Gần đây dư luận tại Việt Nam lại dậy sóng về cái dự án “tai tiếng” đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ. Dự án này được khởi công ngày 10-10-2011, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc 169 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 2.123 tỉ đồng.
Tháng 11-2014, PMU đường sắt đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề nghị phê duyệt tăng tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng). Đây là phương án đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định và so với tổng mức đầu tư được phê duyệt từ năm 2008 dự án vay vốn ODA Trung Quốc này tăng thêm 315,18 triệu USD.
Trước việc đội vốn cực kỳ lớn của dự án này, có dư luận cho rằng có tiêu cực ở phía sau nó, song điều ấy thì chưa thể khẳng định.
Tuy nhiên theo người viết thì việc duyệt thầu và duyệt đội vốn cho nhà thầu Trung Quốc trong dự án này có phần do phía Việt Nam bị tung hỏa mù bởi việc đảo ngược quy trình kinh tế cùng với "sự kém cỏi đáng ngờ và sự ngu ngơ tính quái" của người Trung Quốc.
Dự án “tai tiếng” đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Báo Tuổi trẻ (tuoitre.vn). |
Dư luận cho rằng, việc đó dù có tinh vi nhưng không dễ dàng thực hiện nếu chúng ta không sơ ý.
Song có nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các nước khác trong quan hệ làm ăn với đối tác Trung Quốc còn bị mất tiền trong những trường hợp mọi giao dịch đều dựa trên sự thật, thậm chí quá thật và đến khi đưa tiền cho người khác rồi mà vẫn không tin rằng mình bị thiệt hại bởi sự gian dối.
Câu chuyện vân gỗ và sự trung thực "chết người"
Do không tạo được thiện cảm với người dân và doanh nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới nên thương nhân Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn đều bị đối tác nhìn bằng con mắt nghi ngại. Điều đó làm cho việc tiếp cận cơ hội làm ăn của người Trung Quốc ở nước ngoài có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng.
Và trong thế cùng đường, doanh nhân Trung Quốc đã tương kế tựu kế, thay vì gian dối tinh vi thì nay họ tỏ ra trung thực hết mức với đối tác, khách hàng.
Doanh nhân Trung Quốc "chân thật" đến mức chỉ cho đối tác biết trong sản phẩm của họ đâu là điểm chưa hoàn chỉnh, cho đối tác biết đâu là yếu điểm, đâu là ưu điểm của họ. Thậm chí người Trung Quốc còn chỉ cho đối tác biết có những niềm tin của đối tác đã từng bị họ đánh cắp.
Điều này giúp cho các thương nhân Trung Quốc nhanh chóng chiếm được lòng tin của đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu chi tiết thì mới thấy đây là một nghệ thuật cực kỳ tinh vi và khôn khéo của người Trung Quốc khi làm ăn ở nước ngoài.
Hàng loạt những hợp đồng mua bán, hợp tác làm ăn diễn ra và mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc với tỷ suất lợi nhuận kiểu “một đồng vốn mười bốn đồng lời”.
Và không ai có thể hình dung được phía sau sự trung thực ấy là cả một sự gian dối thể hiện đẳng cấp cao của người vạch kế sách và người thực hiện kế hoạch. Người viết xin lấy một ví dụ rất nhỏ để cho thấy sự tinh quái của kiểu trung thực này.
Năm 2012, một doanh nhân tên là XN tại Thành phố Hồ Chí Minh có đặt hàng cho một nghệ nhân chuyên tạo vân gỗ tự nhiên.
Gỗ tự nhiên là một trong những mặt hàng mà thương nhân Trung Quốc có thể kinh doanh với lợi nhuận “một vốn mười bốn lời” bằng sự trung thực đáng ngờ của họ. Ảnh minh họa, nguồn: hoangviet.net. |
Sản phẩm là 10 tấm gỗ tròn có đường kính 1,6m, dày 20cm, trên 2 mặt và toàn bộ cạnh của miếng gỗ có dán từ 12 đến 17 miếng gỗ nu gõ đỏ - một loại gỗ cực kỳ đặt tiền, giá có thể lên đến 4 - 5 tỷ VND/m3 nếu gỗ lớn và có vân đẹp.
Yêu cầu của khách hàng với nghệ nhân là tạo vân (vẽ vân) ở những chỗ nối giữa những miếng gỗ để nhìn như một miếng gỗ liền vậy.
Giá tạo vân gỗ là từ 10 triệu đến 25 triệu VND/tấm gỗ tròn đó. Sau khoảng hơn 3 tháng thì hoàn tất. Những tấm gỗ ấy được ghép bằng những miếng gỗ thường và chỉ được dán phủ gỗ nu ở phía ngoài. Chi phí cho mỗi tấm chỉ khoảng 15 triệu đến 25 triệu VND.
Sau khi tạo vân xong thì doanh nhân XN bán cho khách hàng Trung Quốc với giá từ 80 triệu đến 100 triệu VND/tấm.
Những sản phảm ấy được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam chứ không phải được nhập về Trung Quốc như người mua là thương nhân Trung Quốc cho biết khi giao dịch.
Người viết may mắn được nhìn lại một trong những tấm gỗ ấy tại miền Tây Nam Bộ. Người viết sửng sốt khi biết người ta phải mua với giá hơn nửa tỷ VND và còn hào hứng cho là may mắn lắm mới mua được.
Ngạc nhiên hơn nữa là họ cho biết tấm gỗ ấy bị dặm vá một số chỗ và được tạo vân ở những chỗ vá dặm ấy.
Đến đây thì người viết cảm nhận được sự trung thực tinh quái của thương nhân Trung Quốc. Họ không nói là những tấm gỗ đó liền khối, lành lặn mà họ cho biết bị dặm vá và cho người mua biết cả chỗ nào là dặm vá.
Ai cũng hiểu nếu nói là lành lặn thì người mua sẽ không tin và đương nhiên sẽ bị cạo ra, thậm chí cắt ra để kiểm tra, nhưng nếu họ nói là có bị dặm vá thì người mua gần như không còn yêu cầu đó nữa.
Thế là với giá ban đầu tối đa chỉ là 50 triệu VND/tấm, nhưng người Trung Quốc đã đưa giá trị tấm gỗ lên gấp mười lần và chỉ với một thương vụ kinh tế hết sức nhỏ nhoi là mua bán 10 tấm gỗ mà thương nhân Trung Quốc đã bỏ túi hơn 4 tỷ VND.
Điều quan trọng nhất là họ "không nói dối" người mua. Họ trung thực đến mức bạn hàng không thể có một chút nghi ngờ gì gợn lên được nữa.
Như vậy là trong tình thế bị đối tác nước ngoài nghi ngại, thậm chí tẩy chay vì những hành động gian dối, nay doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc đảo ngược bằng sự "trung thực một nửa" nhưng thực tế là "lừa đảo đẳng cấp cao" hơn.
Sự trung trung thực không thể ngờ ấy không những mang lại cho họ những khoản lợi nhuận cực lớn mà điều quan trọng hơn là họ có dược niềm tin gần như tuyệt đối của đối tác nước ngoài.
Sự chân thành đáng sợ |
Và khi “niềm tin không giới hạn” được xác lập thì thương nhân Trung Quốc đưa đối tác vào những cái bẫy nguy hiểm mà đối tác không thể tránh được bởi không có sự nghi ngại, đề phòng.
Bởi vậy những thương nhân Trung Quốc gian dối, lọc lừa đã nguy hiểm thì với sự "trung thực một nửa" của họ mức độ nguy hại còn lớn hơn rất nhiều, bởi lẽ đó thực ra là sự “gian dối đẳng cấp cao”.
Sự ngu ngơ tinh quái
Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin nhiều về việc hàng loạt những dự án, công trình do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và triển khai ở nước ngoài bị đội vốn.
Chi phí phát sinh quá lớn và đó là một trong những hậu quả của việc các đối tác bị người Trung Quốc tung hỏa mù trong việc đảo ngược quy trình kinh tế để họ được đối tác lựa chọn hợp tác.
Song việc phát sinh chi phí, đội vốn mà nhà thầu Trung Quốc đề xuất thì hầu hết vẫn được đối tác chấp nhận.
Dư luận cho rằng do không thể có lựa chọn nào khác vì nếu công trình, dự án bị đình trệ thì thiệt hại cho đối tác rất lớn. Do đó họ phải “ngậm đắng nuốt cay” mà duyệt cho nhà thầu để nhanh chóng hoàn tất công công việc.
Cực đoan hơn, dư luận cho rằng có sự chia chác của người duyệt và người được duyệt – nghĩa là tham ô, móc ngoặc – nên việc duyệt tăng chi phí là không có gì lạ.
Thế trận không thể đảo ngược |
Điều này không dễ kiểm chứng. Nhưng người viết cho rằng, xác suất xảy ra chuyện này là không lớn. Vì khi đội vốn thì dự án đã trở thành tâm điểm của công luận và dư luận nên người trong cuộc không liều mạng làm việc ấy.
Mặt khác, đội vốn đã trở thành vấn nạn trong các gói thầu do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo người viết thì chủ đầu tư – đối tác – duyệt tăng chi phí cho dự án là do họ bị người Trung Quốc tung hỏa mù liên tiếp, mà thể hiện ra có cả những sự kém cỏi đáng ngờ và sự ngu ngơ tinh quái của họ.
Điều đó khiến cho người xét duyệt cảm thấy bớt căng thẳng vì tin rằng họ không thể bị doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc hạ gục một lần nữa.
Sự kém cỏi của người Trung Quốc thể hiện ra bằng việc xé nhỏ, thậm chí rất nhỏ những gói thầu thành những gói thầu nhỏ kiểu như B’, B’.1, B’.1.1, B’.1.1.1…với lý do đảm bảo quản lý chặt chẽ, thậm chí là nhà thầu cho biết luôn năng lực quản lý tổng thầu hạn chế nên chia nhỏ để dễ “quản và trị”.
Thế là khi đề nghị tăng vốn vì những lý do bất khả kháng người Trung Quốc bắt đầu từ những gói thầu “tý hon” trong cái “ma trận gói thầu phụ” ấy.
Ngay trong dự án “tai tiếng” đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, về việc ký kết hợp đồng với thầu phụ theo PMU đường sắt, tổng thầu Trung Quốc chia lẻ các hạng mục công trình thành các hợp đồng thầu phụ nhỏ lẻ, không đồng bộ và không tuần tự (ví dụ như tách riêng móng nhà, xây thô, hoàn thiện...) làm giảm tính chủ động và khó khăn khớp nối các khâu, các bước nên tiến độ các hạng mục thường xuyên bị phá vỡ, theo báo Tuổi trẻ ngày 4/3.
Người Trung Quốc sẽ tạo ra trong số những gói thầu tý hon có gói đội vốn, có những gói không đội vốn, thậm chí còn có những gói dư vốn nữa. Đối tác cảm thấy có niềm tin vào nhà thầu Trung Quốc vào sự kém cỏi này.
Và để cho việc đánh gục đối tác một cách chắc chắn, người Trung Quốc còn sử dụng tiếp công cụ thể hiện sự "ngu ngơ tinh quái".
Đó là có những gói thầu người duyệt thấy phải bị đội vốn thì nhà thầu Trung Quốc lại “không nhận ra”. Có những gói thầu phải tăng 25% thì nhà thầu Trung Quốc lại tính toán “sai” bằng những tỷ lệ tăng vốn tượng trưng 2%, 3%.
Thậm chí khi đối chất, giải trình với đối tác để được xét duyệt tăng vốn, nhà thầu Trung Quốc vẫn bỏ quên đi những gợi ý của đối tác cho thấy sự ngu ngơ của họ.
Nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc đang thi công ở nước ngoài là sản phẩm của việc “tung hỏa mù toàn tập” của họ. Ảnh một nhà thầu Trung Quốc tại châu phi, nguồn: CRI. |
Thực ra, người Trung Quốc đã tính toán cực kỳ kỹ lưỡng trong việc thể hiện sự kém cỏi và ngu ngơ của mình. Đó là trong hàng loạt những gói thầu tý hon không phát sinh tăng vốn nhưng họ vẫn đề nghị, nhưng tỷ lệ không cao và dễ dàng được chấp nhận vì họ đã lấy điểm được đối tác bởi sự "ngu ngơ đáng yêu" của họ.
Thế là thay vì một dự án với khoảng 15 gói thầu nhỏ, họ chia ra thành khoảng 60 – 70 gói thầu cực nhỏ và trong số đó chỉ có khoảng 10 gói thầu tăng vốn nhưng họ ngu ngơ không chịu tăng, song sẽ có khoảng 20 đến 30 gói thầu theo tính toán không phát sinh tăng nhưng họ lại đề nghị tăng.
Do sự giả ngu ngơ của người Trung Quốc cố tình cho đối tác nhận ra nên đối tác dễ dàng bị hạ gục bởi sự tinh quái không dễ dàng nhận ra phía sau ấy.
Việc chia nhỏ gói thầu là hết sức bình thường và bất kỳ nhà thầu nào, trong dự án nào cũng thường làm điều ấy.
Tuy nhiên, với người Trung Quốc thì nó có sự bất thường mà kết quả diễn ra theo sự tính toán của họ đều là những lợi ích phía sau nó. Việc được đối tác duyệt đội vốn là một trong những thành công của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc “ma trận hóa” gói thầu.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, khi họ khó khăn hay cố tình khó khăn vì thiếu vốn thì nguy cơ bị phạt do chậm trễ tiến độ luôn ở mức thấp nhất, không vượt quá xa ngưỡng dao động cho phép.
Bởi lẽ họ thiếu nợ có tính toán đối với một vài nhà thầu phụ thì chỉ có thể một vài điểm, một vài hạng mục bị đình trệ, chứ toàn bộ công trình không bị dừng lại.
Ngày 3/11/2015 vừa qua, giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, khóa 13 về việc đội vối của dự án “tai tiếng” đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được Bộ phê duyệt từ năm 2008 là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán điều chỉnh lại, do trượt giá, do rất nhiều nguyên nhân thì tăng thêm 315 triệu USD so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thì việc đội vốn do 8 nguyên nhân sau:
1- Thay đổi phương án nhà ga từ hai tầng thành ba tầng do không giải phóng được mặt bằng cho nên bớt chiều rộng tăng chiều cao.
2- Bổ sung cho hạng mục xử lý nền đất yếu của khu depot.
3- Bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6.
4- Điều chỉnh vật liệu tàu.
5- Bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ.
6- Thay đổi vị trí bãi đúc dầm.
7- Chi phí cho công tác nghiệm thu thiết bị đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án.
8 - Kinh phí giải phóng mặt bằng bao gồm cả chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thay đổi do trượt giá và một số thay đổi khác.
Sự việc cực kỳ hợp lý và không ai tìm ra điều gì đáng nghi ngại trong cái “ma trận hóa” ấy ngoài việc phê bình và nhắc nhở Bộ Giao thông Vận tải cần rút kinh nghiệm cho những dự án sau.
Bên cạnh đó, một động thái quan trong khi doanh nghiệp Trung Quốc cố tình tạo ra khó khăn để hướng tới việc tạo ra "những công trường rộn tiếng Hoa" khi họ mang lao động Trung Quốc sang thực hiện tiếp những gói thầu bị dang dở.
Họ giúp chính phủ Trung Quốc giải quyết nạn thất nghiệp cho người lao động Trung Quốc và đương nhiên họ sẽ được Bắc Kinh hỗ trợ.
Như vậy, trong quan hệ hợp tác làm ăn với người Trung Quốc, các đối tác luôn bị “tung hỏa mù toàn tập” mà người Trung Quốc dù lọc lừa hay trung thực, dù tinh quái hay ngu ngơ thì đều có những tính toán hết sức tinh vi mà mục đích là hướng tới hạ gục đối tác khiến họ phụ thuộc, lệ thuộc vào người Trung Quốc.
Người Trung Quốc “tung hỏa mù” hay đến mức Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã phải thốt lên: “Trung Quốc có lịch sử của một nền văn minh và nó đánh thức sự ngưỡng mộ cho những ai biết nó".
Nhưng đối lập với những lời tốt đẹp ấy là lời thừa nhận cay đắng của ông Rafael Correa: “ Khi đập nước trong dự án thủy điện San Rafael do nhà thầu Trung Quốc thi công hoàn tất thì nước được dẫn đến nhà máy phát điện chỉ còn ở mức nhỏ giọt bằng 1/5 của công suất thiết kế”, theo the New York Times ngày 24/7/2015.
Người Trung Quốc móc túi bạn hàng, lấy tiền đối tác ở tất cả các cấp độ từ người mua bán lẻ đến bộ, ban ngành từ trung ương tới địa phương hay các định chế kinh tế có sự bảo lãnh của chính phủ các quốc gia.
Người viết cho rằng những thủ thuật ấy không có gì là mới, nhất là với những cá nhân, những tổ chức có quan hệ làm ăn với đối tác Trung Quốc, song họ vẫn bị người Trung Quốc qua mặt và đưa vào những cái bẫy đã giăng sẵn.
Vi vậy cần phải nhìn vào bản chất của người Trung Quốc trong các hoạt động mua bán hay hợp tác đầu tư thông qua triết lý kinh doanh và cơ chế hợp tác của họ, vì họ luôn hướng vào mục tiêu chiến thắng đối thủ, hạ gục đối phương nhằm thực hiện ý đồ toàn cục của họ với những thủ thuật gian dối ngày càng thể hiện ở đẳng cấp cao.