Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), trong các cuộc khảo sát thực hiện năm 2014 tại 10 nước châu Á, bao gồm cả láng giềng, đồng minh hay có quan hệ với Trung Quốc, thì có 8/10 nước lo lắng tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột quân sự với các nước láng giềng.
Trong đó tại một số quốc gia có công chúng bày tỏ mối lo ngại này chiếm tỷ lệ áp đảo như tại Philippines (93%), Nhật Bản (85%), Việt Nam (84%) và Hàn Quốc (83%). Tỷ lệ tại Indonesia là (52%) và Thái Lan (50%).
Trong khi đó tại Pakistan, nước có chung biên giới với Trung Quốc. có quan hệ kinh tế và chiến lược chặt chẽ với Bắc Kinh, cũng có tới (49%) người dân được thăm dò bày tỏ lo ngại, tham vọng của Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên, lại có tới (33%) người dân Pakistan được thăm dò chưa bày tỏ chính kiến về xung đột biên giới tiềm năng với Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ số người dân Pakistan tin tưởng Trung Quốc chỉ chiếm có (18%), con số quá ít ỏi cho một đồng minh chiến lược.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được Trung Quốc nuôi dưỡng làm áp lực chống lại nước khác trong quan hệ đối ngoại là con dao hai lưỡi. Ảnh: The Telegraph. |
Trong khi trước đó, kết quả các cuộc khảo sát của PEW tại 38 quốc gia trên toàn thế giới thực hiện năm 2013, cho thấy có tới 26/38 nước có người dân không ưa người Trung Quốc.
Tại một số quốc gia, số người dân không ưa Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất cao, như tại Nhật Bản (89%), Hàn Quốc (79%), Úc (79%), Tây Ban Nha (85%), Ý (83%), Pháp (83%), Anh (82%), Israel (79%), Jordan (71%), Thổ Nhĩ Kỳ (68%), Hoa Kỳ (60%), Kenya (77%), Nigeria (70%), Nam Phi (67%), Senegal (62%), Argentina (71%) và Chile (65%).
Như vậy là, dù các cuộc khảo sát được PEW thực hiện ở châu Á hay trên toàn thế giới thì số quốc gia có người dân không hài lòng với người Trung Quốc, lo lắng sự nguy hiểm từ chính sách của Bắc Kinh, luôn chiếm số đông trong số các nước được khảo sát, từ tỉ lệ 2/3 (28/36 quốc gia khảo sát) đến 4/5 (8/10 quốc gia khảo sát).
Điều này rất nguy hại cho Trung Quốc bởi nó khiến cho “giấc mộng Trung Hoa” gần như không thể hiện thực hoá. Theo cá nhân người viết, chỉ cần tử tế, Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc trỗi dậy hòa bình hàng đầu thế giới, mà không cần phải có những hành động “hại người, lợi mình” với bao hậu hoạ.
Bởi lẽ, sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc – yếu tố quyết định việc hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa”, đang bị thách thức nghiêm trọng khi chỉ có 0,5% người dân thế giới sử dụng đồng tiền của Trung Quốc (CNY).
Điều này khiến cho kinh tế Trung Quốc chỉ mạnh khi tự sản tự tiêu, còn khi hội nhập thì luôn dính đòn “hồi mã thương” qua hiệu ứng gậy ông đập lưng ông trong mọi trường hợp.
Khi người dân thế giới không thiện cảm, kinh tế Trung Quốc thiệt hại rất nhiều
Có thể thấy rằng, giấc mộng trở thành siêu cường số 1 thế giới đã được hun đúc từ lâu trong tư tưởng của những người đứng đầu đất nước này, dân tộc này.
Đặc biệt trong thời đại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thì giấc mộng ấy thể hiện rõ nét hơn, nhất là dưới thời của ba nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình hiện nay.
Mặc dù các chiến lược, sách lược nhằm hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” có thất bại, có thành công, nhưng đến giờ phút này có thể nhận định rằng, những chiến lược ấy, sách lược ấy đều mắc sai lầm căn bản.
Có lẽ “Đại nhảy vọt” của Chủ tịch Mao Trạch Đông bao trùm là sai lầm và thất bại toàn diện, mà kết quả là “thêm đói tăng nghèo” trong xã hội Trung Quốc.
Chương trình cải cách cùng với “Bốn hiện đại” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mang lại một bộ mặt mới cho đất nước Trung Quốc với nhiều thành công.
Nhưng phát triển nóng cùng với việc mất kiểm soát là một sai lầm lớn và nó được nhận diện là nguyên nhân sâu xa của chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” hiện nay.
Chương trình “Tái cơ cấu” của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể được xem là một chiến lược điều chỉnh phát triển kinh tế tuyệt vời, hợp thời và có thể giúp kinh tế Trung Quốc thực sự chuyển mình mạnh lên chứ không chỉ to hơn, gắn liền với phát triển bền vững.
Song mục đích thì tuyệt vời nhưng công cụ vận dụng thì lại bị ngay tác giả của chính sách đó tước bỏ, bởi chính sách điều tiết tiền tệ phi lý. Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng có thể khiến “tái cơ cấu” phá sản.
Như vậy, tất cả những chiến lược phát triển của Trung Quốc đều có thành công thể hiện sự chuẩn xác và thất bại thể hiện sự sai lầm trong chủ trương của Bắc Kinh.
Nông dân Trung Quốc quay cuồng với Đại nhảy vọt. Ảnh: aboluowang.com / Nhân Dân nhật báo. |
Tuy nhiên, xuyên suốt gần 70 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh luôn mắc một sai lầm cơ bản được xem là sai lầm của mọi sai lầm, đó là tư tưởng áp đặt hình thành trong các chính sách của họ.
“Hữu xạ tự nhiên hương” là một quy luật thẩm thấu mang tính tự nhiên cho những việc làm chuẩn xác, những hành động chuẩn mực của con người.
Những việc làm chuẩn xác, những hành động chuẩn mực sẽ tự nhiên gây nên hiệu ứng ảnh hưởng tới cộng đồng khi nó chứng minh được giá trị trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có thể do nôn nóng làm bá chủ nên Bắc Kinh không xem trọng cái quy luật tự nhiên ấy, mà họ chủ quan can thiệp, áp đặt – muốn một mình một ngựa trong thế giới hội nhập.
Song lợi bất cập hại và hậu quả của việc đồng CNY không thể quốc tế hoá được, mà hiểu nôm na là không nhiều người dân thế giới muốn sử dụng nó là một thất bại rất lớn.
Có thể thấy rằng, khi trên thế giới chỉ có 0,5% người dân sử dụng đồng CNY trong thanh toán, trong khi tỷ lệ sử dụng đồng USD là 44,8%, theo Bloomberg, là điểm cực xấu của nền kinh tế được xem là có quy mô lớn thứ hai thế giới này.
Cứ hình dung sự việc sẽ thấy bản chất của vấn đề, khi cả thế giới có tới hơn 7 tỷ người (không tính dân số Mỹ và Trung Quốc) mà chỉ có hơn 35 triệu người dùng đồng CNY, trong khi hơn 3,136 tỷ người dùng USD thì thấy ngay:
Số người dùng CNY chưa bằng số lẻ người dùng USD! Thử hỏi kinh tế Trung Quốc làm sao hạn chế được rủi ro khi thị trường tiền tệ có dấu hiện xấu với đồng CNY.
Chỉ cần một phép tính đơn giản là, nếu năm 2016 nhập khẩu của Trung Quốc ước đạt 86,5% của năm 2015, giảm 13.5% (tính theo con số của Cơ quan Thống kê Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016 *), nghĩa là tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2016 sẽ đạt:
N = 1.817,8 tỷ tỳ x 86.5% = 1.572,397 tỷ USD.
Vì chỉ có 0.5% người dân thế giới và doanh nghiệp tại các quốc gia sử dụng đồng CNY, như vậy số tiền mà các doanh nghiệp Trung Quốc dùng CNY trả cho khách hàng chỉ là:
P1 = 1.572,397 tỷ x 0,5% = 7,862 tỷ USD.
Còn lại, doanh nghiệp Trung Quốc phải trả bằng USD hoặc ngoại tệ mạnh khác là:
P2 = 1.572,397 tỷ - 7,862 tỷ = 1.564,535 tỷ USD.
Trong khi, nếu CNY mất giá 0,6388% thì Trung Quốc nhập khẩu 1 tỷ USD sẽ thiệt mất 6,347 triệu USD – người viết đã phân tích trong bài “Trung Quốc ngấm đòn gậy ông đập lưng ông” .
Vậy 5 tháng đầu năm 2016, khi CNY mất giá 2,3% thì 1 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc sẽ mất đi 22,854 triệu USD (tương đương 0.02285 tỷ USD).
Như thế số tiền Trung Quốc bị thiệt hại do nhập khẩu trong năm 2016 sẽ là:
C1 = 1.564,535 tỷ x 0.02285 tỷ = 35,749 tỷ USD.
Thiệt hại này bằng khoảng 2/3 GDP của Campuchia.
Trong khi đó, cũng vì chỉ có 0,5% người tiêu dùng thế giới sử dụng đồng CNY để thanh toán nên hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc:
(1) Nếu tính theo CNY thì khi CNY mất giá, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị thiệt; (2) Nếu tính theo USD thì mất đi khả năng cạnh tranh vì giá hàng hoá không còn rẻ nữa.
Với khó khăn hiện nay thì rõ ràng doanh nghiệp Trung Quốc phải chọn phương án (1) – chịu thiệt và khoản thiệt cũng tương đương nhập khẩu vì dùng USD.
Nếu xuất khẩu của Trung Quốc năm 2016 giảm 9,6% so với năm 2015 (tính theo *) thì kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm 2016 sẽ đạt:
X = 2.218,2 tỷ x 90,4% = 1.972,709 tỷ USD.
Số tiền 0,5% người tiêu dùng thế giới giao dịch qua CNY là:
Q1 = 1.972,709 x 0,5% = 9,863 tỷ USD.
Còn lại số tiền doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu giao dịch bằng USD hoặc ngoại tệ mạnh khác là:
Q2 = 1.972,709 tỷ - 9,863 tỷ = 1.962,846 tỷ USD.
Vậy số tiền Trung Quốc thiệt hại do xuất khẩu năm 2016 sẽ là:
C2 = 1.962,846 tỷ x 0,02285 tỷ = 44,851 tỷ USD.
Như vậy là, vì chỉ có 0,5% người tiêu dùng và các thực thể kinh tế trên thế giới dùng đồng CNY nên chỉ cần đồng CNY mất giá 2,3%, hoạt động thương mại của Trung Quốc năm 2016 có thể mất số tiền lên tới: C = C1 + C2 = 35,749 tỷ + 44,851 tỷ = 80.6 tỷ USD.
Thiệt hại này lớn hơn GDP của Lào và Myanmar cộng lại.
Nhận diện nguy cơ Trung Quốc khống chế ngành chăn nuôi heo của Việt Nam |
Khoản thiệt hại này cộng với những khoản thiệt hại vì GDP teo lại, nợ công phình to, nợ xấu gia tăng (người viết đã phân tích qua bài “Trung Quốc đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát nền kinh tế”) sẽ khiến cho kinh tế Trung Quốc luôn đối mặt với suy thoái vì đồng CNY không được quốc tế hoá rộng rãi trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhận biết sự nguy hại đó nên Bắc Kinh đã làm mọi cách để IMF ra quyết định đưa đồng CNY vào rổ tiền tệ phổ biến trong hệ thống thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, từ khi nghị quyết của Hội đồng Tổng giám đốc IMF thông qua ngày 30/11/2015 đến nay thì tỷ lệ sử dụng đồng CNY lại còn giảm đi.
Việc người dân thế giới không muốn dùng đồng CNY có nhiều lý do, nhưng chắc chắn không thể không bị ảnh hưởng bởi những hành xử của Bắc Kinh trong những lĩnh vực ngoài kinh tế - thương mại – tài chính.
Con số trên 80% người dân tại Phillipines, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc không hài lòng với cách hành xử của Bắc Kinh trong giải quyết xung đột không thể không ảnh hưởng tới việc những thực thể kinh tế tại những quốc gia này hạn chế dùng đồng CNY.
Vậy nhưng, Bắc Kinh lại không tìm cách thay đổi hình ảnh mà vẫn tăng cường những hành động “hại người, lợi mình”, còn người dân Trung Quốc thì đi đến đâu cũng làm xấu đi nhiều hơn là tìm cách thay đổi hình ảnh của Trung Quốc.
Có lẽ chỉ qua việc người Trung Quốc tự làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam mà lại đi nói xấu lịch sử Việt Nam thì đã có thể chứng minh Trung Quốc không hề tử tế.
Và hình ảnh khách du lịch Trung Quốc ép người bán hàng rong tại Việt Nam dùng đồng CNY cho thấy việc quốc tế hoá đồng tiền của Trung Quốc còn lâu mới có thể thành công.
Khi thiếu chân thành, Bắc Kinh phải mất tiền mua đồng minh với nhiều hiểm họa
Có thể thấy rằng, việc xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược thông qua hình thức viện trợ kinh tế đã thể hiện rõ nét nhất qua việc Hoa Kỳ tái thiết Châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến với kế hoạch Marshall nổi tiếng.
Và khi NATO ra đời thì đã cho thấy đồng minh chiến lược Hoa Kỳ - EU chặt chẽ hơn bất cứ hình thức liên minh, hợp tác nào.
Điều đó được minh chứng rất rõ khi Tổng thống Mỹ Barak Obama chuyển hướng chiến lược về Châu Á - Thái Bình Dương nhưng chưa hề thấy có biểu hiện phản lại Mỹ của các đồng minh phía bờ đông Đại Tây Dương.
Có lẽ, kết quả của Kế hoạch Marshall hay Breton Woods luôn là mơ ước của Bắc Kinh trong việc xấy dựng liên minh chiến lược cho mình, song Bắc Kinh luôn phải đón nhận cay đắng pha lẫn ngậm ngùi.
Biểu hiện của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng chưa “qua cầu” mà đã lăm le “rút ván”, cho thấy những gì mà Bắc Kinh nhận được từ đồng minh chua chát đến mức nào. Và Trung Nam Hải đã phải hướng về Pakistan để tìm sự thay thế Triều Tiên và qua đó dạy cho Bình Nhưỡng một bài học về “hãi người cho ăn”.
Song những gì nhận được từ Islamabad không hề như Bắc Kinh mong muốn. Người dân Pakistan, chính giới Pakistan không dành cho Bắc Kinh sự tin tưởng như của những quốc gia đồng minh chiến lược.
Có lẽ tỷ lệ chỉ có 18% người Pakistan được khảo sát tin tưởng Trung Quốc khiến cho Trung Nam Hải không khỏi giật mình. Điều đó khiến cho Bắc Kinh không thể không chột dạ khi khi quá hy vọng có thể sử dụng Islamabad để gây hại cho New Delhi và có lẽ Bắc Kinh đã việt vị trong mối quan hệ đặc biệt này.
Bắc Kinh đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát nền kinh tế |
Với Campuchia thì tiền bạc – viện trợ luôn là nền tảng của mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Phnom Penh. Chỉ cần lợi ích mà Bắc Kinh dành cho đồng minh “bé nhỏ” này giảm đi thì nền tảng tưởng chừng bền vững sẽ rệu rã ngay tức khắc mà chưa cần tới những tác động liên hoàn khác.
Hiện nay liên minh Nga – Trung đang ở thời kỳ “phát triển rực rỡ” nhưng không khó nhận diện nguy cơ rạn nứt trong mối quan hệ chân thành thì ít mà lợi dụng thì nhiều này. Và việc Bắc Kinh có lúc sẽ phải “dạy” cho Moscow một “bài học” cũng không có gì là quá mộng mơ.
Trong quan hệ Trung Quốc – Châu Phi thì Bắc Kinh cũng không khỏi muộn phiền khi đón nhận phản ứng thất thường từ lục địa đen với “dữ nhiều lành ít”.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từng cao hứng khẳng định, sẽ đến lúc đồng CNY như là nội tệ của Liên minh Châu Phi.
Vậy nhưng, chỉ vài tháng sau lời cao hứng ấy, khi được Tokyo gợi mở hướng tương lai tốt đẹp trong quan hệ Châu Phi – Nhật Bản thì vị Tổng thống già nua liền lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh đã “bịt tai bịt mắt” để cướp đi những tài nguyên quý giá của đất nước này.
Quanh đi quẩn lại cho đến lúc này Trung Nam Hải không hề có một đồng minh chiến lược nào có thể khiến cho Bắc Kinh tự tin chia sẻ hiểm nguy và cùng nhau xây nên tường bao vững chắc.
Bắc Kinh không may mắn hay vì Trung Quốc không đủ tiềm lực để có có thể xây dựng những liên minh bền chặt? Có thể khẳng định rằng, đó không phải là nguyên nhân khiến cho Bắc Kinh “tiền mất tật mang” trong việc dựng xây những liên minh chiến lược.
Phải hiểu như thế nào đây khi quan hệ Trung Quốc - Venezuela được xem là cầu nối chiến lược giữa Trung Hoa đại lục với Châu Mỹ xa xôi, vậy nhưng khi Caracas rối loạn với biểu tình vì người dân không còn “cơm ăn nước uống” thì Bắc Kinh cho rằng đó là chuyện riêng của Venezuela?
Còn những gì mà Trung Quốc đã đầu tư cho Caracas để đổi lấy dầu thì phải trả lại cho Bắc Kinh, dù quê hương của những hoa hậu có xảy ra giông tố bão bùng.
Và thế là cứ 1,8 triệu thùng dầu khai thác/ngày thì Caracas phải chuyển ngay 50% tới quê hương của Vạn Lý Trường Thành để khấu trừ dần nợ + lãi.
Venezuela có lẽ đã thấm đòn và cũng thấu hiểu thế nào là đồng minh chung chí hướng. Ảnh: Getty Image. |
Sự “thiên biến vạn hoá” của Bắc Kinh trong quan hệ quốc tế luôn luôn khiến cho dư luận hết sức ngỡ ngàng.
Người viết cho rằng, việc liên tục làm cho đồng minh vỡ mộng, liên tiếp làm cho đối tác thất vọng, mới là nguyên nhân chính khiến cho Bắc Kinh luôn trong tình trạng “hết bạc hết đồng minh”.
Từ những hành động “ném đá giấu tay” đến việc tạo ra “những cơn sốt mơ hồ”, từ “sự ngu ngơ tinh quái” đến “sự chân thành đáng sợ” của người Trung Quốc đều khiến cho cả đồng minh lẫn đối tác luôn phải nghi ngại về sự tử tế của Bắc Kinh.
Như vậy, những hành động thiếu chân thành, những việc làm không ngay thẳng của người Trung Quốc, đã khiến cho nền kinh tế Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc chịu nhiều mất mát.
Tất cả những thiệt hại, mất mát đó đều làm cho "giấc mộng Trung Hoa" của Bắc Kinh không thể nhìn thấy tháng ngày vui. Cho dù Trung Nam Hải có sử dụng bao nhiều chiến lược “lợi mình”, bao nhiêu sách lược “hại người”, nhằm đạt đến ngôi vị bá chủ, thì cũng không thể “hẹn ngày chiến thắng”.
Tuy nhiên, chỉ cần sống tử tế, ứng xử đàng hoàng với phần còn lại của thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại thì bao nhiêu mất mát, thiệt hại của Trung Quốc sẽ không xảy ra và “giấc mộng Trung Hoa” sẽ tự nó dần trở thành hiện thực.