LTS: Trước nghịch lý sinh viên đại học quá nhàn rỗi và rảnh việc, không chú tâm học hành, thầy giáo Trần Trí Dũng có đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng đại học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/11/2016 có đăng bài viết: "Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc" của tác giả Mai Ly, bài báo đã phản ánh việc học ở các trường Đại học Việt Nam quả đúng như lời dẫn của bài báo là càng học lên cao càng nhàn.
Đây là một thực trạng học đại học ở Việt Nam mà dường như đã thành một nếp truyền thống đã có từ rất lâu. Để tiện theo dõi, tôi xin tóm lược lại một số ý chính về thực trạng mà bài viết đã nêu.
Theo đó, chơi cả năm, học một tuần. Đó là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. Sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.
Thay vào đó, nhiều sinh viên quan niệm “mỗi ngày đi học là một ngày… chơi”.
Không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó.
Vì thế, chuyện sinh viên bỏ học, trốn tiết, nhờ người đi học hộ, hoặc có đến lớp thì cũng ngủ, làm việc riêng không còn quá lạ lẫm với giới sinh viên.
Sinh viên đại học ngủ trong giờ. (Ảnh: zing.vn) |
Một phần nguyên nhân của thực trạng này cũng xuất phát từ quy chế học tập, thi cử ở bậc học Đại học, Cao đẳng ở nước ta.
Một sinh viên cho biết: “Học đại học nhàn hơn cấp 3 rất nhiều. Thời gian học thì ít, lại không bị kiểm tra bài cũ hay 15 phút, chỉ có giữa và cuối kì. Bọn mình chỉ thực sự ôn tập bài vở trước mỗi kì thi đó thôi. Còn bình thường thì chẳng bao giờ động đến sách vở, giáo trình”.
Vì thế, trốn học là chuyện bình thường. Với nhiều sinh viên, bút vở dường như là thừa thãi bởi học thì đã có giáo trình.
Không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn.
Nhưng giáo trình thì không thể chỉnh sửa hàng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.
Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở. Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học.
Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước.
Nếu như cấp học phổ thông một môn học kéo dài 10 tháng thì khi lên Đại học, Cao đẳng, một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi, do đó thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên.
Một bạn sinh viên chia sẻ: “Hỏi mình kiến thức cấp 3 như bài thơ này của ai, nội dung như thế nào, công thức tính gia tốc trong Vật lí... mình còn nhớ, chứ giờ hỏi về mấy môn học trên Đại học mới thi xong cách đây 2 tuần thì mình chịu”.
Đó là toàn bộ bức tranh học Đại học của sinh viên Việt Nam và những hệ quả của nó.
Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc |
Chính vì thế mà trong nhiều năm chúng ta đã đặt ra vấn đề chất lượng Đại học, và cũng chẳng có gì là bất ngờ khi mà nhiều cuộc thi tuyển đã không tuyển lựa được những nhân sự thực sự có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
Vậy đâu là giải pháp cho thực trạng này?
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1981/QĐ - TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo cơ hội được học tập suốt đời của người dân.
Theo đó, các chương trình đào tạo phải bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, so với trước kia, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian học cao đẳng thay vì ấn định 3 năm, nay linh động 2 - 3 năm.
Như thế, khi thời gian đào tạo chỉ còn 3 năm không đồng nghĩa với việc cắt giảm nội dung, khối lượng kiến thức đào tạo mà sự rút ngắn này đòi hỏi cường độ học tập của sinh viên phải tăng lên.
Khi đó, buộc các giáo viên phải biết lựa chọn chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, giáo trình cụ thể, không đi lan man như trước.
Phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động.
Sự thay đổi này cũng là một động thái tích cực làm tăng chất lượng học Đại học.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một tác động về mặt hình thức. Về lâu dài thì cần những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nhằm nâng cao chất lượng học Đại học của sinh viên hiện nay.
Vậy đâu là giải pháp thực sự cần thiết cho thực trạng này?
Thứ nhất, cần thiết đổi mới tổng thể hệ thống giáo dục đại học nói chung. Nói đến đổi mới, đó là tổng thể các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng và cách thức thực hiện với một vấn đề nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và có tính chất phát triển hơn.
Đào tạo đại học còn 3 năm không có nghĩa là sẽ giảm chương trình hiện hành |
Mục tiêu của giáo dục Đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.
Đổi mới giáo dục Đại học, trước hết là đổi mới về tư tưởng và triết lý giáo dục, đây là khâu đầu tiên được quán triệt trong các hoạt động dạy học và quản lý giáo dục.
Tiếp đó là khâu xác định mục tiêu giáo dục nhằm đào tạo ra những con người như thế nào, trên cơ sở đó cụ thể hóa và chuẩn đầu ra bậc học.
Sau các khâu trên, mới tổ chức biên soạn khung chương trình và giáo trình mới, xác định chuẩn nghề nghiệp của giảng viên, từ đó quyết định phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
Ở khâu này, kết hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng giảng viên theo định hướng đổi mới của chương trình.
Cuối cùng là xác định hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá. Đây là khâu cuối, khép lại một hệ thống hoạt động giáo dục chặt chẽ, là hệ quả tất yếu từ tất cả các khâu trên.
Vì thế, việc đổi mới gắn liền với khả năng cung ứng nhu cầu xã hội, tăng cường kỹ năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn cần thiết đặt ra đối với đào tạo Đại học.
Đổi mới giáo dục đại học phải đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Về nội dung, giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc; tương ứng với trình độ chung của khu vực và thế giới.
Từ đó, đào tạo trình độ đại học phải bảo đảm cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn tương đối hoàn chỉnh; có phương pháp làm việc khoa học; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn.
Việc đổi mới phương pháp đào tạo trình độ trình độ đại học phải coi trọng việc nâng cao năng lực tự học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, từ đó tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.
Về mặt chương trình và giáo trình đại học, đây là nội dung thể hiện mục tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo phải bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác.
Giáo trình giáo dục đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học phải đáp ứng các yêu cầu về phương pháp giáo dục đại học.
Với những yêu cầu trên, mục tiêu chung của giáo đại học là nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đào tạo người học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
Từ đó, đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.
Đối với việc đánh giá kết quả đào tạo đại học cần theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, năng lực tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc.
Trên cơ sở đó, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ở đây, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
Thứ hai, trong quá trình giảng dạy cần có sự đổi mới về phương pháp tác nghiệp, theo đó các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở nội dung đã học.
Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hàng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học.
Trường báo cáo gian dối số cử nhân thất nghiệp sẽ bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh |
Khi đó, những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm.
Từ đó, sinh viên có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm, và môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn.
Thứ ba, đi liền ngay sau giải pháp trên, là sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học.
Vì thế, giải pháp này được tiến hành ngay sau giải pháp thứ hai. Các bản tiểu luận này sẽ được giáo viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học.
Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy.
Như thế, khi tiến hành thực hiện đồng thời những giải pháp này sẽ làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên, đời sống học hành của sinh viên được sôi động hơn.
Theo đó, sẽ không có chuyện càng học lên cao càng nhàn và không có chuyện khi thi thì mới học, để rồi khi thi xong kiên thức rơi vào quên lãng.
Khi thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi các thầy cô giáo và các sinh viên cũng có sự nỗ lực chung, thúc đẩy hiệu quả giảng dạy và học tập.
Trên đây là một số quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hiệu quả học tập của sinh viên hiện nay để bạn đọc quan tâm tham khảo.
Hi vọng qua đó, chất lượng Đại học nói chung ngày càng được nâng cao, phát huy tinh thần tự giác, tính chủ động, sáng tạo của sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học, từ đó ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, để Đại học thực sự là lá cờ đầu của tri thức, quyết định sự phát triển của đất nước.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và các đề xuất giải pháp của riêng tác giả.