LTS: Câu chuyện về lễ hội được nhắc đi nhắc lại sau Tết như một điệp khúc buồn khi những câu chuyện về cách ứng xử xấu xí của người Việt nơi công cộng được phơi bày.
Qua những câu chuyện về lễ hội, tác giả Trương Khắc Trà chia sẻ quan điểm về những biến tướng xung quanh văn hóa lễ hội, văn hóa ứng xử của nhiều người dân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đến hẹn lại lên, cứ sau mỗi dịp lễ, Tết thì câu chuyện chen lấn, xô đẩy và vô vàn những câu chuyện phản văn hóa khác lại “nóng” trên mặt báo cũng như các diễn đàn xã hội.
Bộ Văn Hóa “nhường” Thủ tướng hay lại “nhường nhiệm kỳ sau”? |
Cũng vẫn điệp khúc cũ: lên án người tham gia lễ hội, trách móc cơ quan chức năng, báo động sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nhưng thiếu đi những giải pháp căn cơ.
Cố nhiên, để xảy ra tình trạng mất trật tự, “buôn thần bán thánh”, “hối lộ thần linh”… tại các địa điểm tâm linh là trách nhiệm hàng đầu thuộc về các cơ quan quản lý văn hóa từ cấp Bộ đến Sở và Phòng.
Tại sao càng ngày tình trạng này càng nghiêm trọng? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không may để xảy ra chết người?
Và mối nguy xa hơn là rồi đây những lễ hội mang bản sắc văn hóa Việt sẽ chết dần chết mòn, kéo theo sự sụp đổ của “ấn tượng Việt Nam” trong con mắt của du khách nước ngoài.
Cảnh tranh cướp lộc ở lễ hội chùa Hương. (Ảnh: zing.vn) |
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi về quê bằng tàu hỏa, ngồi cạnh nhóm du khách người Anh, Phần Lan, Aixơlen, đi tàu vào dịp cận Tết ở Việt Nam thì khỏi phải nói về độ chen chúc, nhung nhúc toàn người với người.
Những vị khách Tây kia hết tròn mắt ngạc nhiên đến há hốc mồm nhún vai, tôi còn nghe thấy tiếng thốt lên khe khẽ “no”, “no”, “no”, “oh my God”… khi họ chứng kiến nhân viên phục vụ trên tàu đẩy xe bán hàng cán vào chân hành khách, những người Việt đè lên nhau giành chỗ, nằm la liệt giữa lối đi, chui vào gầm ghế ngủ ngon lành…
Nhưng có lẽ vì lịch sự, họ lại xì xồ vào tai nhau rồi lại đeo tai phone. Thi thoảng khi dừng tránh những đoàn tàu ưu tiên họ lại ngạc nhiên nói “Why” = tại sao?.
Sự ngạc nhiên của những du khách Tây như kiểu họ lạc vào một thế giới hoàn toàn khác với những gì họ thấy ở đất nước họ.
Không biết nếu du khách Tây chứng kiến cảnh cướp lộc, giật lộc tại chùa Hương mới đây họ sẽ nghĩ gì?
Hay là chúng ta chẳng cần quan tâm người khác nghĩ gì về mình!?
Theo thống kê năm 2009 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập [1].
Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành nghề, địa phương, đơn vị, dòng họ... Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân khoảng mỗi giờ đồng hồ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức.
Người viết không đổ lỗi cho lễ hội vì lễ hội không phải nguyên nhân căn bản dẫn đến chen lấn xô đẩy, lễ hội chỉ là cái cớ để người ta thể hiện bản năng sinh tồn thấp thỏi.
Không có lễ hội người Việt vẫn thường xuyên chen lấn xô đẩy khi xếp hàng làm thủ tục hàng không, chờ thanh toán ở siêu thị, mua vé tàu xe, lên xuống các phương tiện công cộng…
Có người bảo phải dẹp bỏ bớt lễ hội để giải quyết tình trạng "méo mó văn hóa".
Đây là giải pháp cùn vì lễ hội chính là nơi tái hiện lại lịch sử cha ông để con cháu hậu thế nhìn vào đó biết được gốc tích của mình, hơn thế đó cũng là dịp tri ân các bậc khai quốc công thần.
Là người Việt không thể không biết đến 18 vị vua Hùng, đến Hưng đạo Đại vương - Trần Quốc Tuấn, đến đền Trần…
Vấn đề ở đây là làm sao vẫn giữ được lễ hội mà hạn chế chen lấn xô đẩy, dẹp nạn “dịch vụ” cò mồi tại các địa điểm tâm linh, ai cũng biết nhiệm vụ này trước hết không thuộc về người dân.
Sâu xa hơn là nhiệm vụ xây dựng con người mới, văn minh, lịch sự, hiện đại, không có một quốc gia văn minh giàu mạnh nào mà không được tạo nên bởi những công dân tiên tiến.
Người Việt thường nhìn qua Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc với con mắt thèm thuồng, câu chuyện “cái bã kẹo cao su” ở đảo quốc Sư tử được kể đi kể lại, cũng tương tự như vậy nhưng vì sao việc cấm xả rác ở Việt Nam còn khó hơn… lên trời!?
Chen lấn xô đẩy và biến tướng văn hóa ở các lễ hội chỉ là hệ quả của một xã hội ngày càng thiếu tính nhân văn, coi trọng vật chất.
Ở đó, cái sự “giàu” chỉ được đong đếm bằng số lượng tiền trong tài khoản, mức độ lớn bé của ngôi nhà và sự sang trọng của bộ áo quần, xe cộ…
Đến lượt nó những con người chỉ biết làm giàu bản thân mình bằng đồng tiền liên tục “bồi bổ” cho cá nhân những đức tính ích kỷ, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích cộng đồng, thấy mọi việc của xã hội là việc của ai đó chứ không phải của mình.
Khi bước ra đường những con người đã trang bị cho mình “tấm áo choàng vị kỷ” luôn bất chấp tất cả để bảo vệ lợi ích cá nhân, họ sợ bị thiệt thòi, sợ bị mất phần… bởi vì chính cha ông ta cũng đã đúc kết “trâu chậm uống nước đục”, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”!
Bên cạnh sự méo mó của văn hóa ứng xử nơi công cộng không loại trừ “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực văn hóa, gần 8.000 lễ hội được tổ chức hàng năm không thể qua mặt các cơ quan quản lý.
Nói cách khác mỗi lễ hội được tổ chức phải được cấp phép, bên cạnh đó các loại hình “dịch vụ” từ đồ lễ đến giữ xe, cò mồi đủ thứ trên trời dưới đất không phải ai cũng có “cơ may” để chễm chệ kinh doanh trong khuôn viên lễ hội!
Theo tính toán, 7 lễ hội hàng đầu ở Việt Nam như Lễ hội đền Hùng, Lễ hội chùa Hương, hội đền Gióng… thu hút khoảng 16 triệu lượt du khách tham gia, số tiền từ các loại hình dịch vụ thu về không hề nhỏ.
Đây cũng là động lực hàng đầu để các cơ quan quản lý mở rộng tổ chức lễ hội, thậm chí trần tục hóa lễ hội, buôn bán thần linh…
Sự méo mó của văn hóa ứng xử nơi công cộng đang diễn tiến với mức độ ngày càng trầm trọng, mọi việc cứ đến hẹn lại lên rồi làm nóng dư luận xong xuôi lại chìm xuồng, chẳng ai buồn quan tâm chỉnh sửa.
Đến khi nào những lễ hội mới trật tự trở lại? Đến khi nào thần linh được trả về với chức năng vốn có? Đến khi nào mới có câu trả lời?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://nongnghiep.vn/day-ap-le-hoi-nhung-khoang-toi-phia-sau-post186872.html