Phải biết lên tiếng, đừng "ngậm bồ hòn làm ngọt"

24/09/2015 08:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Đã đến lúc phụ huynh không cần “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà phải biết cùng nhau lên tiếng khi thấy đó là những điều không đúng, không phù hợp.

LTS: Tiếp tục bàn về chuyện lạm thu đầu năm học cô giáo Phan Tuyết gửi lời khuyên các bậc phụ huynh cần phải lên tiếng với những khoản thu không đúng, không phù hợp. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới tòa soạn bài viết. 


Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học thì chuyện lạm thu ở các trường học luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn thông tin. Những bức xúc, những bất bình được mọi người trút ra xối xả với bao ngôn từ hằn học, với bao lời bình luận khiếm nhã...

Mọi chuyện lẽ ra sẽ được giải quyết ổn thỏa giữa đôi bên nếu chúng ta biết cách bày tỏ sự đồng tình hay sự phản đối đúng cách nhưng phụ huynh lại thường im lặng trong các cuộc họp, họ cam chịu và móc hầu bao trong sự miễn cưỡng.

Đến cả Hội phụ huynh, một tổ chức đại diện cho tiếng nói của cha mẹ các em cũng đứng ngoài cuộc.

Với suy nghĩ của nhiều người, nếu phản đối các khoản thu chi mà nhà trường đưa ra, con mình sẽ bị thầy cô “soi”, bị để ý hay bị nằm trong “danh sách đen” sẽ tội cho chúng. 

Nên dù không đồng tình, họ vẫn buộc mình phải im lặng. Có lẽ chính phụ huynh cũng không thể biết những thầy cô giáo đang triển khai những khoản thu chi trong cuộc họp cũng giống như các bậc phụ huynh đang phải làm một công việc mà bản thân những thầy cô cũng không muốn chút nào. 

Đã đến lúc phụ huynh không cần “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà phải biết cùng nhau lên tiếng khi thấy đó là những điều không đúng, không phù hợp (Ảnh: congannghean.vn)
Đã đến lúc phụ huynh không cần “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà phải biết cùng nhau lên tiếng khi thấy đó là những điều không đúng, không phù hợp (Ảnh: congannghean.vn)

Dù không đồng tình với các khoản thu ấy thì thầy cô giáo cũng không thể phản đối, họ cũng sợ mình bị “soi”, bị đì...

Nói là nhà trường nhưng thu tiền gì, thu bao nhiêu hay chi cho việc gì, chi nhiều hay ít chỉ có hiệu trưởng mới có quyền quyết định. Hàng năm, nói là công khai tài chính, giáo viên cũng chỉ được kế toán đọc cho nghe một bảng chi dài dằng dặc với hàng mấy chục danh mục và số tiền chi cụ thể. 

Nghe để biết nhà trường đã công khai chứ mức chi có phù hợp hay không thì làm sao mà biết được. Thầy cô là người triển khai và kiêm luôn vai trò “thủ quỹ” thu và nộp tiền về nhà trường. 

Chẳng phải bạn thắc mắc mà thầy cô không quan tâm đến con bạn, đơn giản chỉ vì số tiền ấy chính các thầy cô cũng chẳng được hưởng lợi đồng nào mà còn gây cho họ không ít phiền toái.

Mọi chuyện sẽ khác nếu phụ huynh đồng tình

Là giáo viên nên tôi đã có nhiều cuộc họp phụ huynh do mình chủ trì cũng như đã nhiều lần là phụ huynh của nhiều cuộc họp cho con, trong các biên bản họp phụ huynh đều có phần dành cho ý kiến của phụ huynh sau việc triển khai tất cả các khoản thu chi của nhà trường. 

Nhưng hầu như chẳng có phụ huynh nào có ý kiến. Sau cuộc họp, giáo viên nộp biên bản họp về nhà trường thường thì hiệu trưởng sẽ tập hợp và xem lại phần ý kiến của phụ huynh để nắm bắt. 

Trong một cuộc họp với sự có mặt gần bốn chục cha mẹ học sinh nếu ai đó có ý kiến, giáo viên cũng không thể biết được đó là phụ huynh em nào bởi chỉ cần nêu ý kiến thắc mắc của mình chứ không buộc nêu họ tên mình, tên học sinh.

Nhiều ý kiến bất đồng không đồng ý đương nhiên những khoản thu không thể tiến hành.

Đó là cuộc họp phụ huynh của tôi cho cô con gái mới vào lớp 10 cách đây ít năm. Khi cô giáo chủ nhiệm của con đưa ra danh sách xin phụ huynh ủng hộ tiền mua máy chiếu cho lớp mức ủng hộ tùy lòng hảo tâm. 

Phải biết lên tiếng, đừng "ngậm bồ hòn làm ngọt" ảnh 2

Tiền trường và Hội đại diện cha mẹ học sinh

(GDVN) - Chuyện lạm thu ở các trường học đã được báo chí nói nhiều, nói mãi và sẽ còn nói nữa khi các trường vẫn lợi dụng xã hội hóa giáo dục để thu thêm nhiều khoản.

Khi giáo viên vừa nói xong lời đề nghị, tờ giấy xin ủng hộ tiền được chuyền xuống.

Một vài phụ huynh gia đình khá giả đồng ý rất nhanh nhưng phần lớn phụ huynh trong lớp đều không đồng tình và cuối cùng chỉ có vài ba người đóng góp. 

Chuyện chỉ dừng đến đó nhưng suốt cả năm học sau đó, con tôi và các bạn của nó cũng không bị nhắc nhở, nêu tên chứ nói gì đến bị thầy cô ‘để ý”.

Thầy cô giáo chỉ là người đang triển khai đến cha mẹ các em những quy định mà hiệu trưởng của trường yêu cầu. Muốn bảo vệ quyền lợi của mình, của con nếu chính mình không có ý kiến liệu có thay đổi được gì?

Đã đến lúc phụ huynh không cần “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà phải biết cùng nhau lên tiếng khi thấy đó là những điều không đúng, không phù hợp. Nếu tất cả đều đồng tình phản đối chắc chắn nạn lạm thu sẽ không còn đất sống.

Phan Tuyết