Sau một thời gian dài hoạt động, tuyến Quốc lộ 51 đã bộc lộ nhiều điểm yếu khi mỗi chiều chỉ có 2 làn xe chạy, tình trạng ùn ứ, mất an toàn giao thông thường xuyên xảy ra.
Trước thực trạng đó, dự án cải tạo Quốc lộ 51 giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2009 theo hình thức BOT và đã được đưa vào sử dụng năm 2013.
Khi được mở rộng, tuyến Quốc lộ này đã giải toả ùn tắc và khơi thông "dòng chảy" hàng hoá cho hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với 8 làn đường cho 2 chiều, hiện nay, tuyến Quốc lộ này như 1 trục xương sống nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh thành trong khu vực tam giác kinh tế phía Nam.
Ngoài chuyện phát triển các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ 51, nó còn kết nối các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như: Long Hải, Hồ Tràm - Xuyên Mộc và điểm du lịch TP.Vũng Tàu.
Những khuất tất quanh dự án Quốc lộ 51 vẫn chưa có câu trả lời(GDVN) - Khuất tất xung quanh việc chuyển nhượng vốn tại Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 khiến Bộ, ngành vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. |
Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động, tuyến đường này cũng bị dư luận lên tiếng về chất lượng hay nhiều khuất tất trong công tác quản lý. Do vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng đã quyết định vào cuộc.
Sai phạm trong đầu tư
Với một loạt sai phạm trong giao thầu hợp đồng BOT như tính toán khối lượng chưa chính xác; lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỷ đồng.
Các sai phạm này đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra và được Thanh tra Bộ Xây dựng chính thức công bố vào ngày 29/09.
Trong kết luận thanh tra chỉ rõ tại dự án Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư đã có những sai phạm như: hợp đồng BOT được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải với BVEC là không đúng quy định của Nhà nước tại khoản 1, Điều 2, Nghị định 78/2007/NĐ-CP.
Bộ Xây dựng công bố kết luận thanh tra dự án Quốc lộ 51. |
Theo ông Chu Hồng Uy - Trưởng đoàn thanh tra, tại dự án này, chủ đầu tư đã tính toán khối lượng chưa chính xác, lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỷ đồng.
Trong đó, BVEC đưa ra phương án vận chuyển vật liệu cấp phối đá dăm từ các mỏ đá thuộc tỉnh Đồng Nai để thi công cho đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa hợp lý, làm tăng giá gói thầu 24,126 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BVEC là doanh nghiệp dự án nhưng không thành lập Ban quản lý dự án là không đúng quy định tại khoản 2, Điều 33, Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quy định trong hợp đồng BOT; hàng năm không lập dự toán chi phí quản lý dự án nhưng vẫn trích kinh phí từ nguồn đầu tư để làm chi phí quản lý.
Trong công tác quản lý chất lượng thi công công trình, kết luận thanh tra nêu rõ, kết quả kiểm định lớp bê tông nhựa của tư vấn độc lập tại gói thầu số 4, từ 45% đến 60% thành phần hạt không đạt yêu cầu, từ 38% đến 90% hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu. Từ đó dẫn đến chất lượng mặt đường không đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật.
Chiều dày lớp bù vênh bằng vật liệu bê tông nhựa thực tế mỏng hơn chiều dày thiết kế từ 44% đến 63% (tại gói thầu 02,07 và 14). Do đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã nghiệm thu sai làm tăng 16,196 tỷ đồng.
Công tác nghiệm thu còn thanh toán sai số tiền 9,456 tỷ đồng tại một số gói thầu do khai tăng khối lượng, áp đơn giá sai và một số nguyên tắc khác.
Phản ánh của báo chí nhiều điểm chưa chính xác
Đối với một số nội dung mà báo chí phản ánh như: “Hai cổ đông là Tổng Công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tự ý chuyển nhượng cổ phần”.
Tuy nhiên, theo kết quả xác minh, các cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác là phù hợp với luật, cụ thể tại khoản 5, Điều 84, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005, quy định:
“Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.
Mập mờ năng lực công ty được ưu tiên chuyển nhượng vốn tại BOT Quốc lộ 51(GDVN) - Được Bộ Xây dựng ưu tiên mua lại phần vốn của cổ đông lớn tại dự án BOT Quốc lộ 51, song những thông tin về năng lực của Công ty Thái Ninh lại khá mập mờ. |
Vì vậy, nói “hai cổ đông là Tổng Công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tự ý chuyển nhượng cổ phần” là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, báo chí còn nêu: “Các cổ đông không góp đủ vốn chủ sở hữu - tay không làm BOT ngàn tỷ”, Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng đây là thông tin hoàn toàn có cơ sở.
Bởi theo quy định của hợp đồng BOT, đến tháng 8/2012 các nhà đầu tư phải huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu là 307 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó các nhà đầu tư mới góp được 73,05 tỷ đồng (đạt 23,8%) còn thiếu 234,52 tỷ đồng.
Việc dự án đến nay vẫn chưa được quyết toán, Thanh tra Bộ cho rằng đã vi phạm theo quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng kiến nghị với Bộ giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan phải kiểm điểm một số tập thể, cá nhân liên quan do thiếu kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư và chủ đầu tư.