Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn

19/10/2016 10:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Giáo sư Đại nhận xét: "Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức...

LTS: Tiếp theo loạt bài sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, tác giả Hồng Thủy gửi đến quý bạn đọc một khía cạnh bất thường khác nữa.

Đó chính là sự "im lặng của những người tử tế". Một phụ huynh là công nhân chỉ ra hàng tá lỗi nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, trong khi việc triển khai đại trà lộ rõ sự bất thường và có dấu hiệu trái luật.

Thế nhưng người trong cuộc là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển và Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn im lặng.

Và rộng hơn nữa là sự im lặng khó hiểu của các nhà nghiên cứu giáo dục, các tác giả chương trình sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000).

Sau 3 bài viết đặt vấn đề về cơ sở pháp lý, dấu hiệu triển khai đại trà chưa qua thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và phát biểu của ông Đại nói nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giúp ông lách luật, các vị liên quan vẫn im lặng.

Người viết nhận thấy sự im lặng này có điều gì đó không bình thường, bởi các vấn đề đặt ra thuần túy liên quan đến các vấn đề luật định, quy trình học thuật và trách nhiệm giải trình những thắc mắc của dư luận.

Nhưng sự im lặng bất thường ấy không chỉ đến từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển hay Giáo sư Hồ Ngọc Đại, mà còn từ đội ngũ các nhà khoa học, các nhà giáo nước nhà trước hiện tượng này.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên chương trình Đối thoại chính sách của VTV, tham gia cùng ông còn có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (thời điểm ông Luận mới nhậm chức). Ảnh chụp màn mình chương trình của: VTV.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên chương trình Đối thoại chính sách của VTV, tham gia cùng ông còn có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (thời điểm ông Luận mới nhậm chức). Ảnh chụp màn mình chương trình của: VTV.

Tại sao một phụ huynh là công nhân có thể chỉ ra hàng tá lỗi nội dung trong sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mà con chị đang phải học, nhưng bao năm qua không thấy nhà khoa học nào lên tiếng?

Vị phụ huynh ấy đã hỏi đích danh Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng ông không trả lời.

Có phải giới nghiên cứu ngại va chạm với Giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Trên hầu hết các bài báo phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục của ông nói riêng, hay các vấn đề giáo dục nói chung, không khó tìm thấy những mỹ từ ca ngợi, đề cao ông từ giới truyền thông.

Nhưng không ai trong làng giáo dục Việt Nam lên tiếng về những "vấn đề" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cứ để mặc cho Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đến 48 tỉnh thành bất chấp những bất cập về nội dung cũng như quy trình và căn cứ pháp lý cần phải có đang bị nghi ngờ là không chuẩn.

Cũng có hai, ba chuyên gia hàng đầu về giáo dục trong và ngoài nước phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng mới dừng lại ở phương pháp luận, và cũng giới hạn trong khuôn khổ trao đổi cá nhân, nên người viết không tiện trích dẫn.

Còn lại đều im lặng.

Đến nhiều đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phải "gờm" ông thì quả thực Giáo sư Hồ Ngọc Đại phải có nét gì đó đặc biệt.

Và có thể đây cũng là một manh mối tìm kiếm câu trả lời về sự im lặng của giới chuyên môn về sách giáo khoa Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại.

Đọc và nghe những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với truyền thông, người viết nhận thấy không quá lời khi nói rằng ông "chấp", ông "khinh" tất cả những học giả, nhà nghiên cứu về giáo dục nước nhà mà không cùng tư tưởng "Công nghệ giáo dục" của ông.

Ông ví chương trình giáo dục hiện hành là "cày chìa vôi", dù lưỡi cày bằng vàng hay titan đi nữa, cũng không thể sánh với "máy cày" là Công nghệ giáo dục của mình.

Giáo sư Đại nhận xét: "Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa  hão về tương lai. 

Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. 

Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt". [1]

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn ảnh 2

Ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp GS. Hồ Ngọc Đại lách luật?

(GDVN) - Một là, tại sao ông Phạm Vũ Luận sẵn sàng chống lại Nghị quyết số 40 của Quốc hội, trong đó quy định thống nhất cả nước sử dụng một chương trình, một sách...

Giáo sư Đại bình luận về chương trình sách giáo khoa hiện hành, còn gọi là Chương trình 2000: "Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [2]

Ông cũng rất "khéo" khi giải thích với lãnh đạo cấp cao về việc tại sao dư luận lại phản đối Công nghệ giáo dục của mình:

"Có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: “Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất?”.

Tôi trả lời là “Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi”. 

“Tại sao lại thế?” - ông Đỗ Mười ngạc nhiên.

Tôi trả lời: “Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi”.

Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. 

Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc: học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ; học không có thi cử, không có chấm điểm..." [3]

Nền giáo dục Việt Nam dù đạt được những thành tựu không hề nhỏ trong bối cảnh đất nước mới thoát ra từ 2 cuộc chiến tranh, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém cần khắc phục.

Trên con đường thay đổi diện mạo cho nền giáo dục nước nhà, có nhiều ý kiến, quan điểm, cách tiếp cận khác nhau là việc hết sức bình thường. 

Chính điều đó cần có sự trao đổi đa chiều giữa các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và ngay cả học sinh để tìm ra những đáp án tối ưu nhất.

Nhưng lạ một điều là dường như chỉ có mình Giáo sư Hồ Ngọc Đại độc diễn.

Các nhà khoa học khác im lặng, ngay cả khi những nỗ lực của họ bị ông Đại công khai vùi dập trên VTV1:

"Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm." [4]

Chính sự im lặng của các nhà nghiên cứu, các nhà làm giáo dục trước hàng loạt vấn đề liên quan đến Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại khiến dư luận hoang mang, không biết đúng sai, thật giả thế nào.

Và rồi Giáo sư Đại lên tiếng giải thích giúp dư luận trong vụ phụ huynh đạp đổ rào chắn cổng trường Thực nghiệm năm 2012 để nộp đơn xin cho con vào học: Trong hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải "gờm" Giáo sư Hồ Ngọc Đại như thế nào?

Người viết không có ý bất kính, bất nhã với Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi đặt câu hỏi này.

Số là website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập có đăng lại bài phỏng vấn ông của nhà báo Quỳnh Hương, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Vũ Luận trong bàn tròn Đối thoại chính sách của VTV cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại và biên tâp viên Quang Vinh. Ảnh chụp màn hình chương trình của VTV.
Ông Phạm Vũ Luận trong bàn tròn Đối thoại chính sách của VTV cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại và biên tâp viên Quang Vinh. Ảnh chụp màn hình chương trình của VTV.

Trong bài báo này, tác giả nhận xét: "Vị giáo sư có tiếng ngang ngạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ”".

Hay: "Vì tình yêu vô hạn mà nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại dành cho trẻ em, dân chúng đã thương mến gọi ông bằng một chức danh… hết đỗi xoàng xĩnh: Thầy giáo tiểu học Hồ Ngọc Đại." [1]

Còn theo lời Giáo sư Đại trong diễn từ của ông khi nhận giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010 thì, trong các đời Bộ trưởng, ông Phạm Minh Hạc là người phản đối quyết liệt nhất việc mở rộng hoạt động "thực nghiệm" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng cuối cùng ông Hạc cũng chịu thua.

Ông Phạm Minh Hạc chịu thua ông Hồ Ngọc Đại bởi trong một cuộc họp có mặt hai ông, vị lãnh đạo chủ trì kết luận: Nếu đồng chí Hạc muốn tiếp tục làm Bộ trưởng thì phải để cho Trường Thực nghiệm tái lập bậc Trung học phổ thông. [5]

Từ đó trở đi, những tiếng nói phản biện Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng yếu ớt.

Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng bắt đầu "bung" khỏi Trường Thực nghiệm từ đây, có lúc đã lan tới 43 tỉnh thành trong cả nước.

Trong đợt cải cách giáo dục lần thứ 3 năm 1978, từ năm 1979 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hội Nghiên cứu và giảng dạy sách Văn học thành phố Hồ Chí Minh làm một bộ sách riêng.

Ngoài Bắc, Đại học Sư phạm cũng soạn một bộ sách giáo khoa riêng.

Cuối cùng từ Huế trở ra dùng sách giáo khoa của Đại học Sư phạm, từ Huế trở vào dùng bộ sách giáo khoa nói trên của thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội khóa 10 đặt vấn đề, đất nước thống nhất mấy chục năm mà tại sao lại để tình trạng cát cứ vùng miền, mỗi miền một bộ sách giáo khoa?

Năm 2000 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại hì hục chỉ đạo nhập sách giáo khoa cả nước vào một bộ, sau khi Quốc hội ra Nghị quyết số 40. 

Vì thế, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ 43 tỉnh thành lại quay về khuôn khổ trường Thực nghiệm.

Tuy nhiên, ông Đại cho rằng đây là một "âm mưu" nhằm "bóp chết" Công nghệ giáo dục của mình:

"Từ năm học 2001 – 2002, theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, thế là Phương án Công nghệ giáo dục bị “bóp mũi cho chết” một cách hợp pháp." [5]

Nhân đây cũng xin nói thêm về một câu chuyện khác, nhưng có liên quan:

Vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đồng ý cho thành phố Hồ Chí Minh chủ động tổ chức, biên soạn những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội của thành phố, trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông quốc gia của Bộ. [6]

Nếu không thận trọng và nghiên cứu thấu đáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ lại lặp lại câu chuyện Nghị quyết 40 mà Giáo sư Đại than rằng đã "bóp mũi cho chết" Công nghệ giáo dục của ông, Quốc hội sẽ lại phải vào cuộc, sách giáo khoa tách rồi lại nhập.

Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại trở lại lợi hại hơn xưa nhờ cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Điều này đã được Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể nhiều lần trên báo chí.

Người viết cũng đã đề cập đến vai trò của ông Luận trong hai bài:

"Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?""Ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển giúp GS. Hồ Ngọc Đại lách luật?"

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn ảnh 4

Công nghệ giáo dục còn "thực nghiệm" học sinh đến bao giờ?

(GDVN) -Thực nghiệm trên học sinh đã 38 năm, nay còn triển khai đến hơn 40 tỉnh thành, vậy nhưng giáo dục công nghệ vẫn chưa kết thúc. Tại sao lại như vậy?

Ở đây người viết muốn tìm hiểu xem, ông Phạm Vũ Luận "gờm" Giáo sư Hồ Ngọc Đại đến mức nào.

Chữ "gờm" người viết mượn của đồng nghiệp, nhà báo Quỳnh Hương báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn lại từ website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập. 

Trong chương trình Đối thoại chính sách của VTV tham gia cùng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Biên tập viên Quang Vinh thời kỳ ông Luận mới nhậm chức, Giáo sư Đại nói:

"Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm? Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.

Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi. Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.

Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi. Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu.

Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.

Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới (Phạm Vũ Luận) sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế. Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được."

Ông Phạm Vũ Luận khi đó đáp lời: "Điều ấy là khẳng định rồi!" [4]

Để cảm nhận rõ hơn, bạn đọc có thể theo dõi lại chương trình Đối thoại chính sách cùng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [4]

Kể từ đó trở đi, không biết Giáo sư Hồ Ngọc Đại "chinh phục" ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển như thế nào mà khiến hai vị này hết lòng tận tụy giúp ông "thí điểm" Công nghệ giáo dục bằng cách "lách luật", điều được cho là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói trong bàn tròn trực tuyến với báo Vietnamnet.

Đành rằng đổi mới giáo dục cần có suy nghĩ và cách làm mới, nhưng không có nghĩa là nhân danh đổi mới để áp đặt nhận thức cá nhân lên toàn xã hội, học sinh, giáo viên và phụ huynh phải gánh chịu mọi bất cập.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại có lý tưởng, có cách nghĩ, có cách làm của riêng ông và có mong muốn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà là điều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng việc thực hiện nó như thế nào lại là chuyện khác.

Lý tưởng của Giáo sư Đại về Công nghệ giáo dục, có thể là cái ông tưởng là nó có lý, nhưng có thể nó lại phi lý với người khác.

Người viết cho rằng tranh luận khoa học là hoạt động hết sức thiết yếu và cơ bản, nhưng phải trên tinh thần khách quan, cầu thị, hướng tới mục đích chung.

Mọi sự phủ định sạch trơn những gì đã và đang có của nền giáo dục, thiết nghĩ không phải là ứng xử phù hợp của một nhà nghiên cứu, nhà giáo dục.

Và ngược lại, sự im lặng của các nhà khoa học trước vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, thậm chí là công việc của mình như việc Giáo sư Đại phủ định Chương trình năm 2000 là một điều khó hiểu.

Đến đây, người viết vẫn không trả lời được câu hỏi tại sao "những người tốt" như Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói, bao gồm các nhà khoa học, các nhà giáo dục, hơn 500 tác giả của Chương trình 2000 - chương trình sách giáo khoa hiện hành lại im lặng.

Đến lượt Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai ông Phạm Vũ Luận, Nguyễn Vinh Hiển tại sao cũng im lặng nốt trước những câu hỏi mà dư luận đặt ra?

Trước sự im lặng ấy của quý vị, người viết chỉ còn biết lần tìm manh mối từ chính những gì quý vị đã nói và làm, chắp nối lại để bạn đọc là các thày cô giáo, phụ huynh học sinh đang phải dạy và có con em học sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Đại tự tìm cho mình câu trả lời.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng công văn từ ngày 4/10.

Công văn này đề nghị Bộ cung cấp thông tin, làm rõ những thắc mắc của dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục.Tuy nhiên cho đến nay Bộ chưa có phản hồi dù Văn phòng Bộ xác nhận đã nhận được công văn.


Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.cgdvictory.edu.vn/tin-tuc-su-kien/gsho-ngoc-dai-noi-ve-gd/122-giao-duc-thoi-khung-hoang-tan-day

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html

[3]http://cgdvictory.edu.vn/tin-tuc-su-kien/gsho-ngoc-dai-noi-ve-gd/123-truong-thuc-nghiem-hoc-khong-thi-cu-khong-cham-diem

[4]http://gddt.dateh.lamdong.gov.vn/index.php/en/thuvien/video/item/312-aaai-thoaaai-chaanh-saach-aaai-maaai-giaao-daaac-hoaan-chaaanh.html

[5]http://quyphanchautrinh.org/giai-phan-chau-trinh/ChiTiet/762/giai-vi-su-nghiep-van-hoa-giao-duc?nam=44&bc=57

[6]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/320815/hoc-sinh-tp-hcm-se-duoc-hoc-truc-tiep-chuong-trinh-cua-nuoc-ngoai.html

Hồng Thủy