc bỏ bộ chủ quản chẳng qua chỉ là cái cớ để Bộ GD&ĐT nói riêng và Nhà nước nói chung thoái thác trách nhiệm tài chính đối với giáo dục đại học. 

Bộ cần có cam kết về ngân sách dành riêng cho giáo dục đại học hàng năm. Tuy vậy, mô hình đầu tư dàn trải (theo quotas tuyển sinh) hoặc xin – cho (theo các dự án) hiện nay chắc chắn cần phải đổi mới theo hướng khuyến khích hướng tới chất lượng và minh bạch hơn. 

Cách tốt nhất, Bộ nên sử dụng kết quả của các biện pháp đảm bảo chất lượng như đã liệt kê ở trên như là yếu tố đầu vào cho đầu vào quyết định việc đầu tư ngân sách cho các trường. 

Mô hình quản lý đại học sẽ như thế nào nếu không có Bộ chủ quản?

Mô hình hội đồng trường, hay còn có tên gọi là là Hội đồng quản trị (Board of Directors), Hội đồng tín thác (Board of Trustees) hay Hội đồng giám sát (Board of Oversees), bao gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học, có thực quyền, bao gồm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo đại học.

Có quyền ra các quyết sách đến giảng viên như tuyển dung, chế độ lương bổng hay học thuật (tuyển sinh, đào tạo) là điều kiện đủ đảm bảo cho một hệ sinh thái trường không bộ chủ quản hoạt động lành mạnh. 

Đây là kinh nghiệm thực tế đã diễn ra tại nhiều nước đi trước chúng ta như tại Đông Âu, Nhật Bản .... Trong thực tế, hội đồng trường không phải là khái niệm mới ở nước ta khi nó đã lần đầu được xuất hiện trong một văn bản pháp quy từ 2003 (Quyết định 153/2003/QĐ-TTg). 

Điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học “không Bộ chủ quản” ảnh 3

PGS.Nghiêm Đình Vỳ đề nghị cơ chế đặc biệt cho các trường sư phạm trọng điểm

(GDVN) - Sắp tới giáo dục phổ thông có nhiều thay đổi, nên ngay từ bây giờ, các trường sư phạm phải đổi mới và đi trước sự đổi mới ở trường phổ thông.

Tuy vậy, suốt trong 13 năm qua, hội đồng trường tại toàn bộ hệ thống giáo dục đại học hầu như chưa bao giờ hoạt động như một hội đồng quyền lực như đúng nghĩa của nó. 

Nguyên nhân là bởi vẫn còn quá nhiều chi phối và can thiệp của Bộ GD&ĐT cũng như các Bộ ngành liên quan trong mọi hoạt động của trường đại học. 

Trên cơ sở đó, một Hội đồng trường có toàn quyền quyết định nhưng cũng lại chịu toàn bộ trách nhiệm giải trình là điều kiện đủ giúp cho hệ sinh thái “đại học không bộ chủ quản” có thể vận hành. 

Vài lời kết 

Chuyển dịch từ mô hình giáo dục đại học “bộ chủ quản” sang “không bộ chủ quản” là một quá trình cần thiết nhưng phức tạp, nhiều lực cản và lâu dài. 

Ngay cả bản thân tại Nhật, nước được coi là đã thực thi tương đối thành công chính sách này, thì đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, dư âm và phản ứng về nó vẫn còn âm ỉ trong giới hàn lâm nước này. 

Ngay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong phát biểu ngày 7/6 vừa qua thừa nhận “đây là vấn đề cam go” và không dễ làm ngay. 

Tất nhiên, chúng ta cũng có quyền hy vọng khi Bộ trưởng Nhạ, vốn có nhiều năm làm lãnh đạo từ một đại học “không thuộc Bộ” như Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có nhiều trải nghiệm để triển khai. 

Hoặc những kinh nghiệm mới mẻ như của Đại học Fulbright Việt Nam, như lời giới thiệu của Tổng thống Obama, là một đại học tư độc lập đầu tiên cũng chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học nhiều giá trị. 

Tài liệu tham khảo 

[1] http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-bo-chu-quan-dai-hoc-se-ra-sao-20160608214201584.htm

[2] http://www.tienphong.vn/Khoa-Giao/cho-khoan-10-trong-giao-duc-dai-hoc-535356.tpo 

[3] http://hce.edu.vn/upload/file/VED%20June%209%20Final.pdf 

Phạm Hiệp