LTS: Trước thực tế có rất nhiều người thành công mà không cần học cao, thầy Trần Trí Dũng chia sẻ thêm một góc nhìn về sự học, tầm quan trọng của giáo dục trong thời đại mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 10/11/2016 có đăng bài viết "Biết thế, xưa học tại chức còn hơn" của cô giáo Phan Tuyết, trong đó đề cập một số người không được học hành bài bản, thậm chí chỉ học Đại học tại chức nhưng vẫn thăng tiến và được giữ những chức vụ nhất định.
Vì vậy, xin được trao đổi và phân tích thêm về sự học trong một góc nhìn từ thực tế.
Đã từ lâu, người Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Theo đó, sự học của người Việt Nam luôn được xem trọng.
Tuy nhiên, theo suốt chiều dài lịch sử là các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, vì thế về mặt lịch sử người Việt Nam ta đã bị thiệt thòi nhiều so với các dân tộc khác.
Điểm thiệt thòi lớn nhất là đa phần người dân không được học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thành công của con người hiện đại. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Cho tới khi hoà bình lập lại, đất nước được thống nhất, sự học của người Việt Nam đã được quan tâm và đầu tư bài bản hơn.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm là một nước nghèo đi sau nên sự học của người Việt Nam trong một khoảng thời gian là trông mong vào sự giúp đỡ của các nước bạn đi trước, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.
Cho đến nay, sự học của người Việt Nam đã được đầu tư và quan tâm nhiều hơn.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn.
Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; về cơ bản đã bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhanh, hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học và sau đại học.
Cơ sở trường, lớp từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ.
Đừng biến trường học thành “cái chợ bán chữ”! |
Công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực.
Hợp tác quốc tế được mở rộng. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục ngày càng tốt hơn.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng.
Lực lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh, góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo.
Đó là cái nhìn tổng thể vĩ mô đối với sự nghiệp giáo dục trên phạm vi cả nước.
Ai cũng biết sự học là quan trọng. Tuy nhiên, trong một góc nhìn từ thực tế, có những người không được học hành và đào tạo bài bản nhưng họ vẫn lao động và hoàn thành tốt công việc, thậm chí có những người còn giữ những chức vụ cao.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao lại có hiện tượng này, trong khi vấn đề giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu?
Trước hết, cần thiết phải điểm qua mục tiêu của giáo dục trong yêu cầu của hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản.
Giúp học sinh phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân.
Mục tiêu đó còn là việc chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (theo điều 27 Luật giáo dục).
Và mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân.
Đào tạo những con người có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đào tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo (theo điều 39 Luật giáo dục).
Như thế, với những mục tiêu này, người học được nắm vững kiến thức cơ bản chung, nhưng khi vào thực tiễn phải có sự vận dụng linh hoạt.
Tuy nhiên, trong thực tế có những người học trong trường lớp tuy không giỏi, thậm chí không qua đào tạo bài bản nhưng họ vẫn thực hiện tốt công việc.
Đó là do họ biết tích lũy kinh nghiệm và giỏi trong thực tiễn. Trên thực tế, một minh họa điển hình mà chúng ta thấy đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.
Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Bản thân Bác cũng là tấm gương lớn về việc tự học. (Ảnh: Tư liệu do tác giả gửi) |
Bác không phải là người học cao, nhưng ở Bác lại có một tinh thần tự học, và tự đúc kết trong thực tiễn.
Với khả năng thiên bẩm, Bác đã đi khắp năm châu để học hỏi trong thực tiễn, từ đó tìm ra chân lý trong con đường cứu nước.
Nói rộng ra trong thực tế, nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta không có học vị cao nhưng vẫn giữ những trọng trách đối với đất nước.
Đặc biệt là khi mới kết thúc chiến tranh, nhiều vị lãnh đạo không được qua đào tạo bài bản nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao.
Bởi lẽ, ở họ đã có sự tôi luyện trong thực tế, có đầu óc sáng tạo trong thực tiễn, họ có những tố chất thông minh và khả năng quản lý hơn hẳn những người khác ít nhất là một "cái đầu".
Sự học nói chung chỉ cung cấp cho người học những kiến thức và nguyên lý cơ bản, vấn đề là sự vận dụng trong thực tế.
Chính vì thế, có những người tuy học không giỏi nhưng trong thực tế lại rất giỏi nên được nắm giữ những chức vụ cao.
Một thí dụ điển hình về những người giỏi trong thực tế đó là tỷ phú người Mỹ Bill Gates.
Khi học đến năm thứ 2 của Đại học Harvard danh tiếng, ông đã bảo lưu kết quả, tạm dừng việc học để đi làm kinh doanh rất thành công và trở thành người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là, Bill Gates vẫn rất coi trọng việc học, cụ thể là sau khi thành công trong kinh doanh, ông đã quay trở lại trường để học tiếp lấy bằng Đại học.
Nhưng có một điều phải thừa nhận ở đây là số những người giỏi trong thực tế mà không qua đào tạo bài bản cũng chỉ là một số ít hơn so với người được đào tạo bài bản.
Triết lý giáo dục Việt Nam qua phân tích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước ta đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Sự học của người Việt Nam nói chung luôn được xem là quan trọng.
Vì thế, ở đây nếu phân tích kỹ hơn, trong trường hợp thành công của Bill Gates, nếu không học đến năm thứ 2 của Đại học Harvard thì liệu ông có thể thành công như thế được không?
Chính vì thế mà sau khi thành công trong kinh doanh ông vẫn quay trở lại trường để học tiếp lấy bằng Đại học.
Và hiện nay trong xã hội, những người tài giỏi đa phần vẫn là những người được học hành đầy đủ và qua đào tạo.
Giữa lý thuyết và thực tế nhiều khi có những khoảng cách nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.
Giỏi ở trường lớp không thôi chưa đủ mà còn cần phải giỏi trong thực tiễn với nhiều những yêu cầu khác nhau.
Con số hơn 190.000 cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ thất nghiệp ở một góc độ nhất định khiến cho chúng ta không thể không băn khoăn về chất lượng đào tạo đại học hiện nay.
Việc đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành khi thực hiện công việc trong thực tế cũng là một trong những nguyên gây ứ đọng công việc, kéo dài tình trạng thất nghiệp như hiện nay.
Tuy nhiên, từ sự phản ánh trong bài viết của cô giáo Phan Tuyết, cũng phải thừa nhận là trong thực tế hiện nay vẫn có những người do những mối quan hệ thân thuộc, ô dù, được chống lưng mà trở thành cán bộ lãnh đạo, được giữ chức vụ.
Đó cũng là một thực trạng "chọn người nhà mà không chọn người tài" đang diễn ra mà báo chí cũng đã phản ánh nhiều trong thời gian qua.
Chính vì thế, trong sự học cần có cái nhìn khách quan và toàn diện, đặc biệt là khi mà Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Một trong những khía cạnh của sự đổi mới ấy vẫn là học phải thích hợp với hành, lý thuyết phải gắn với thực tiễn với những yêu cầu cơ bản nhất, mà ở đây người học vẫn đóng vị trí trung tâm trong quá trình truyền nhận kiến thức.
Nắm vững các yêu cầu của sự học, xác định đúng các yêu cầu của đổi mới thì công cuộc đổi mới của Đảng và và Nhà nước ta mới có thể thành công tốt đẹp.