LTS: Bàn về vấn đề lạm thu đầu năm học mới, thầy giáo Bùi Minh Tuấn có bài viết phản ánh và đưa ra những giải pháp của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Lạm thu đầu năm núp bóng phụ huynh “tự nguyện” đóng góp
Vào đầu năm học mới, nạn lạm thu ở các trường học lại trở thành vấn đề “nóng” của ngành giáo dục, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là những năm gần đây, tình trạng lạm thu trong trường học núp bóng dưới danh nghĩa các khoản đóng góp “tự nguyện” đang có nhưng biểu hiện biến tướng đáng quan ngại.
Giải quyết vấn nạn lạm thu trong trường học là hết sức cần thiết. Mặc dù vậy, để đẩy lùi nó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, rất cần sự đồng lòng từ phía các bậc phụ huynh.
Minh họa lạm thu (Ảnh: zing.vn). |
Nạn lạm thu trong trường học được hiểu là việc nhà trường tự ý đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định. Những khoản thu này thường được hợp thức hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, làm tăng thêm gánh nặng chi phí đối với phụ huynh học sinh.
Từ năm học 2008 – 2009, thực hiện quy định của Luật giáo dục sửa đổi và Thông tư của Bộ Tài chính, phụ huynh học sinh không phải đóng khoản xây dựng trường đầu năm.
Những tưởng các bậc phụ huynh sẽ bớt đi phần nào gánh nặng các khoản đóng góp, tuy nhiên, trong điều kiện không thu được “danh chính ngôn thuận”, nhiều nhà trường đã “lách luật” bằng cách vận động phụ huynh đóng góp dưới hình thức “tự nguyện”.
Chủ trương này được các nhà trường thực hiện ngay trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học. Mỗi trường tự định ra một mức “sàn” đóng góp riêng: có trường 100.000 đồng/ học sinh, có trường 200.000 đồng/học sinh...
Những mức “sàn” này thường là bằng hoặc thậm chí cao hơn khoản tiền xây dựng trường mà mỗi học sinh phải đóng góp trong các năm học trước.
Mặc dù các trường đã có phổ biến tới tất cả phụ huynh học sinh rằng: đây là khoản đóng góp không bắt buộc, không ít phụ huynh dù gia cảnh khó khăn cũng phải miễn cưỡng ký tên “tự nguyện” đóng góp chỉ với tâm lý “không muốn con thua bạn kém bè”.
Phát hiện lạm thu, gọi đường dây nóng 01695122753 |
Không chỉ tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, không ít trường còn tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định khác như: tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền khuyến học, tiền hỗ trợ giáo viên dạy bán trú…
Những khoản thu ngoài quy định này cũng được thực hiện trên tinh thần “thỏa thuận” giữa nhà trường với phụ huynh học sinh sau khi có cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Trên thực tế, tình trạng lạm thu xảy ra nhiều ở các trường công lập. Hiện ngân sách Nhà nước chi cho các đơn vị trường học hệ công lập thường được phân bổ từ 75 – 85% dành cho việc chi trả lương cho giáo viên.
Khi Luật giáo dục mới được áp dụng, các trường không được phép thu khoản tiền xây dựng trường, chi phí dành cho các hoạt động giáo dục của nhà trường khá eo hẹp.
Muốn có thêm nguồn thu để phục vụ tốt hơn cho công tác đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học, không còn cách nào khác phải huy động sự đóng góp của các bậc phụ huynh.
Đây là lý do chính được nhiều nhà trường đưa ra để giải thích cho việc tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định.
Việc đặt ra quá nhiều khoản thu với mức thu không hợp lý, lại được tiến hành thu theo kiểu “đại trà” như thế cũng đã tạo nên sự bức xúc, ức chế trong các bậc phụ huynh.
Trong khi mức sống, hoàn cảnh gia đình của nhiều gia đình học sinh là không đồng đều, việc thu thêm các khoản ngoài quy định, hay việc tự ý đặt ra các mức “sàn” đóng góp có thể khiến dư luận không hiểu đúng về ý nghĩa của chủ trương xã hội hóa trong giáo dục.
Tuy nhận thấy sự bất cập của những khoản thu nhưng nhiều phụ huynh vẫn không dám mạnh dạn lên tiếng phản đối. Một số khác lại “tự nguyện” đóng góp vì có tâm lý nghi ngại: liệu con mình có bị thầy cô và nhà trường “để ý” nếu không tự nguyện đóng góp (?!).
Chính tâm lý cả nể, “tặc lưỡi” đóng góp cho xong chuyện của các bậc phụ huynh vô hình chung đã tạo cơ hội cho nạn lạm thu được dịp hoành hành.
Cần sự vào cuộc đồng bộ để hạn chế tình trạng lạm thu
Để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học, nhất là trong thời điểm giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục leo thang, đời sống của người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành có liên quan.
Ba vấn đề giáo dục lớn muốn thay đổi phải "đánh mạnh" vào phụ huynh |
Đối với cơ quan quản lý giáo dục, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ các khoản thu đầu năm ở các đơn vị trường học, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, nhất là với người đứng đầu.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tiến hành công khai minh bạch các khoản thu, chi, nhất là các khoản thu từ nguồn xã hội hóa để phụ huynh học sinh nắm rõ.
Trong khi điều kiện kinh tế của gia đình học sinh còn có sự khác biệt, để chủ trương xã hội hóa thực sự có hiệu quả, các nhà trường cần năng động, nhạy bén hơn trong việc tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân có lòng hảo tâm.
Điều quan trọng nhất là, những khoản tiền xã hội hóa phải thực sự bắt nguồn từ tinh thần đóng góp tự nguyện và nhất là phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Để đẩy lùi vấn nạn lạm thu, cũng rất cần sự đồng lòng, nhất trí cao từ các bậc phụ huynh. Theo đó, hội phụ huynh học sinh từ mỗi đơn vị lớp học phải phát huy được vai trò của mình.
Phải biết lên tiếng, đừng "ngậm bồ hòn làm ngọt" |
Các khoản đóng góp (ngoài khoản tiền học phí được quy định chung) cần phải được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự thảo luận, bàn bạc kỹ càng từ các hội viên trong từng chi hội.
Qua quá trình thảo luận, nếu có mức đóng góp nào quá cao, trái với quy định chung, phụ huynh cần mạnh dạn có ý kiến để thay đổi cho phù hợp, nhất là cần tránh thái độ im lặng, thỏa hiệp.
Chỉ khi có sự đồng thuận, nhất trí cao từ các vị phụ huynh kiên quyết “nói không” với các khoản thu “ngoài luồng”, sai quy định, nạn lạm thu trong các đơn vị trường học mới có hy vọng được giải quyết tận gốc.