Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào?

22/12/2016 07:14
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Về nguyên tắc cơ bản, giá trị Mỹ và thể chế Mỹ hàng trăm năm nay không cho phép những gian lận trong giáo dục và nghiên cứu được tồn tại.

LTS: Hiện nay, những nhà làm công tác giáo dục đều trăn trở với suy nghĩ dạy đạo đức và giáo dục công dân cho học sinh.

Vậy ở một nước phát triển như Mỹ thì người ta dạy đạo đức như thế nào?

Nghiên cứu sinh chuyên ngành quốc tế giáo dục tại Mỹ - Nguyễn Thị Lan Hương sẽ giải đáp câu hỏi thú vị mà không ít người thắc mắc trong bài viết dưới đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nhân có hội nghị quốc tế về Việt Nam học quy tụ gần 500 nhà nghiên cứu về Việt Nam tuần rồi (15-16/12/2016, ICVS 2016), một thầy Hiệu phó ở đại học Việt Nam có hỏi tôi: “Này, bên Mỹ dạy đạo đức và giáo dục công dân thế nào?”.

Thực sự, tôi cũng ngẩn người ra vì câu hỏi quá thú vị, và vì ngạc nhiên khi có một cán bộ quản lý giáo dục ở Việt nam lại quan tâm đến giáo dục đạo đức ở Mỹ.  

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi muốn chia sẻ mấy điểm chính mà cá nhân tôi được học ở cấp học tiến sỹ và con tôi được học ở cấp 3 của Mỹ về đạo đức.

(Tất cả trình bày này là quan điểm cá nhân và không vì bất kỳ lợi ích nào có liên quan đến nước Mỹ).

1. Tính trung thực và minh bạch

Không ở đâu hơn ở nhà trường Mỹ, họ rất coi trọng tính trung thực và minh bạch, rõ ràng.

Có lẽ chỉ cần đọc thư gửi thầy giáo của A. Lincoln về việc “Thà chấp nhận điểm kém còn hơn gian dối trong học tập” [1] là chúng ta cũng đủ hiểu việc coi trung thực là đức tính hàng đầu trong giáo dục của Mỹ.  

Trong trường cấp 3 hay ở đại học, dù là học sinh hay là nghiên cứu sinh, việc trung thực trong học tập, làm bài, làm báo cáo là một trách nhiệm đầu tiên của bất kỳ người học nào.  

Và trong một xã hội coi trọng con người, tin tưởng vào con người, hệ thống giáo dục, bao gồm từ thầy cô, nhân viên, các tổ chức xã hội luôn tin vào người học.

Nền giáo dục Mỹ đề cao tính trung thực và minh bạch. (Ảnh minh họa, nguồn: wikipedia.org)
Nền giáo dục Mỹ đề cao tính trung thực và minh bạch. (Ảnh minh họa, nguồn: wikipedia.org)

Hệ thống ấy đảm bảo rằng người đi học hiểu rõ trách nhiệm luôn trung thực trong mọi hành động của cá nhân mình.  

Đương nhiên, hệ thống giáo dục của Mỹ cũng có cơ chế để đảm bảo việc người học phải trung thực.

Và nếu bạn không trung thực hoặc có gian dối trong việc học, sẽ có những biện pháp phát hiện và những cơ chế phạt tương ứng.

Lấy ví dụ, khi bạn học cấp 3, bạn có thể tra cứu nhiều tài liệu để viết bài hoặc có thể làm cá nhân hoặc có thể làm chung tập thể.

Tuy nhiên, nếu có những bạn ỷ lại người khác, không tham gia làm cùng nhóm, chắc chắn sẽ không được tính điểm, bởi giáo viên đã có cách kiểm tra việc ai làm những phần nào và đóng góp ra sao cho việc làm bài tập thể đó.  

Hoặc khi học ở cấp tiến sỹ, việc bạn tự giác viết bài luận và copy sách hoàn toàn do bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn copy sách vượt quá mức quy định theo Luật Bản Quyền, máy photocopy/ máy scan tự động sẽ có thông báo gửi đến bạn việc đã vi phạm bản quyền.  

Điều này giúp cho người đọc, người học phải tìm hiểu kỹ về quyền được đọc, được sao chép, được trích dẫn, mặc dù để phục vụ cho nghiên cứu khoa học.  

Tính trung thực và minh bạch đặc biệt được coi trọng khi luật bản quyền tác giả và luật quyền sở hữu trí tuệ ở Mỹ được thực thi rất nghiêm ngặt, tương tự như việc kê khai và nộp thuế ở Mỹ.  

Với xã hội Mỹ, tri thức là tài sản được bảo vệ, tên tuổi và hình ảnh là tài sản được bảo vệ, kê khai thuế là trách nhiệm hàng đầu, nên không thể có bất kỳ ai, nhân danh điều gì vi phạm những quyền hiến định cơ bản này.  

Theo đó, để được bảo vệ, mọi người được khuyến khích và được quản lý bằng pháp luật chặt chẽ, rằng mọi người cần trung thực và minh bạch.

2. Không bắt nạt, dù ở bất kỳ vị trí nào trong trường học và xã hội

Các bạn có thể nhìn thấy hình ảnh dưới đây ở bất kỳ đâu trong hệ thống trường học và xã hội của Mỹ: Cấm bắt nạt (“No bully zone”).  

Tuy nhiên, việc không được bắt nạt khi ở trường cũng rất tương đồng với việc lợi dụng vị trí, sức mạnh của mình ở các vị trí xã hội sau này để trục lợi, để kiếm chác… và điều này là công khai bị nghiêm cấm tại mọi nơi mọi chốn.

Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào? ảnh 2

Ở Pháp dạy đạo đức cho học sinh không bắt phải ngoan hiền, vâng lời

Xã hội Mỹ có rất nhiều các tổ chức trong và ngoài trường, nhằm giúp mọi người hiểu về bắt nạt, những hình thức bị bắt nạt, những cách thức điều trị sau sang chấn tâm lý và tinh thần khi bị bắt nạt…

Ít nhất, các học sinh biết mình cần báo cáo vấn đề bắt nạt của mình đến ai và tổ chức nào sẽ đứng ra độc lập giải quyết.

3. Tử tế: luôn giúp người khác, chia sẻ với người khác trong khả năng cá nhân và đừng làm phiền, đừng xâm phạm tới quyền tự do của người khác

Trong Bài quốc ca Mỹ có dòng chữ rung động hàng triệu trái tim người Mỹ “…Đây là mảnh đất của Tự do và Nhà của Những Con Người Dũng Cảm” [2].  

Trong Hiến pháp Mỹ, quyền tự do của con người là quyền Hiến định, nhưng điều này không có nghĩa là tự do tuyệt đối, mà tự do trong quy định của pháp luật và tự do nhưng không xâm phạm đến quyền tự do của người khác.

Lấy ví dụ, bạn có thể tự do lựa chọn việc bạn không đi học mà không ai có thể ép bạn, nhưng bạn không có quyền đổ rác sang nhà hàng xóm, hay không xếp hàng khi đứng mua hàng.  

Bạn có thể không cần đi bỏ phiếu nếu bạn không hài lòng với chất lượng của các ứng cử viên, nhưng bạn không thể không trả đủ tiền thuế mà bạn đã kiếm được trong năm. 

Chỉ có ở Mỹ, chúng ta được chứng kiến những con người như Bill Gates hay Warrant Buffet sẵn sàng hiến tặng hầu hết tài sản cá nhân để ủng hộ các hoạt động thiện nguyện.

Và điều này được đánh giá như những đóng góp nhỏ bé của những cá nhân không có tên tuổi làm nên những bước ngoặt trong các quy định về quyền dân sự của người Mỹ [3].

4. Chăm chỉ và tự chịu trách nhiệm

Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào? ảnh 3

Môn Giáo dục công dân có chống được vấn nạn bạo lực học đường?


Cả con tôi và tôi ít khi nào được giáo viên nhắc nhở là phải làm bài, nhưng chúng tôi luôn ý thức phải học, và học nhiều giờ hơn so với các bạn học Mỹ, chỉ để có thể theo kịp bài vở.  

Trong lịch sử của nước Mỹ, những nhà khai phá nước Mỹ, những câu chuyện từ thời kỳ đi đào vàng đến những bài học của những lớp người di cư, đã giáo dục nước Mỹ về tính chăm chỉ.  

Đến như anh Tom (Thomas Friedman – tác giả của “Lexus và Cây ô liu”, “Thế giới Phẳng”, “Xin cảm ơn bạn đã đến chậm…”) đã đưa ra một trong năm lời khuyên cho người Mỹ trong thời đại công nghệ này là “Hãy chăm chỉ và sống như một người nhập cư” [4].  

Lịch sử lập nước, cuộc sống luôn vươn lên số 1 thế giới buộc người Mỹ phải chấp nhận việc hoặc chăm chỉ hoặc chả có gì từ rất lâu nay.

Và đến giờ này, tính tự lập, tự chịu trách nhiệm dường như là một “tính cách Mỹ”, theo quan điểm của cá nhân tôi.

Tất cả bốn tính cách trên đây không hề được viết ở bất kỳ đâu trong sách giáo khoa ở Mỹ.

Đây đó, ví dụ trong quy chế học tiến sỹ, trong phần về đạo đức học thuật, mọi người có một số quy định rõ về việc nghiên cứu sinh cần trung thực trong các hoạt động học tập và làm nghiên cứu, nhưng sẽ không chỉ rõ cụ thể là thế nào là trung thực trong từng tình huống.  

Chính vì điều này, trước khi bước chân vào chương trình, các sinh viên và học sinh Mỹ thường được đọc “Student Conduct” (Nội quy/Quy chế sinh hoạt của Sinh viên), mà điều quan trọng nhất chính là “Hãy làm điều đúng đắn ngay từ lần đầu” (“Do the right thing at first”).  

Đây chính là điều tôi thấy thú vị trong cơ chế học tập và xã hội Mỹ, vì “Làm điều đúng đắn ngay từ lần đầu” vừa là khái niệm rộng, vừa là khái niệm khó, nhưng lại rất cụ thể.  

Làm điều đúng có nghĩa là hãy tuân thủ pháp luật, quy định chung, nhưng cũng lại là hãy làm điều gì đúng với lương tâm và bổn phận của bạn.  

Điều này chính là sức mạnh và khả năng thay đổi để thích ứng của Mỹ, như chúng ta vừa được chứng kiến trong bầu cử vừa qua, khi có hàng chục ngàn sinh viên và người dân đổ ra đường để thể hiện thái độ với kết quả bầu cử.  

Trong một phỏng vấn CNN thực hiện, một bạn đã phát biểu “Theo pháp luật, tôi cần tôn trọng thể chế, tôn trọng cơ chế bầu cử Tổng thống. Tôi sẽ tôn trọng Tổng thống trúng cử của mình.

Tuy nhiên, cũng theo pháp luật và Hiến pháp, tôi có quyền thể hiện quan ngại của mình về kết quả bầu cử này, và tôi sẽ nỗ lực hàng ngày để đảm bảo những quyền công dân của mình và quyền được bảo vệ của mọi người được tôn trọng và thực thi”. [5]

Nói như vậy, tôi không muốn tô vẽ gì cho nước Mỹ nhiều chuyện của mình, và nước Mỹ với tinh thần đạo đức trên đây, không có nghĩa không có gian dối, không có xảo trá trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu, không có bắt nạt, không có trốn thuế.

Nhưng về nguyên tắc cơ bản, giá trị Mỹ và thể chế Mỹ hàng trăm năm nay không cho phép những gian lận trong giáo dục và nghiên cứu được tồn tại, với cơ chế phản biện và tự bảo vệ từ nhiều tổ chức độc lập, nằm ngoài hệ thống giáo dục (ít nhất là về mặt hình thức vận hành).

Tài liệu tham khảo:
[1]. Thư gửi Thầy giáo – A. Lincoln – Tổng thống thứ 16 Hoa kỳ.  Tham chiếu http://learningispassion.com/abraham-lincoln-letter-to-his-sons-teacher/

[2]. Quốc ca Mỹ - National Authem – Tham chiếu http://lyrics.wikia.com/wiki/National_Anthem:USA

[3]. Bảy người phụ nữ không được ghi nhận trong lịch sử người da đen tại Mỹ.  Tham chiếu https://madamenoire.com/139400/7-of-the-most-unrecognized-women-in-black-history/

[4]. Bài trình bày của Thomas Friedman ở Trung Tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Globalization of Higher Education Conference.  Tham chiếu https://www.youtube.com/watch?v=MoHiMaZek3U; https://www.youtube.com/watch?v=Xww6-KEBPTE&index=7&list=PLsVk4d_f8-MPCwZfD-HKndwaYtUT1UL6X

[5]. Ý kiến của người dân sau bầu cử ở Mỹ. CNN.  Tham chiếu:  http://edition.cnn.com/2016/11/09/politics/election-results-reaction-streets/ http://edition.cnn.com/2016/11/09/politics/election-results-reaction-streets/

Nguyễn Thị Lan Hương