Thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân là vấn đề hết sức quan trọng, nó có vai trò chi phối đến mọi hoạt động của giáo dục và đào tạo để khắc phục những bất cập hiện nay trong lĩnh vực giáo dục nhằm đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Theo công văn số 80/HH-VP, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về tình hình bố trí quản lý nhà nước về giáo dục:
Cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có một. Những năm chưa đủ điều kiện để thống nhất quản lý theo ngành Chính phủ đã theo từng mảng công việc: nhà trẻ và mẫu giáo, phổ thông, dạy nghề, đại học và trung học chuyên nghiệp để bố trí việc quản lý Nhà nước về giáo dục.
Sau này những mảng công việc trên lần lượt được bố trí vào Bộ Giáo dục và Bộ Đại học-Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Cách đây hơn ¼ thế kỷ, Chính phủ do Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu đã sáp nhập hai bộ trên thành Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự hợp nhất này tạo nền tảng vững chắc cho ngành giáo dục theo mô hình của nhiều nước trên thế giới.
Hiệp hội gửi ý kiến quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp lên Chính phủ (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Tuy chưa có những nghiên cứu, những kết luận về hiệu quả của việc thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục, nhưng chúng ta có thể tự suy xét thông qua những gì đang hiện hữu như:
- Giáo dục mầm non khởi sắc;
- Giáo dục phổ thông phát triển về chất;
- Hệ thống sư phạm được nâng cấp toàn diện;
- Các trường đại học đa lĩnh vực, các trường ngoài công lập xuất hiện;
- Đội ngũ nhân lực do chúng ta tự đào tạo đang làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực: dầu khí, bưu chính viễn thông, giao thông, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp.
Năm 1998, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao công tác “quản lý Nhà nước về đào tạo nghề” từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và đã tập trung đầu tư lớn cho dạy nghề, thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và rào cản cần tháo gỡ
Giáo dục nghề nghiệp - một cấu phần xuyên suốt từ giáo dục trung học phổ thông đến trình độ tiến sĩ, đang từng bước khẳng định vị trí.
Con số từ báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy cả nước có 219 trường đại học, 407 trường cao đẳng (trong đó 190 trường cao đẳng nghề), 313 trường trung cấp chuyên nghiệp, 280 trường trung cấp nghề và 997 trung tâm dạy nghề, tổng cộng là 2.206 cơ sở (nếu tính cả các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm hướng nghiệp con số này có thể nhiều hơn 3.000) chưa kể 2.700 trường THPT.
Khai thác tốt tiềm năng này có thể thực hiện việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng theo nhu cầu xã hội theo tinh thần Nghị quyết 29.
Có điều, cơ quan của Chính phủ có đủ uy tín, nghiệp vụ và kinh nghiệm để đảm nhận việc này chỉ có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với sự gia tăng số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành giáo dục đã có những tìm tòi, trải nghiệm quý giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kế thừa kinh nghiệm quốc tế, mở thành công nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, thí điểm thành công trình độ đào tạo cao đẳng được xã hội, pháp luật thừa nhận.
Mô hình cao đẳng được nhân rộng thành cao đẳng nghề bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Những thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực mà còn có tính chất hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, hơn ba ngàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp nêu trên hiện nay chưa phải là địa chỉ phân luồng của học sinh sau THCS. “Sân chơi” của giáo dục nghề nghiệp có “hai trọng tài chính” với luật lệ khác biệt.
Điều này là “sóng ngầm” làm đổ vỡ những chuẩn mực chung, là vách ngăn đối với phân luồng học sinh phổ thông, là rào cản đối với sự liên thông giữa các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo cũng như sự chuyển đổi nghề nghiệp.
Thứ ba, tư tưởng quản lý nhà nước về giáo dục của Đảng và Chính phủ:
Đất nước đang cần một hệ thống giáo dục mạnh, hướng tới xây dựng một thế hệ công dân mới - thế hệ không những kế thừa phát huy truyền thống đấu tranh giữ nước, dựng nước mà còn là những người làm chủ trong nền kinh tế hội nhập.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (NQ-29) đã chỉ rõ phải “đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục”; đã nhấn mạnh trách nhiệm “quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ ngành địa phương. Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đại hội Đảng lần thứ XII đã gợi mở việc không còn cơ quan chủ quản.
Với tinh thần đó, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện đổi mới quản lý hành chính nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư.
Tại phiên họp Chính phủ mới đây (30/6/2016) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông điệp phương châm làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ này là một “Chính phủ kiến tạo chứ không phải chạy theo sự vụ”.
Đối với ngành giáo dục, Quản lý Nhà nước là thực thi quyền hành pháp để quản lý, điều hành lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật. Luật Giáo dục nghề nghiệp có nội dung Quản lý Nhà nước tại Điều 71. Nội dung này cũng là những định chế về Quản lý Nhà nước tại Điều 99 của Luật Giáo dục và Điều 68 của Luật Giáo dục đại học.
Điều này có nghĩa là Quốc hội khẳng định “sợi dây điều hành” giáo dục nghề nghiệp cũng là sợi dây điều hành toàn bộ Hệ thống giáo dục quốc dân. Với nhãn quan điều khiển học thì sợi dây duy nhất đó chỉ nên trong tay một cơ quan của Chính phủ, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Được như vậy mới đủ điều kiện tập hợp, khơi dậy sức mạnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khắc phục dần những hạn chế và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 29.
Chính vì vậy, việc thống nhất một đầu mối Quản lý Nhà nước về giáo dục là giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết 29, chuẩn bị điều kiện cần thiết đi đến bỏ cơ chế chủ quản đối với các cơ sở giáo dục, thể hiện quyết tâm của mỗi cán bộ đảng viên trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính và đổi mới môi trường đầu tư vào giáo dục, mở ra lối thoát cho phân luồng, cho liên thông trong Hệ thống giáo dục quốc dân, khai thác có hiệu quả nguồn lực của hơn ba nghìn cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần đích thực vào công tác đào tạo nhân lực đáp ứng mong đợi của đại đa số nhân dân.
Với tinh thần đó, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng, Ban Bí thư Trung ương Đảng nghiên cứu chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 29/NQTW của Đảng, cụ thể là:
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện Quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.
- Bố trí cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo “đảm nhiệm 3 mảng công việc lớn của Bộ là: giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học”; “ba bộ phận có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể hoạt động tương đối độc lập trong Bộ, đồng thời bảo đảm những mối liên hệ chung trong bộ máy chung của Bộ” như tinh thần Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo trước đây.