LTS: Theo Thông tư liên tịch số 21/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các trường trung học công lập: để đủ điều kiện nâng lương theo bậc học, giáo viên cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2 (tương đương bậc 2 trong 6 bậc, gồm: A1, A2, B1, B2, C1, C2 theo khung trình độ chung châu Âu).
Bàn về quy định này, cô giáo Huyền Phan đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Quy định này khó thực hiện, nhất là với những giáo thế hệ 6x, 7x chúng tôi
Rất nhiều người trong số đó, từ thời còn đi học chưa một ngày được học tiếng Anh nên cũng chẳng biết một chữ bẻ đôi là gì. Chúng tôi không được học và cũng không thấy nó cần cho công việc giảng dạy của mình hiện nay.
Bởi những giáo viên bậc Tiểu học hàng ngày lên lớp chỉ dạy trẻ biết hát, múa, thưa gửi sao cho lễ phép; dạy các bé cách đi đứng nói cười, ăn uống sao cho nhiều, ngủ sao cho khỏe; vui chơi cho an toàn.
Rồi dạy trẻ biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ, dạy những phép tính cộng trừ nhân chia, biết yêu gia đình, quê hương xóm làng, làm những công việc vừa sức… cũng chẳng bao giờ cần sử dụng đến một câu tiếng Anh nào.
Giáo viên tham gia khảo sát năng lực ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc (Ảnh: giaducthoidai.vn). |
Chúng tôi luôn nỗ lực để công việc của mình tiến triển tốt để học sinh của mình đạt chất lượng cao.
Nay bỗng chốc có quy định tất cả giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ mới được chuyển ngạch lương theo hạng (giáo viên Tiểu học có 3 hạng II, III, IV).
Suốt cả ngày, chúng tôi trên trường quần quật với công việc, tối về còn biết bao hồ sơ sổ sách, đồ dùng học tập, bài vở của học sinh…
Muốn có được bằng Anh văn thật sự chẳng dễ chút nào, nhưng đã là quy định thì không thể nào không có?
Bộ Giáo dục giải thích về "ngoại ngữ thứ nhất" và "ngoại ngữ thứ hai" |
Thế rồi, nhiều nơi giáo viên có điều kiện đợi dịp hè khăn gói tất tả xuống thành phố để đăng kí theo học các lớp tiếng Anh cấp tốc. Học thì ít mà lấy lòng giáo viên thì nhiều những mong thi cử “đầu xuôi đuôi lọt”.
Chỉ vài tháng học chơi (nhưng tiền bỏ ra không ít) ai ai cũng có tấm bằng ngoại ngữ “danh giá” để bỏ vào hồ sơ.
Một giáo viên ở Thanh Hóa bức xúc:
“Nhiều người phải học tiếng Anh mấy năm trời còn chưa thấm vào đâu huống gì chúng tôi chỉ được học có mấy buổi như vậy thì làm sao đủ trình độ để thi lấy chứng chỉ? Có bằng ngoại ngữ kiểu này liệu có lợi lộc gì cho học sinh, cho giáo viên? Cho chính công việc dạy trẻ mà chẳng liên quan gì đến ngoại ngữ?”.
Một giáo viên khác lại khẳng định:
“Học tiếng Anh mà không sử dụng hàng ngày vào công việc thì cũng chẳng có tác dụng gì, giáo viên vừa mất thời gian, công sức và tiền bạc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy của mình”.
Thế rồi, giáo viên tỉnh này đi học, giáo viên tỉnh khác cũng đăng kí theo và trở thành trào lưu đi học tiếng Anh lấy chứng chỉ. Nắm được cơ hội này, nhiều trung tâm ngoại ngữ đã về tận các địa phương mở lớp chiêu sinh theo kiểu cấp tốc.
Thôi thì mỗi trung tâm quy định thời gian học để cấp bằng mỗi kiểu; nơi học 3 tháng khoảng 30 tiết, nơi chỉ học 4 tuần với 4 buổi. Chủ yếu giáo viên học thuộc các mẫu câu theo kiểu giới thiệu họ tên, nghề nghiệp, chồng con và sở thích…
Chỉ bấy nhiêu câu hỏi vấn đáp mà ai nấy đều tranh thủ giờ nghỉ để “tụng” đến mất ăn mất ngủ nhưng vẫn quên trước quên sau.
Bộ Giáo dục sắp thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất |
Phần thực hành bài tập thường được ôn trúng tủ nhưng cũng phải mang tài liệu phô tô vào nhìn từng chữ mới hoàn thành nổi bài thi.
Thế rồi, ai ai cũng có cái chứng chỉ Anh văn kẹp hồ sơ cho đủ thủ tục.
Có chứng chỉ tiếng Anh như thế, trình độ ngoại ngữ của giáo viên có được nâng lên? Câu trả lời chắc chắn là “không”, chỉ có các trung tâm là thu lợi lớn.
Nói thế không có nghĩa là phủ nhận việc học ngoại ngữ của giáo viên nhưng nếu học mà không có chất lượng thì thà khỏi học còn hơn.
Nên chăng quy định này chỉ nên áp dụng với những giáo viên thế hệ bây giờ để mọi người có kế hoạch học tập, phấn đấu, nếu muốn làm giáo viên.