Bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, TP.Hồ Chí Minh thực hiện lệnh cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường. Giáo viên cũng không được dạy thêm ở nhà, mà phải ra trung tâm dạy, có trả lương.
Liên quan đến vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ quan điểm về việc cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Thực hiện lệnh cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, Trường Gia Định đã có những bước chuẩn bị, thực hiện như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Ngay sau khi chính thức nhận thông tin này, ngày 27/8, Trường Gia Định đã họp, phổ biến và nhắc nhở cho toàn thể các giáo viên của trường.
Tới ngày 3/9, khi học sinh của trường tập trung trở lại, thì Hiệu trưởng lại nhắc nhở lại một lần nữa về việc này, nhất là đối với các giáo viên có dạy thêm ở nhà, dạy thêm trong trường.
Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm!(GDVN) - Đây rõ ràng là một hoạt động kinh tế công khai nhưng ngầm về tiền bạc. Nhà nước không thu được thuế từ dạy thêm nhưng phải chịu chỉ trích. |
Quan điểm của nhà trường là Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện, mọi mặt, nên ngay sau lễ khai giảng 5/9, trường họp hội đồng sư phạm, lại tiếp tục phổ biến lại các chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh trong việc dạy thêm học thêm, để ổn định tinh thần anh chị em giáo viên.
Các giáo viên cần phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề sao cho đúng nhất, suy nghĩ sao cho không lệch lạc các chỉ đạo của lãnh đạo. Trường cũng đã nhắc nhở giáo viên bình luận vấn đề này trên mạng cần có chừng mực, đúng đắn.
Quyết định cấm dạy thêm học thêm trong trường là không sai, trường không chống lại quyết định này.
Thế nhưng, trường vẫn luôn mong là cần có một lộ trình nhất định để thực hiện. Vấn đề nào tốt thì cần phải phát huy triệt để, còn chưa tốt thì cần phải chấn chỉnh để khắc phục.
Hiện trường vẫn đang chờ đợi sự thay đổi từ gốc rễ của vấn đề này. Bên cạnh đó, trường Gia Định cũng có những kế hoạch riêng, cụ thể để làm sao chất lượng dạy và học đạt kết quả khả quan nhất cho năm học này.
Ngoài ra, cũng cần phải ổn định tâm lý, giữ nhiệt huyết của anh chị em giáo viên, tránh gây hoang mang cho các em học sinh, vì năm học mới đã bắt đầu.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Lãnh đạo Trường Gia Định đã khẳng định với các anh chị em giáo viên, nếu ai dạy thêm chân chính, xuất phát từ nhu cầu của học sinh, hoàn toàn không có o ép, trù dập thì lãnh đạo sẽ cùng đồng hành với giáo viên trong việc tìm ra một giải pháp tích cực nhất để thực hiện.
Vẫn còn có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau trong vấn đề này. Một bên cho rằng cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường là đúng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên cấm dạy thêm học thêm trong trường, do học tập là quyền của công dân. Ý kiến của cô về vấn đề này như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Trên lý thuyết, quyền được học tập là quyền tự do, cơ bản của công dân là đúng.
Thế nhưng, trên thực tế thì vẫn còn có nhiều trường hợp giáo viên o ép học sinh đi học thêm, nên mới có chuyện cấm của lãnh đạo thành phố.
Các ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này cũng hoàn toàn là rất bình thường. Các nhà quản lý giáo dục cần lắng nghe sự phản ánh của phụ huynh về những tiêu cực trong việc dạy thêm học thêm, và cần phải chấn chỉnh kịp thời. Nếu làm được như vậy thì sẽ không còn có những ý kiến trái chiều, không đánh đồng với giữa những người làm nghề chân chính và tiêu cực.
Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học |
Theo cô, những giải pháp quan trọng mà TP.Hồ Chí Minh hay Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện sau lệnh cấm dạy thêm học thêm này là gì?
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Tôi cho rằng, chương trình của sách giáo khoa không phải là vấn đề chính yếu nhất như chúng ta đã từng nghĩ.
Bởi vì, sách giáo khoa đã được các giáo viên dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục quy định.
Lý do chủ yếu là sách giáo khoa được biên soạn dựa trên sức học của toàn bộ các học sinh, nhưng trên thực tế thì sức phân hóa của học sinh là rất lớn.
Chính vì vậy, nếu giáo viên cảm thấy sức học của các em học sinh quá yếu thì chỉ nên dạy những kiến thức căn bản nhất, còn nếu sức học khá giỏi thì mới nên mở rộng chương trình.
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là là đề thi của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách tư duy ra đề thi. Hiện đề thi như hiện nay thì học sinh bình thường chỉ có khả năng giải được khoảng 50%, còn lại là kiến thức nâng cao thì học sinh phải tự học.
Ví dụ như đề thi như thi trung học phổ thông quốc gia như vừa qua là ngày càng nâng cao, nhiều kiến thức mở rộng bắt học sinh phải làm. Đề thi quá ‘đánh đố’ như vậy, mới khiến cho học sinh phải đi học thêm mới làm được bài.
Ngoài ra, các trường Đại học và Cao đẳng cần phải được trao quyền tự chủ tuyển sinh nhiều hơn.
Mỗi trường sẽ tự đưa ra tiêu chí xét tuyển, dựa vào chất lượng của từng trường, giống như là các trường Đại học có thể để cho đầu vào dễ hơn, nhưng siết chặt đầu ra, hoặc là có thể áp dụng thêm các kỳ thi về năng lực, kỹ năng.
Nếu chúng ta cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, các quyền lợi của học sinh, giáo viên và nhà trường sẽ bị ảnh hưởng ra sao, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Quyền lợi của học sinh sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Lý do, các tỉnh, thành phố khác không cấm, mà chỉ có thành phố ta cấm, thì học sinh rõ ràng là sẽ bị thiệt thòi rất nhiều.
Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi ngay cơ chế thi cử, đánh giá học sinh như hiện nay, thì các em mới không bị thua thiệt so với các tỉnh.
Quyền lợi của giáo viên thì đương nhiên là cũng sẽ có ảnh hưởng. Lý do, nếu có dạy thêm học thêm trong nhà trường thì các giáo viên sẽ có thêm một khoản tiền thu nhập tăng thêm, ổn định cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, có một điều cần phải nói rằng cũng không phải là cứ tăng lương cho giáo viên, thì sẽ không có tình trạng đi dạy thêm học thêm.
Nếu chúng ta không thay đổi từ gốc rễ chương trình, kiến thức, tới cách ra đề thi, cách thi cử, thì học sinh sẽ còn nhu cầu đi học thêm, và giáo viên sẽ vẫn dạy thêm.
Thực ra, nếu không đi dạy thêm, giáo viên có thể mất đi một nguồn thu nhập, nhưng nó không phải là quá căng thẳng, vì họ vẫn có thể đi dạy thỉnh giảng ở các trường khác, hay kiếm nghề khác để làm song song.
Cuối cùng là nhà trường, chắc chắn là nếu không có dạy thêm học thêm thì cũng sẽ bị ảnh hưởng về tài chính, nhưng quả thật nó cũng không phải là quá lớn.
Việc này, Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người quyết định, chi tiêu trong khuôn khổ được cho phép. Các khoản chi không cần thiết sẽ thắt chặt lại trong điều kiện, khả năng tài chính của trường.
Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy(GDVN) - Học thêm giống như một quả táo có độc mà mọi người nhìn vẻ bề ngoài thấy ngon và bổ dưỡng nhưng thực tế nó lại ẩn chứa những điều xấu xa và nguy hiểm! |
Có một vị Hiệu trưởng đã so sánh rằng, tại sao bác sĩ được làm thêm, ca sĩ được đi hát thêm ở ngoài, thì tại sao giáo viên lại không được phép đi dạy thêm? Cô cho rằng, so sánh này có đúng không?
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc: Mỗi người có một chuyện môn khác nhau, chứ không thể ‘đánh đồng’ chung như vậy được.
Bác sĩ mở phòng mạch tư thì cũng phải xin giấy phép, bệnh nhân có nhu cầu thì đến. Ca sĩ cũng vậy, nếu thích đi hát thêm thì khán giả thích nghe cứ đến mà nghe, không ai ép được.
Tuy nhiên, dạy thêm học thêm thì lại khác. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện và công bằng hơn với việc học.
Bên cạnh những trường hợp giáo viên o ép học sinh để dạy thêm, thì vẫn có những trường hợp dạy thêm vì nhu cầu, muốn bồi dưỡng cho học sinh, nên mới có chuyện bị lãnh đạo cấm.
Quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm so sánh này, vì anh là anh, mà tôi là tôi, không thể giống nhau được. Nghề nào cũng có những con sâu riêng.
Nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn những điều chưa tốt, chứ cũng không nên thực hiện việc cào bằng giá trị.
Nên chăng, chúng ta cần đưa ra một giải pháp tổng thể khả quan hơn, vừa giải quyết tối đa nhất những mặt tiêu cực, nhưng cũng phát huy được mặt tích cực, thế thì sẽ thuyết phục được tất cả mọi người.