Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc

28/11/2016 07:09
Mai Ly
(GDVN) - Sinh viên đại học học nhàn hạ hơn so với học sinh phổ thông, sau đại học thì đi học cứ như ...đi chơi vậy.

LTS: Có một so sánh thú vị thế này: Học tiểu học, đến trường cặp nặng 7 cân; lên trung học còn 4 cân; đến cấp 3 chỉ còn 2 cân; và, lên đại học đến lớp tay cầm mỗi quyển sách cuộn tròn; sau đại học thì đi học bằng tay không, túi quần có thêm cái điện thoại thông minh.

Như thế, chẳng phải là học càng cao càng nhàn là gì?

Dưới đây, Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của một sinh viên, em là Mai Ly, đang học ở Hà Nội và câu chuyện em nêu ra, phản ánh chính vấn đề nêu trên.

Chơi cả năm, học một tuần

Đó là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng. Sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.

Thay vào đó, nhiều sinh viên quan niệm “mỗi ngày đi học là một ngày… chơi”.

Không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó.

Chuyện sinh viên bỏ học, trốn tiết, nhờ người đi học hộ, hoặc có đến lớp thì cũng ngủ, làm việc riêng không còn quá lạ lẫm với giới sinh viên.

Một phần nguyên nhân của thực trạng này cũng xuất phát từ quy chế học tập, thi cử ở bậc học Đại học, Cao đẳng ở nước ta.

Phạm Văn Sang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp, cho biết: “Học đại học nhàn hơn cấp 3 rất nhiều. Thời gian học thì ít, lại không bị kiểm tra bài cũ hay 15 phút, chỉ có giữa và cuối kì.

Bọn mình chỉ thực sự ôn tập bài vở trước mỗi kì thi đó thôi. Còn bình thường thì chẳng bao giờ động đến sách vở, giáo trình”.

Sinh viên một trường ngủ trong giờ khi thầy giáo giảng bài. (Ảnh: Mai Ly)
Sinh viên một trường ngủ trong giờ khi thầy giáo giảng bài. (Ảnh: Mai Ly)

Trốn học là chuyện bình thường.

Học đại học, bạn có thể đến muộn mà chẳng ai quan tâm, bởi lớp học hàng trăm người và trừ phi bạn là “nhân tài” trong lớp thì mới khiến người khác phải cảm thấy thiếu khi không có bạn.

Tất nhiên, có nhiều thầy cô nghiêm khắc điểm danh thường xuyên, nhưng nếu muốn bạn vẫn có thể qua mắt được hành động kiểm soát này.

Vở có thể thiếu, nhưng không thể không có Smartphone

Với nhiều sinh viên, bút vở dường như là thừa thãi bởi học thì đã có giáo trình.

Không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn.

Nhưng giáo trình thì không thể chỉnh sửa hàng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.

Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở. Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học.

Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc ảnh 2

5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam

(GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải cho rằng, dạy lý tưởng, đạo đức rất nhiều, nhưng hiệu quả thấp đấy là vì nhiều người lớn đang ứng xử tồi.

Bạn Quỳnh sinh viên năm cuối của Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết: “Số lượng vở và bút của bốn năm đại học của mình chỉ bằng một kì của hồi học cấp 3.

Vài chục cuốn giáo trình thì gần như mới nguyên”. 

Đây không phải là chuyện hiếm gặp trong giới sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay.

Chuyện ghi chép nhiều không còn quá quan trọng với sinh viên Việt Nam bởi chúng không thay đổi là bao kết quả của các kỳ thi cuối kỳ.

Kiến thức chỉ gói gọn trong tập đề cương 

Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước. 

Nếu như cấp học phổ thông một môn học kéo dài 10 tháng. Lên Đại học, Cao đẳng một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi, thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên. 

Một bạn sinh viên chia sẻ: “Hỏi mình kiến thức cấp 3 như bài thơ này của ai, nội dung như thế nào, công thức tính gia tốc trong Vật lí... mình còn nhớ, chứ giờ hỏi về mấy môn học trên Đại học mới thi xong cách đây 2 tuần thì mình chịu”.

Đại học, cao đẳng làm bài tập thể 

Khác với thời học phổ thông thì lên Đại học, Cao đẳng các thầy cô đều khuyến khích làm bài tập nhóm.

Phương pháp này nhằm mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của thành viên trong công việc tập thể, rèn luyện cho sinh viên cách làm việc tập thể một cách khoa học.

Nhưng đây cũng là một phương pháp khiến cho sinh viên nhàn, rảnh hơn rất nhiều. 

Vấn đề điểm ở Đại học không đặt nặng như phổ thông

Nếu như học sinh phổ thông luôn cố gắng làm những bài kiểm tra để đạt những điểm số cao nhất như 8, 9 điểm.

Sinh viên đại học lại luôn nghĩ, điểm số không quan trọng chủ yếu là thực tế làm gì và làm như thế nào. Hầu như các sinh viên chỉ mong thi qua môn học với những con số khá hoặc thậm chí là đủ để qua. 

Bạn Lưu Phương Thúy, sinh viên đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, chia sẻ: “Trước khi vào trường mình cũng đặt mục tiêu học hành chăm chỉ, cố gắng nhận được học bổng.

Nhưng sau khi vào học Đại học ý nghĩ ấy của mình dần dần mất đi, hiện tại mình thi chỉ mong qua môn không bị thi lại là được”.
 
Đáng lẽ càng học lên cao thì áp lực cũng như kiến thức càng nhiều, nhưng như những gì ta thấy sinh viên Đại học, Cao đẳng của Việt Nam hiện nay, nhàn hơn học sinh phổ thông rất nhiều.

Sự nhàn ấy thể hiện qua thời gian học trên lớp, đến kiến thức tiếp nhận đều ít hơn. Như vậy liệu sinh viên, thế hệ trẻ sẽ có những gì trong tay để ra trường đi làm nuôi sống bản thân, chứ chưa nói gì là đóng góp cho phát triển đất nước. 

Vẫn biết rằng tấm bằng đỏ khi ra trường là vô cùng giá trị, nhưng sẽ chẳng có thứ gì ý nghĩa và bền lâu bằng chính những kiến thức mà mỗi chúng ta tự thu nhận được sau những năm tháng trên giảng đường có thể giúp gì chính mình sau này.

Mai Ly