Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm!

11/09/2016 08:15
Xuân Chiến
(GDVN) - Cần hướng các em đến kĩ năng tự học để học tập suốt đời còn học thêm chỉ khiến các em càng thêm bị động và tốn kém cho các gia đình phụ huynh.

LTS: Sau một thời gian dài Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17, năm 2012 quy định về cấm dạy thêm, học thêm đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trong đó không thiếu những ý kiến phản đối việc cấm dạy thêm với nhiều lý do như xuất phát từ nhu cầu học thêm chính đáng của học sinh, lương thấp của giáo viên, … Chính những tư tưởng này góp phần khiến việc thực hiện Thông tư 17 kém hiệu quả.

Từ đây, thầy giáo Xuân Chiến (từ trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam) đã có bài viết cho rằng dạy thêm, học thêm chỉ khiến học sinh thụ động trong khi cái mà chúng ta cần hướng đến là cho các em biết kĩ năng tự học để học tập suốt đời.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Dư luận đang nhức nhối với vấn nạn dạy thêm, học thêm; gọi là vấn nạn không sai, bởi nó nảy sinh tiêu cực trong giáo dục, gây tốn kém cho phụ huynh và phản tác dụng giáo dục.

Đáng tiếc rằng trong khi dư luận căng thẳng, nhiều địa phương tuyên bố bỏ dạy thêm, học thêm gây ra hai luồng ý kiến trái chiều thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm lại làm... thinh, không có ý kiến can thiệp hay chỉ đạo vấn đề.

Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết: "nếu giáo viên vi phạm dạy thêm sẽ đuổi việc" (Ảnh: vov.vn).
Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết: "nếu giáo viên vi phạm dạy thêm sẽ đuổi việc" (Ảnh: vov.vn).

Có phải Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chọn giải pháp “im lặng” để an toàn?

Học thêm là nhu cầu của học sinh?

Có người nói dạy thêm là nhu cầu thực sự của học sinh. Vậy học sinh là học sinh nào, tất cả học sinh hay bao nhiêu phần trăm? Ai là người thăm dò khảo sát, có khách quan không?

Nhu cầu này liệu có phù hợp với đại đa số phụ huynh là người lao động với tỷ lệ trên 90% có mức thu nhập trung bình và thấp?

Học thêm, dạy thêm biến học sinh thành “cái máy học”, thui chột khả năng tự học, tự nghiên cứu, làm căng thẳng giờ giấc học tập của học sinh, vậy có hợp lý?

Dạy thêm, học thêm do chương trình quá tải, nâng cao kiến thức?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng giảm tải chương trình, ban hành tài liệu “chuẩn kiến thức và kỹ năng”, nếu chương trình vẫn còn quá tải, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiếp tục giảm tải, điều chỉnh chương trình?

Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm! ảnh 2

Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học

Ngành giáo dục cứ loay hoay mãi về chương trình, về Sách giáo khoa và lý do dạy thêm, học thêm do chương trình quá tải đã trở nên quá nhàm và vô lý.

Một số giáo viên cho rằng dạy thêm, học thêm để nâng cao kiến thức cho học sinh, nói như vậy là thiếu trách nhiệm. Chẳng lẽ không dạy thêm, học thêm thì không còn cách nào khác để nâng cao kiến thức cho học sinh?

Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao kiến thức cho học sinh đó là nhiệm vụ thường xuyên của ngành giáo dục, của từng trường, từng giáo viên.

Thiết nghĩ nếu muốn nâng cao chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà, nhà trường chỉ cần bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém là đủ.

Lương thấp nên giáo viên mới phải dạy thêm?

Có một thực tế phải thừa nhận là mức lương trung bình của giáo viên hiện nay thấp.

Nhưng vì lương thấp, giáo viên phải dạy thêm thì đây là một sự ngụy biện rõ ràng nhất. Vậy giáo viên dạy môn phụ, không dạy thêm thì sống thế nào?

Trong khi các ngành khác, cán bộ công chức không hề có phụ cấp thì giáo viên có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, được đào tạo miễn phí (từ năm 2007 đến năm 2021, sinh viên ngành Sư phạm được miễn học phí).  

Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm! ảnh 3

Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy

Tôi xin lấy minh chứng ở Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh lớp mình đang dạy chính khóa, phải phân loại học sinh theo học lực để dạy, không dạy trước chương trình...

Mấy giáo viên làm đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Vậy giáo viên dạy thêm đã sai luật? 

Nếu vì lương thấp mà sai luật thì sao chấp nhận được? Một kế toán tham ô công quỹ khi ra tòa không thể lấy lý do lương thấp để biện hộ cho hành vi sai luật của mình.

Ai phản đối bỏ dạy thêm?

Vấn đề dạy thêm, học thêm bị xã hội lên tiếng từ lâu, không nhận được sự đồng tình từ phía đa số phụ huynh.

Không phải ngẫu nhiên mà thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng quyết liệt “nói không” với dạy thêm, học thêm, thế nhưng khi nghe nói “cấm” nhiều ý kiến đã phản bác, thậm chí có vị Hiệu trưởng ở thành phố Hồ Chí Minh còn khóc trước hội nghị khi nói về cấm dạy thêm.

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy “không cấm” thì người ta “ném gạch”, mà “cấm” thì người là “ném đá”. Do đó, cần lý trí và tỉnh táo trước dư luận xã hội để có cách nhìn nhận đúng đắn, hợp lý nhất.

Người dân lao động không mấy ai ủng hộ dạy thêm, học thêm.

Còn đa số giáo viên do dạy thêm liên quan đến quyền lợi, thu nhập bị ảnh hưởng nên họ sẽ lên tiếng, biện hộ cho chất lượng dạy thêm.

Xin thưa, nếu ai có tâm huyết, lo ngại cho chất lượng giáo dục vì không dạy thêm mà giảm sút thì hãy dạy miễn phí cho mỗi lớp 5 -7 em học yếu nhất, nhân dân sẽ tôn vinh các vị, các vị sẽ đẹp hơn rất nhiều trong ánh mắt học trò!

Hãy để con em chúng ta đi bằng chính đôi chân của mình

Những kỳ thi Đại học vừa qua cho thấy, trong số những em đạt điểm 9, 10 có không ít em ở nông thôn, không học thêm. Bên cạnh sự chăm chỉ, sáng dạ, các em này còn biết tự học, có năng lực tự học.

Đi bằng đôi chân của mình, tự học cả đời, đừng bị động trong các lớp học thêm! ảnh 4

Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao?

Tự học giúp học sinh làm chủ kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, lòng tự tin, sáng tạo, tinh thần chủ động tìm tòi, nghiên cứu.

Tại lớp học, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên trên lớp, học sinh có thể tìm kiếm tư liệu trên sách tham khảo, internet, trao đổi với bạn bè...

Học sinh học thêm không chỉ mất dần những kỹ năng trên mà còn ỷ lại sự trợ giúp, nâng đỡ của giáo viên.

Tóm lại, học thêm hại nhiều hơn lợi, phụ huynh tốn thêm chi phí học tập cho con, học sinh không chỉ bị căng thẳng học hành, không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lực mà còn bị thui chột khả năng tự học.

Các em sẽ thành công hơn nếu rèn luyện được kỹ năng tự học, vậy nên, hãy để con em chúng ta đi bằng chính đôi chân của mình. 

Xuân Chiến