Ký ức người thầy về nền giáo dục nước ta xưa và nay!

01/02/2017 06:43
Tạ Quang Sum
(GDVN) - Áp lực của cả xã hội đè lên vai người thầy, thử hỏi họ còn con đường nào khác hơn là nhắm mắt – ra sức đẩy học trò đi qua các cấp học?

LTS: Là thầy giáo chứng kiến sự phát triển của nền giáo dục nước nhà qua các thời kì, thầy giáo Tạ Quang Sum đã chia sẻ những suy ngẫm của mình về nền giáo dục Việt Nam xưa và nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Năm 1963, khi học xong lớp 5 (đệ thất), chúng tôi được nhận bằng Tiểu học (bé như bàn tay), sau đó chuẩn bị để thi lên lớp 6.

Nha Trang thời ấy còn là một thành phố thuộc tỉnh miền Trung và chỉ có hai trường công lập là Trung học Võ Tánh và Nữ Trung học Huyền Trân.

Gần 30 cô cậu học trò nhà quê ra kinh kỳ ứng thí khoa ấy, niềm vui đậu khoa thi chỉ đến với năm đứa trong số ấy.

Đám đông còn lại đều phải gửi thân vào các trường tư thục vì vậy được mang tên Trung học Võ Tánh hay Nữ Trung học Huyền Trân trên ngực áo là mơ ước của biết bao thế hệ học sinh Khánh Hòa thời ấy!

Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Ngay từ  đệ thất, chúng tôi đã được học khá nhiều môn. Các môn học tùy theo mức độ cần trang bị và tạo ra tác động đối với học sinh có hệ số là 3,2 hoặc 1.

Âm nhạc, thể dục và hội họa cũng là những môn phải học; đặc biệt môn Văn thì có cả Kim văn và Cổ văn.

Bốn năm trung học đệ nhất cấp (tương tự Trung học cơ sở bây giờ) trôi thật nhanh.

Năm đệ tứ (lớp 9) qua đi rất nhẹ nhàng vì không có kỳ thi Tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp, thay vào đó là nộp đơn chọn ban vào đệ tam (lớp 10).

Việc chọn và đăng ký ban thật sự là tự nguyện, nó thôi thúc và khơi gợi trong mỗi công dân – học sinh thời ấy mộ sự suy tính kĩ lưỡng cho tương lai!

Vào lớp 10, có những quy định về ban chuyên khác với bây giờ.

Ban A là ban Vạn vật (Sinh vật); cách đặt theo kí tự này rất gần gũi và dễ nhớ, đây cũng là ban phù hợp với những học trò chăm chỉ, lấy “cần cù bù thông minh”. Tuy nhiên, điều gây áp lực khi học ở ban A là phải học hai quyển sách Vạn vật dày cộm.

Với những học trò có năng lực tư duy toán – lý thường chọn học ban B.

Còn những học trò có năng khiếu văn chương và ngoại ngữ lại chọn ban C.

Sự phân hóa bộ môn giữa các ban là rất lớn, về cấu trúc chương trình vẫn có đầy đủ các chương, bài nhưng toán của các ban A, C chỉ là 30% của ban B...

Ngoài ra mức độ quan trọng của bộ môn còn thể hiện ở hệ số: Vạn vật ban A hệ số 4, thì với ban B là hệ số 1... đặc biệt môn Sinh ngữ ở ban nào cũng có chính và phụ (Chính Anh thì phụ Pháp, hoặc ngược lại).

Ký ức người thầy về nền giáo dục nước ta xưa và nay! ảnh 2

Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học

Riêng môn Văn có mức độ quan trọng gần như nhau ở các ban.

Năm 1970 chúng tôi thi Tú tài phần thứ nhất khoa cuối cùng, năm sau thi Tú tài phần thứ hai; các môn Sử – Địa – Công dân được thi theo hình thức trắc nghiệm.

Cả tỉnh chỉ có một hội đồng khảo thí với nhiều trung tâm thi; phòng thi gồm nhiều thành phần thí sinh sắp tên theo thứ tự bảng chữ cái.

Học sinh đúng độ tuổi của trường công, trường tư, ngồi lẫn với những người lớn tuổi học các trường văn hóa ban đêm...

Tất cả đều thi chung một đề với cùng chế độ khảo thí, ba ngày thi ròng rã với tất cả các môn đã học; chỉ có môn Thể dục là được thi trước ở trường vào gần cuối năm học.

Năm 1971, tôi đậu Tú tài toàn phần hạng Bình Thứ, ban B; thi vào trường Đại học Sư phạm Huế khoa Toán, nhưng không đủ điểm đỗ.

Trăn trở thật nhiều, cuối cùng tôi chọn ghi danh vào học chứng chỉ dự bị Toán đại cương (MG) ở Đại học Khoa học.

Ngày khai giảng, chỉ một chứng chỉ ấy thôi đã có hơn 800 sinh viên theo học nhưng kết thúc niên khóa  ấy, chỉ còn  khoảng 70 người  được lên năm thứ nhất học trình Cử nhân cả hai khoa Toán và Vật lý.

Đám đông còn lại đã rơi rụng theo thời gian hoặc trôi theo dòng thác chiến tranh, hoặc chuyển qua học Luật khoa, Văn khoa; các trường Cao đẳng...

Khi chúng tôi đang chuẩn bị tín chỉ cuối cùng để nhận bằng Cử nhân Giáo khoa thì thành phố Huế được giải phóng. Sân trường Đại học sau những ngày vắng vẻ vì chiến tranh lại trở nên tấp nập.

Thầy cô mới từ các trường Đại học của miền Bắc đã vào dạy chúng tôi với biết bao điều mới!

Học tập - lao động - xâm nhập thực tế đã làm thay đổi hẳn tư duy của lớp trẻ chúng tôi - những con người một thời chỉ quen mùi mưa bom, bão đạn.

Cuối năm 1976, sau gần hai năm học thêm một số chứng chỉ chuyên ngành và chính trị, chúng tôi ra trường. Những trí thức trẻ được đào tạo qua hai chế độ, đã được bổ nhiệm vào các cơ quan Nhà nước, tận tuỵ đem sức – tài – trí phục vụ đất nước đến tận bây giờ.

Gần 30 năm trôi qua, những người trẻ chúng tôi thời ấy, nay đã thành những ông bà lão nghỉ hưu.

Trong  đa đoan công việc và vật vã với những khó khăn mỗi ngày, chúng tôi vẫn thường tự hỏi:

Thời chiến điều kiện vô cùng khó khăn vẫn có những người quyết tâm vượt khó và kiên trì tu luyện nhưng tại sao khi điều kiện ngày càng tốt, rất nhiều học sinh lại không biết quý trọng những tiện nghi mình đang có, chú trọng học tập hơn?

Ký ức người thầy về nền giáo dục nước ta xưa và nay! ảnh 3

Thầy Tạ Quang Sum: Bộ không nên ôm đồm trong kỳ thi quốc gia như hiện nay!

Học sinh ăn chơi, đua đòi; quay cóp trong khi thi đang là những biểu hiện tiêu biểu của tiêu cực học đường.

Lớp trẻ ngày nay cũng không mấy niềm hứng thú với văn chương và lịch sử nước nhà; ít chịu khó tư duy, thiếu hẳn ý thức tìm tòi, khám phá như hồi xưa!

Chuyện đơn giản nhất là thực hiện phép nhân 4 với 5 mà cũng bấm máy tính… nói lên sự thụ đông, phụ thuộc của các em.

Nhiều thói hư, tật xấu phát triển từng ngày, như căn bệnh ung thư đang tàn phá cơ thể giáo dục và xã hội.

Thầy dạy mẫu – trò học mẫu; thầy muốn dạy thêm kiếm tiền – trò muốn học vì điểm số; phụ huynh háo thành tích, ép con đi học với tâm lý “Đại học là con đường duy nhất”.

Áp lực của cả xã hội đè lên vai người thầy, thử hỏi họ còn con đường nào khác hơn là nhắm mắt – ra sức đẩy học trò đi qua các cấp học?

Những thế hệ công dân èo uột về trí tuệ cứ thế được ra đời, rồi sẽ đưa đất nước đi về đâu?

Giai đoạn xưa, chiến tranh kìm hãm nhiều hoạt động xã hội, trong đó giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng ngày nay đã có một nền giáo dục Việt Nam phát triển tương đối ổn định, tại sao đã không chọn lọc những giải pháp tích cực để nâng tầm giáo dục phát triển?

Phải chăng việc hoạch định chiến lược giáo dục quốc gia đã được khoán trắng cho những cá nhân thuộc bộ phận nào đó?

Đề xuất từ những người đứng đầu ngành giáo dục đã dẫn đến việc áp dụng một loạt các mô hình thí điểm nhưng không hiệu quả.

Nếu chúng ta cứ thiếu sáng suốt trong cải cách, đổi mới giáo dục như thế thì nước nhà sẽ đi về đâu?

Chúng tôi là những người trực tiếp giảng dạy, thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia, được tiếp xúc với học sinh hàng ngày mong các Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để tìm ra được những giải pháp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.

Tạ Quang Sum