LTS: Có một thực tế không thể chối cãi là việc đào tạo ngành Sư phạm ở Việt Nam đang thừa quá nhiều chỉ tiêu, gây thất thoát một lượng lớn ngân sách Nhà nước trong khi chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện đại.
Một ngành đào tạo quan trọng ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai của đất nước nhưng lại tồn tại nhiều yếu kém như vậy có tác động tiêu cực, kéo chất lượng giáo dục nước nhà đi xuống.
Bàn về vấn đề trên, thầy giáo Lê Xuân Chiến (một giáo viên ở Quảng Nam) đã có bài viết bàn luận về vấn đề này.
Tòa soạn trân trong gửi đến độc giả!
Có khập khiễng hay không khi so sánh việc đào tạo giáo viên hiện nay ở các trường, cơ sở đào tạo Sư phạm như “dạy bơi”.
Ngân sách đào tạo do Nhà nước gánh, như cái phao mà sinh viên và các trường Sư phạm cố bám lấy; đào tạo xong, sinh viên ra trường thích bơi đi đâu thì bơi.
Thừa mặc thừa, tuyển sinh vẫn ào ạt, thất nghiệp tràn lan!
Theo công bố gần đây nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước đang thừa khoảng 35.000 cử nhân Sư phạm.
Dự báo năm 2020, cả nước sẽ thừa hơn 70 nghìn cử nhân, cụ thể, thừa 41.000 giáo viên Tiểu học, 12.200 giáo viên Trung học Cơ sở và 16.900 giáo viên Trung học Phổ thông.
Đào tạo ngành Sư phạm đang thừa chỉ tiêu, thiếu chất lượng! (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Trong khi đó, hằng năm các trường Đại học và Cao đẳng tuyển thêm khoảng 24,5 - 46 nghìn chỉ tiêu Sư phạm.
Dự báo năm 2020 cả nước thừa 70.000 cử nhân Sư phạm, tuy nhiên năm 2016 vẫn tuyển sinh thêm hơn 65.300 chỉ tiêu, thừa hơn 27.300 chỉ tiêu so với kế hoạch đào thay thế giáo viên về hưu và đào tạo bổ sung giáo viên tăng thêm bình quân hằng năm.
Sinh viên Sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan, Nhà nước lãng phí rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản 10,8% cơ sở đào tạo Sư phạm, các trường còn lại do địa phương và bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu Sư phạm bằng biện pháp hành chính rất khó khăn.
Cuối tháng 5/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phải chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực, trong đó có ngành Sư phạm.
Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh Sư phạm chính quy đào tạo giáo viên Mầm non, giáo viên phổ thông từ năm 2017 phải xác định theo lộ trình giảm để khắc phục tình trạng sinh viên Sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Bằng mọi cách thì hệ thống cũng không "tiêu" hết được số giáo viên thừa |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo dừng đào tạo liên thông, tại chức ngành Sư phạm.
Không phải đến bây giờ mà từ lâu vấn đề dư thừa nguồn nhân lực, “khủng hoảng thừa” giáo viên đã được dự báo.
Từ năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra chỉ tiêu mỗi năm giảm khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh, thế nhưng cho đến nay, mục tiêu ấy chỉ được thực thi ở một số trường Đại học Sư phạm trọng điểm, còn các trường Sư phạm của địa phương, các trường dân lập chẳng giảm chỉ tiêu bao nhiêu.
Thậm chí, việc tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm còn “phình to” ra bởi nhiều trường Cao đẳng Sư phạm đã “phát triển” thành Đại học Sư phạm đào tạo hệ Đại học, lại còn “lưu luyến” duy trì hệ Cao đẳng để tăng nguồn tuyển sinh.
Điều bất cập là trong khi dư thừa như vậy nhưng các trường Sư phạm ngày càng mọc lên như “trăm hoa đua nở”.
Theo thống kê, hiện nay trừ tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn mỗi tỉnh, thành đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở; đồng bằng sông Hồng 26; Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 23; Tây Nguyên 8; Đông Nam Bộ 18 và đồng bằng sông Cửu Long 14, tổng cộng 108 cơ sở/ 63 tỉnh thành.
Trong khi đó, do tỷ suất sinh và quy mô tăng dân số hiện nay giảm đã kéo theo số học sinh, sinh viên giảm dần.
Các cơ sở đào tạo vẫn tuyển sinh ngành sư phạm không ngừng.
Qua thống kê từ số liệu tuyển sinh năm 2016 của 54 trường Đại học (gồm trường Đại học Sư phạm và trường Đại học có ngành Sư phạm), sẽ tuyển mới gần 45.000 chỉ tiêu đào tạo cử nhân Sư phạm, bao gồm sư phạm khoa học cơ bản, sư phạm kỹ thuật và sư phạm giáo dục thể chất.
Những năm qua, sinh viên Sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan.
Chỉ riêng năm 2014-2015, có 35.000 giáo viên Tiểu học và giáo viên phổ thông ra trường không có việc làm.
Năm học 2014-2015, ở cấp Trung học Phổ thông, số giáo viên được tuyển dụng trên tổng số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở một số tỉnh như sau: Cần Thơ 75/518 (14.5%), Bình Định 217/1393 (15.6%), Phú Yên 73/230 (31.7%), Đắk Lắk 100/3000 (3.33%).
TS. Lê Viết Khuyến: Cứ đà này, cử nhân sư phạm sẽ vẫn tiếp tục thất nghiệp |
Tại Quảng Bình hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường nhưng không tuyển một giáo viên nào.
Tại Hà Tĩnh, không tuyển dụng giáo viên trong 4 năm qua.
Tại Quảng Nam, suốt 6 năm qua cũng không tuyển dụng một giáo viên nào.
Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm nên cố học lên Thạc sỹ, những mong cơ hội tìm việc sẽ cao hơn, nhưng trong đó không ít vẫn thất nghiệp.
Cung vượt cầu quá mức, lãng phí rất lớn
Quyết định số 732/QĐ-TTg (29/4/2016) của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”), chỉ đạo đào tạo thay thế số giáo viên nghỉ hưu, khoảng 130.000 người; đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm, khoảng 60.000 người.
Như vậy mục tiêu từ nay đến năm 2020 đào tạo tổng cộng 190.000 giáo viên, bình quân mỗi năm đào tạo 38.000 giáo viên.
Thế nhưng chỉ tính riêng năm nay đã tuyển mới hơn 65.300 chỉ tiêu sư phạm, chênh lệch cung cầu hơn 1.7 lần, thừa đến hơn 27.300 chỉ tiêu.
Sở dĩ thực trạng mâu thuẫn này xảy ra là do hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản 10 trường, khoảng 10,8% cơ sở đào tạo Sư phạm, các trường còn lại do địa phương và bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu Sư phạm bằng biện pháp hành chính rất khó khăn.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn giao chỉ tiêu cho các trường. Việc xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo hoàn toàn do các trường tự chủ.
Bộ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra việc xác định chỉ tiêu có phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng hay không chứ không can thiệp vào việc xác định chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu sư phạm.
Nhóm Việt Cường gửi tâm huyết về đào tạo giáo viên đến Bộ trưởng Nhạ(GDVN) - Cứ thế này thì: Nhân dân ơi! Con cái của Nhân dân ơi! Bao giờ mới có được sự công bằng, liêm chính và trong sáng cho sự nghiệp trồng người cao quý đây? |
Có người nói “sinh ra các trường Sư phạm thì dễ, nhưng cắt bỏ chúng rất khó”.
Sinh ra thì phải “nuôi”, “nuôi” thì phải tuyển sinh, mà tuyển sinh thì thừa và ngày càng thừa.
Thật quá lãng phí, lãng phí từ phía người dân, phụ huynh đầu tư cho con ăn học những mong gia đình có con làm giáo viên, mang lại niềm hãnh diện, tự hào.
Sự thật thì ngược lại, rất nhiều cử nhân Sư phạm không được làm thầy, thất nghiệp hoặc đi làm trái nghề, trái ngành. Nhà nước cũng lãng phí một nguồn chi phí đào tạo khổng lồ.
Bởi theo chính sách ưu tiên của Nhà nước, sinh viên Sư phạm được miễn học phí từ năm 1997 đến 2021 (25 năm). Nếu đem chi phí đào tạo 1 sinh viên sư phạm nhân cho tổng số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp (Đại học và Cao đẳng), sẽ thấy sự thất thoát lãng phí ngân sách cực kỳ lớn.
Chất lượng đào tạo đáng báo động
Nếu bàn về chất lượng đào tạo giáo viên thì thực sự đáng lo ngại, chất lượng đào tạo theo chiều hướng ngày càng giảm.
Nhiều trường Sư phạm thiếu chỉ tiêu, phải “hạ giá”, “vét” thí sinh, hạ điểm sàn để tuyển cho đủ số lượng.
Năm 2015, không ít trường Đại học địa phương, ở nhiều ngành, điểm chuẩn chỉ 12 điểm/ 3 môn (kể cả điểm ưu tiên, nếu có).
Như vậy, trung bình mỗi môn 4 điểm (hoặc xấp xỉ 4 điểm, nếu có điểm ưu tiên) thì đỗ Đại học Sư phạm. Với chất lượng đầu vào thấp như thế, dù phương pháp đào tạo có cao siêu đến đâu cũng không thể “cho ra lò” những cử nhân đủ tiêu chuẩn chất lượng mà xã hội yêu cầu.
Cần nói thêm, mặc dù ngành Sư phạm miễn học phí nhưng vẫn không thu hút được học sinh giỏi vào ngành. Nghề giáo viên thu nhập còn thấp so với nhiều nghề khác, nếu không dạy thêm, giáo viên sẽ không đủ sống.
“Vô chính phủ” trong phân cấp đào tạo khiến khủng hoảng thừa nhân lực sư phạm |
Và đã qua năm 2000 lâu rồi nhưng giáo viên vẫn không thể “sống bằng lương”, không đúng như cam kết của một cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói.
Phải chăng đó là câu trả lời vì sao chất lượng đầu vào ngành Sư phạm ngày càng thấp như vậy?
Vì mục tiêu chung, Nhà nước không chỉ tăng cường giảm chỉ tiêu tuyển sinh Sư phạm hằng năm mà cần thiết phải cắt giảm bớt một số trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm chất lượng thấp, cắt giảm hẳn các ngành Sư phạm trong các trường Đại học không phải chuyên đào tạo Sư phạm.
Các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm không vì chạy theo chỉ tiêu số lượng mà hạ điểm chuẩn đầu vào thấp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một người thợ tồi có thể làm hỏng một sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng vài công trình, nhưng một người thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ”.
Tiêu chuẩn tuyển sinh để đào tạo người thầy phải cao hơn nhiều ngành khác, đó là nguyên tắc bắt buộc.
Các ngành cùng vào cuộc
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số, Tổng cục Thống kê và các ban ngành khác cần phối kết hợp, đưa ra con số dự báo chính xác về cung cầu lao động, quy mô tăng dân số, nguồn nhân lực giáo dục trong hiện tại và tương lai để quyết định quy mô phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên.
Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! |
Riêng, ngành giáo dục cần một “cuộc đại phẫu” mà trước hết phải quy hoạch mạng lưới đào tạo, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo Sư phạm, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tất cả các trường Sư phạm phải quy về một mối, không để tình trạng nhiều cơ sở đào tạo nằm ngoài tầm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay.
Đi đôi với việc “tái cấu trúc” hệ thống đào tạo Sư phạm, tinh giảm, sáp nhập các trường Sư phạm, cần chuyển hướng đào tạo từ mô hình số lượng sang chất lượng đào tạo, tập trung xây dựng các trường Đại học Sư phạm trọng điểm, chất lượng cao.
Đặc biệt, cần chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, làm sao cho “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” như Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng đã đề ra.