Ngày 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" tại 6 điểm cầu (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Vinh).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quá trình triển khai đề án trong thời gian vừa qua do đặt mục tiêu quá cao dẫn đến việc không bám sát đề án; việc áp dụng còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; nhiều địa phương còn thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn.
“Nếu dạy Ngoại ngữ mà không chuẩn thì thà không dạy còn hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Và vẫn còn tình trạng mua bán chứng chỉ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Thùy Linh) |
Từ đó, Bộ trưởng đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm. Nếu những thầy cô yếu quá, khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác.
Thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp với điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho các giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm. Không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ.
Thứ ba, củng cố nâng cao dạy ngoại ngữ. Tránh tình trạng học xong không công nhận, làm thật nghiêm.
“Ngoài ra, đề án 2020 không phải để phục vụ tất cả mọi người nâng cao trình độ ngoại ngữ mà là xương sống, tạo môi trường để học ngoại ngữ, tạo cú hích cho toàn dân.
Chúng ta không đưa ra mục tiêu đến năm bao nhiêu thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng phải tạo được sự thay đổi dần dần” – vị tư lệnh ngành giáo dục khẳng định.
Giải thích về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là “mục tiêu ở thì tương lai xa, đưa ra có tính chất định hướng.
Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được. Ở Singapore, từ khi Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành "ngôn ngữ thứ 2", phải mất 38 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh".
Người đứng đầu ngành giáo dục nói thêm, mục tiêu này không thể đạt được trong vòng 10 năm, 20 năm nhưng khoảng thời gian này sẽ là sự chuẩn bị dần.
Còn nhiệm vụ của năm tới là củng cố, rà soát những việc đang làm. Đây là công việc dài hơi, mỗi bước đi cũng cần có nhìn nhận thấu đáo để tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, hiệu quả thấp.
Năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó ban thường trực đề án 2020 đưa ra những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới.
Thứ nhất tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 Tiểu học, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm).
Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến sáng 17/9 (Ảnh: Thùy Linh) |
Thứ hai, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp.
Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường Cao đẳng và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.
Thứ ba, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ.
Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường Đại học triển khai đào tạo chương trình Tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Đến năm 2020: 70% sinh viên Đại học không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên Đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Thứ tư, tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học.
Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam phù hợp với mục tiêu của từng khóa học.
Thứ năm, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3.[1] Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% .
Thứ sáu, tiếp tục triển khai dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tài liệu tham khảo:
[1]Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.