LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ những nhận định của ông với tư cách một cán bộ trực tiếp tham gia thực nghiệm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngay từ những năm 1980.
Nhận thấy đây là một tiếng nói từ người trong cuộc ở cơ sở, trực tiếp tham gia quá trình thực nghiệm một cách nghiêm túc, khoa học, có đo nghiệm và đánh giá Công nghệ giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài viết này để rộng đường dư luận và có thêm những góc nhìn đa chiều.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Bắt đầu từ năm 1981, sau 6 năm đất nước thống nhất, Bộ Giáo dục tiến hành Cải cách giáo dục lần thứ 3. Trong cuộc Cải cách giáo dục lần này, ngành Giáo dục phải tiến hành các công việc sau đây:
- Thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trong cả nước từ 10 năm chuyển sang 12 năm.
- Biên soạn chương trình và biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông dùng chung cho cả nước.
- Bồi dưỡng giáo viên dạy sách giáo khoa theo chương trình mới.
- Việc thay sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, thay sách các môn học của lớp 1 xong sẽ lần lượt thay sách tiếp ở lớp 2, tuần tự như thế cho đến lớp 12.
Năm học 1981-1982 bắt đầu tiến hành thay sách lớp 1. Nhưng trước đó 3 năm, Bộ Giáo dục đã thí điểm dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới ở một số tỉnh ở quy mô hẹp.
Mỗi tỉnh chỉ chọn 1 trường thí điểm để rút kinh nghiệm và đi đến hoàn thiện chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy mới trước khi đưa ra triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Ở Nghệ An trước năm 1981, Bộ Giáo dục đã chọn Trường cấp 1 xã Nghi Phú, một xã ngoại ô của thành phố Vinh làm trường dạy thí điểm, chứ không chọn một trường đặt tại trung tâm thành phố để dạy thực nghiệm hoặc dạy thí điểm.
Khi bắt đầu triển khai thay sách Cải cách lần thứ 3, từ một giáo viên dạy ngữ văn của một trường Sư phạm của tỉnh, tôi được Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) điều động về Ty để chỉ đạo việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới của cuộc Cải cách lần thứ 3.
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ảnh: Báo Tuổi Trẻ. |
Tôi đã công tác ở Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh từ lúc đó đến khi tách tỉnh và đổi tên là Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho đến mãi sau này, tính ra đã trên hơn 30 năm.
Việc triển khai thay sách Cải cách giáo dục bắt đầu diễn ra suôn sẻ, toàn Ngành từ Bắc chí Nam đang hào hứng thực hiện dạy học chương trình Cải cách giáo dục ở cấp 1 (nay gọi là bậc tiểu học) và sách lớp 1 (Toán, Tiếng Việt và một số môn học khác).
Triển khai được 3 năm thì đùng một cái, năm 1983 Giáo sư Hồ Ngọc Đại - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm giáo dục Giảng Võ (tiền thân của Trường thực nghiệm Giảng Võ hiện nay), bằng “con đường riêng” đã yêu cầu các tỉnh triển khai thêm chương trình và sách giáo khoa lớp 1 thực nghiệm của ông, trong đó có môn Tiếng Việt.
Nội dung và cách dạy học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khác xa với chương trình và sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đang triển khai.
Việc triển khai thực nghiệm chương trình Công nghệ giáo dục lúc đó không được Bộ Giáo dục đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn, mà để Giáo sư Hồ Ngọc Đại tự liên hệ với lãnh đạo một số địa phương xin “thực nghiệm”.
Xét về phương diện quản lý Nhà nước thì việc làm trên của Trung tâm thực nghiệm Giảng Võ là không hợp lý.
Không thể chấp nhận được cho nền giáo dục của một đất nước chỉ mới 3 năm sau khi tiến hành một công việc hệ trọng là thay sách lớp 1 Cải cách giáo dục, thì lại có người hô hoán thay đổi.
Giáo sư Đại không chỉ hô hào, mà còn thông qua quan hệ cá nhân yêu cầu các nhà trường “thực nghiệm” trên diện rộng 1 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, khác hoàn toàn, để tiến tới thay thế bộ sách giáo khoa Tiếng Việt mà Bộ Giáo dục mới đưa vào triển khai.
Tuy nhiên yêu cầu của Trung tâm Thực nghiệm Giảng Võ đã được một số tỉnh chấp thuận, trong đó phải kể đến hai tỉnh hết sức hăng hái là Tây Ninh với Bắc Ninh.
Riêng thành phố Hà Nội thì không đồng ý thực hiện triển khai thí điểm chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục (trong đó có môn Tiếng Việt) của Giáo sư Hồ Ngộc Đại.
Ở Nghệ An, bằng sức ép của một cơ quan không phải là Bộ Giáo dục, mãi đến những năm 1987 đặng chẳng đừng, chúng tôi buộc phải mở lớp thực nghiệm dạy Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngộc Đại.
Đã không làm thì thôi, nhưng khi đã chấp nhận làm thì chúng tôi thực nghiệm nghiêm túc cho ra ngô, ra khoai.
Đã gọi là thực nghiệm thì phải tuân thủ những nguyên tắc về khoa học. Bản thân tôi đã tham mưu với lãnh đạo Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh thời đó ra quyết định:
Tách Trường Cấp 1- 2 xã Hưng Dũng thành phố Vinh thành 2 trường: Trường Cấp 1 và Trường Cấp 2. Chọn Trường Cấp 1 Hưng Dũng vừa được tách làm trường thực nghiệm.
Sau 2 năm khi Trường Cấp 1 Hưng Dũng đã dạy học thành nề nếp, Ty Giáo dục mới tiến hành khảo sát đánh giá kết quả thực nghiệm một cách bài bản, khoa học và đi tới kết luận:
Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn |
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và phương pháp dạy học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tiên tiến hơn sách Tiếng Việt và phương pháp dạy tiếng Việt theo chương trình Cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục cùng thời điểm. Cụ thể:
- Phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã sa đà vào việc, dạy tiếng Việt cho người Việt theo cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Trên thực tế học sinh khi chưa biết viết chữ Việt, nhưng đến 6 tuổi thì đã hiểu nghĩa của một vốn từ ngữ rất lớn rồi. Chứ không phải như người nước ngoài khi mới học tiếng Việt…
- Muốn dạy một lớp theo Công nghệ giáo dục buộc phải bố trí 2 giáo viên cộng với sự đầu tư chỉ đạo của Trung tâm Thực nghiệm Giảng Võ và cán bộ chuyên môn của Ty Giáo dục.
Nhưng qua khảo sát chất lượng học tập của học sinh không hơn chất lượng học môn tiếng Việt của các lớp 1 dạy Tiếng Việt Cải cách giáo dục hiện hành với chỉ 1 giáo viên đứng lớp.
- Thực tế Việt Nam khó mà đáp ứng yêu cầu mỗi lớp ở cấp 1 bố trí 2 giáo viên cùng dạy một môn. Thực tế này hiện nay đã được làm sáng rõ.
- Tư tưởng giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với nền giáo dục của nước nhà là phải “ Gỡ ra làm lại từ đầu”.
Theo chúng tôi, triết lý đó đã phủ nhận những giá trị văn hóa - giáo dục truyền thống. Trong khi đó chúng ta vừa trải qua một chặng đường khá dài để thực hiện Nghị quyết của Đảng về “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc”.
Dựa vào những kết luận mang tính khoa học như trên của các cán bộ chuyên môn, Ty Giáo dục Nghệ Tĩnh ngay sau đó quyết định ngừng việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ở Nghệ An.
Trường Cấp 1 Hưng Dũng được chuyển sang dạy chương trình Cải cách hiện hành nhưng không gây ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý cho phụ huynh và học sinh.
Cho mãi gần đến 10 năm sau tính từ thời Công nghệ giáo dục được triển khai thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức nghiệm thu chương trình thí điểm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Kết quả nghiệm thu chỉ chấp nhận một phần nào đó của riêng môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chứ không phải toàn bộ chương trình và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của ông.
Nhưng nói đến chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình và sách giáo khoa. Cả hai yếu tố này phải được đặt trong một chỉnh thể, một hệ thống thống nhất trên toàn quốc.
Cho nên từ đó các địa phương không mặn mà với chương trình Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nữa. Mọi chuyện tưởng như xong xuôi.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản biện GS. Hồ Ngọc Đại về công nghệ giáo dục |
Thế nhưng chỉ sau đó ít năm, bộ máy lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thay đổi. Tôi cũng có sự thay đổi công việc 2 năm theo yêu cầu của tỉnh (từ năm 1992 đến năm 1994).
Tháng 9 năm 1994 tôi lại trở về công tác tại Sở. Về cơ quan cũ, tôi bất ngờ khi thấy tỉnh Nghệ An lại cho phép một số huyện tiếp tục triển khai chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tôi có trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở khi đó, tại sao tỉnh ta lại cho tiếp tục thực nghiệm chương trình Công nghệ giáo dục?
Đồng chí cho biết, Nghệ An chỉ cho thí điểm ít trường thôi. Các trường chủ yếu đóng ở địa bàn thành phố và thị trấn.
Cho đến thời điểm này, Công nghệ giáo dục lại được triển khai nhiều trường ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh khác. Tôi lại một lần nữa phân vân.
Tôi tự hỏi, có lẽ nào Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tốt đến mức sau gần 40 năm, đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên có trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn không nhận ra cái tốt của nó?
Chẳng lẽ nó là loại Công nghệ siêu phàm để như chúng tôi, những người đã công tác trọn đời ở một Cơ quan quản lý chuyên môn cấp tỉnh, trực tiếp thực nghiệm tuân thủ đúng quy trình khoa học mà vẫn không nhận ra được chân giá trị của nó?
Ngoài sự phân vân tôi còn cảm thấy buồn và thất vọng.
Thất vọng bởi vì, ngay từ đầu Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã quảng bá Công nghệ giáo dục của ông là tiên tiến, là “máy cày” so với “cày chìa vôi” là chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành, có thể biến đất nước thay đổi từ lạc hậu thành văn minh.
Khi triển khai ở đô thị lớn không ai tiếp nhận, ông mang nó về các tỉnh nông thôn, vùng xa như Tây Ninh, tỉnh miền núi như Lào Cai để “thực nghiệm” khả năng “cải thiện tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số".
Đến lúc điều kiện thuận lợi, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại tìm cách đưa sách của ông từ nông thôn ra thành thị, từ miền núi về miền xuôi, triển khai đại trà và bây giờ con số địa phương sử dụng sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của ông đã lan đến 48 tỉnh thành, mà chưa hề có một kết luận khoa học nào, cũng như sự thẩm định nào của Hội đồng thẩm định theo Luật Giáo dục 2005.