Đào tạo đại học còn 3 năm không có nghĩa là sẽ giảm chương trình hiện hành

03/12/2016 07:36
Thùy Linh
(GDVN) - Khi rút thời gian hệ đại học xuống còn 3 năm, buộc các giáo viên phải biết lựa chọn chương trình giảng dạy, giáo trình cụ thể, không đi lan man như trước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1981/QĐ - TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo cơ hội được học tập suốt đời của người dân.

Theo đó, các chương trình đào tạo phải bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Tốt nghiệp hai bậc học THPT hoặc trung cấp, học sinh có thể đi tiếp lên cao đẳng (2 - 3 năm), hoặc đại học theo định hướng nghiên cứu, hoặc đại học theo định hướng ứng dụng. 

So với trước kia, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian học cao đẳng thay vì ấn định 3 năm, nay linh động 2 - 3 năm.

Bậc cao học trước đây đào tạo 2 năm, nay quy định linh hoạt từ 1 - 2 năm, dù là thạc sĩ định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng.

Đào tạo đại học còn 3 năm không có nghĩa là sẽ giảm chương trình hiện hành ảnh 1
Đào tạo đại học 3 năm không đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm nội dung hiện hành (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)

Như vậy, so với trước đây thời gian đào tạo từ cao đẳng, đại học cho tới thạc sỹ đã giảm 1 năm (tùy lựa chọn của các trường). 

Lý giải về những thay đổi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, thay đổi thời gian đào tạo đại học theo hướng rút ngắn sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện có của giáo dục đại học.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành được thực hiện trên nền tảng Luật Giáo dục 2005 và 2009.

Cho đến nay, giáo dục và đào tạo trên thế giới đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải có những điều chỉnh để tương thích, nhằm giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. 

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành được thiết kế theo hướng hội nhập giáo dục quốc tế.

Đó là về cải cách giáo dục đại học châu Âu, đang được các nước trong Cộng đồng châu Âu và nhiều nước khác ngoài khối áp dụng”, Thứ trưởng Ga khẳng định.

Đào tạo đại học còn 3 năm không có nghĩa là sẽ giảm chương trình hiện hành ảnh 2

Tư lệnh ngành giáo dục yêu cầu tránh cưỡi ngựa xem hoa khi phân luồng đào tạo

(GDVN) - “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và xã hội đẩy mạnh phân luồng giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: 

Khi thời gian đào tạo chỉ còn 3 năm không đồng nghĩa với việc cắt giảm nội dung, khối lượng kiến thức đào tạo mà sự rút ngắn này đòi hỏi cường độ học tập của sinh viên phải tăng lên. 

Tuy nhiên, khi rút hệ đại học xuống còn 3 năm, buộc các giáo viên phải biết lựa chọn chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, giáo trình cụ thể, không đi lan man như trước. 

Phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động.

TS.Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, việc đòi hỏi để ngay lập tức các giáo viên chắt lọc những kiến thức chủ chốt nhất để giảng dạy cho sinh viên, đáp ứng đủ nhu cầu thực tế thì cũng còn khá khó khăn vì bối cảnh chương trình đào tạo đại học của nước ta thực sự lỗi thời so với các nước.

TS.Khuyến nhấn mạnh: “Theo tôi, những sinh viên khá, giỏi cần được khuyến khích học vượt để sớm ra trường, học cao hơn nữa. 

Các sinh viên nên cân nhắc kỹ dựa trên khả năng học tập của mình để quyết định học 3 hay 4 năm. 

Nếu không có nhu cầu ra trường sớm thì không nên chọn việc học với tốc độ cao vì rất dễ bị đuối và khó theo kịp chương trình
”.

Thùy Linh