Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học

19/08/2016 07:11
Tạ Quang Sum
(GDVN) - Các cơ quan chức năng ngành giáo dục cần làm tốt hơn công tác tư vấn, giảm nhẹ thủ tục hành chính; thay đổi chiến thuật để nâng cao cao chất lượng tuyển sinh.

LTS: Bàn về vấn đề tuyển sinh sau Trung học, thầy giáo Tạ Quang Sum đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình!

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trong những năm qua, đã có nhiều cuộc họp bàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hội thảo, góp ý của các trường Đại học; thăm dò ý kiến qua diễn đàn, báo chí… diễn ra trên cả nước bàn về hoạt động tuyển sinh sau Trung học.

Vấn đề được quan tâm là tìm ra một giải pháp khả thi nhằm thoát ra khỏi tình trạng tổ chức tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp còn nhiều bất cập như hiện nay.

Những mùa tuyển sinh theo hình thức “3 chung”, tiếp theo là kỳ thi “2 trong 1” với những hiệu quả nhất định đã tạo được những thay đổi, nhưng vẫn có không ít bất cập phát sinh, nằm ngoài dự báo của các nhà quản lý giáo dục.

Việc tuyển sinh vào các trường học từ trước đến nay đều thực hiện qua hai cách là Thi tuyển và xét tuyển.

Một vài thí sinh vừa tham gia kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (Ảnh: tienphong.vn).
Một vài thí sinh vừa tham gia kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (Ảnh: tienphong.vn).

Thi tuyển để chọn được người có năng lực, đào tạo để cống hiến, phục vụ đất nước. Công tác quan trọng ấy đòi hỏi phải được tổ chức hết sức nghiêm túc, với tiêu chuẩn trí tuệ làm đầu.

Xét tuyển để chọn đối tượng phù hợp với yêu cầu đào tạo; đó là giải pháp mở, được thực hiện bởi nhiều cách khác nhau.

Bao gồm, xét chọn từ học lực, hoặc dựa theo một tiêu chuẩn nào đó khi đối tượng đã hội đủ điều kiện thì sẽ được học lên bậc cao hơn.

Hai công đoạn chiêu sinh trên được thực hiện bằng cách tách biệt nhiệm vụ đối với mỗi loại trường, loại ngành học, như là biện pháp đầu vào.

Nhưng, toàn bộ lực lượng ấy phải hội nhập trở nên thể thống nhất trong quá trình tiếp theo; được tổ chức và điều hành bởi chế độ thống nhất về mục tiêu giáo dục - chương trình huấn luyện - thể thức thi cử - điều kiện xét cấp văn bằng.

Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học ảnh 2

Trăm nghề, nghĩ kỹ chọn lấy một

Thực hiện một cuộc khảo sát các học sinh học lớp 12 về việc lập hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp nhận được kết quả:

20 % học sinh có định hướng rõ;                         

30 % chọn trường thi kiểu “bao sân, đậu đâu thì học đó”;

20 % nộp đơn vì đại học là hậu trung học;

30 % xem việc đi thi như là chuyến du lịch có bạn bè đông vui.

Chính cách tổ chức tuyển sinh vào Đại học như hiện nay đã tạo nên sự nhập nhằng về nhận thức định hướng ngành nghề học của học sinh và gia đình.

Thi - tuyển đã trở nên một loại phúc lợi xã hội.

Nhiều học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển chỉ biết qua loa về trường tuyển và ngành tuyển; không ít em đi thi trong tâm thế may rủi; thiếu sự chuẩn bị và thiếu thông tin về đầu vào, đầu ra nên đã lâm vào cảnh “hẫng hụt” do đầu tư không đúng hướng.

Việc các trường cho mở tràn lan nhiều ngành học trong khi thiếu phương tiện giảng dạy đã làm giảm chất lượng đào tạo, dẫn đến một lượng lớn lao động có bằng cấp cao dư thừa trong khi thợ lành nghề và chuyên viên giỏi lại thiếu nghiêm trọng.

Sự phát triển ồ ạt các trường học tại các địa phương và mở rộng chức năng hoạt động, nhầm lẫn giữa cách tổ chức học và loại hình học theo kiểu chạy theo lợi nhuận, xuất phát từ thị hiếu “ảo” của người học đã làm rối loạn định hướng nghề nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tiền bạc và công sức của nhân dân.

Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học ảnh 3

Bộ Giáo dục mong muốn được tiếp quản hệ thống giáo dục nghề

Những ảnh hưởng tiêu cực này còn thể hiện ở lối suy nghĩ “chỉ có Đại học là con đường duy nhất”.

Đã đến lúc phải có cái nhìn toàn diện trong hoạt động tuyển sinh vào Đại học, đó là một phần không thể tách rời trong sự nghiệp phát triển giáo dục quốc gia.

Nhằm phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần đưa nền giáo dục nước nhà phát triển lành mạnh, thỏa mãn lòng hiếu học của quảng đại quần chúng nhân dân.

Theo quan điểm của tôi, chỉ tổ chức thi tuyển vào các trường trọng điểm quốc gia, hoặc trường khu vực có nhiệm vụ đào tạo lực lượng cán bộ – công chức, phục vụ bộ máy Nhà nước và chuyên ngành xã hội như: Hành chính quốc gia, Quan hệ Quốc tế, Quân Sự - An ninh,  Kỹ thuật – Công Nghệ, Nông - Lâm - Ngư Nghiệp, Y - Dược, Sư Phạm, Kiến trúc.

Học sinh muốn dự thi vào các trường này phải có điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp đạt mức sơ tuyển.

Mặt khác về thủ tục, nên khuyến khích học sinh đích thân đến nộp hồ sơ tại các trường học; cho đăng kí tự do vào các ngành học ở tất cả các trường kể cả Đại học Quốc gia như: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật, Kinh tế, Tin học ứng dụng…

Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học ảnh 4

Năm ngoái, hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh Trung cấp chuyên nghiệp

Đặc biệt đối với các ngành căn bản như khoa học tự nhiên, nên tổ chức lớp dự bị thay cho năm thứ nhất.

Sinh viên ghi danh học tự do, sau khi thi đỗ chứng chỉ dự bị sẽ học tiếp lấy bằng Cử nhân với học trình 3 năm còn lại; thực tế cho thấy: nếu được tự chọn lựa, không ai dại gì đầu tư theo học một ngành mà họ không có đủ năng lực tiếp thu.

Mở rộng các loại hình Đại Học từ xa, Đại học hàm thụ, Đại học cộng đồng để dãn sự tập trung vào các khu vực lớn, nhưng dù học với hình thức nào thì chế độ thi và cấp văn bằng vẫn tuân theo quy định chính quy, thống nhất.

Lâu nay, việc tổ chức tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp còn nặng tính bao cấp, dàn trải và áp đặt chủ quan lên đối tượng học sinh.

Hãy để học sinh được tự do lựa chọn ngành học của mình!

Thi tuyển hay xét tuyển, cứ để học sinh tự do lựa chọn ngành học ảnh 5

Tổ chức hệ thống giáo dục sau trung học như thế nào?

Các cơ quan chức năng ngành giáo dục cần làm tốt hơn công tác tư vấn, giảm nhẹ thủ tục hành chính; tập trung vào chiến lược, thay đổi chiến thuật để nâng cao chất lượng việc tuyển sinh.

Tổ chức tốt bộ máy quản lý, hiện đại hóa hoạt động giáo dục của các trường Đại học nhằm giúp các đề án  phát triển tầm quốc gia khả thi, nhận được sự tin tưởng của nhân dân.

Chất lượng giáo dục Đại học ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia, giáo dục đi xuống đồng nghĩa với sự phát của đất nước có nguy cơ bị thụt lùi!

Tạ Quang Sum