Trong lúc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương dừng triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển về dạy mầm non để giao cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thì tỉnh Thanh Hóa vẫn "hiên ngang" mở lớp đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương dừng chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn) |
Thực hiện Quyết định số 5094/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển dạy mầm non, tiểu học năm học 2016 - 2017, sau khi thống nhất với Đại học Hồng Đức, ngày 29/12/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển.
Nỗi thống khổ của giáo viên bị điều chuyển đi dạy mầm non ở Ngọc Lặc(GDVN) - "Nhiều cô giáo Toán, Văn, Sử, trình độ cử nhân phải xuống nhặt rau, rữa bát tại các trường mầm non. Qua tìm hiểu cho thấy sức chịu đựng của họ đã vượt ngưỡng". |
Thời gian dự kiến tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đợt 1 từ ngày 13/2 và đợt 2 từ ngày 27/3/2017.
Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 diễn ra vào ngày 14/1/2017 với 63 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở để điều chuyển sang dạy mầm non, tiểu học.
Đồng thời Bộ giao cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho những giáo viên trung học cơ sở điều chuyển dạy tiểu học và mầm non để triển khai thống nhất trong toàn quốc theo phương thức học tập trung kết hợp với trực tuyến, vừa học vừa thực hành nghề nghiệp tại các trường mầm non, tiểu học.
Ngay sau đó, ngày 16/1/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn về việc tạm dừng triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học năm học 2016-2017.
Rõ ràng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng “gửi gắm” nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lại có văn bản số 1607/UBND-VX yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên điều dạy mầm non.
Thực hiện yêu cầu này, với mong muốn để giáo viên trung học cơ sở điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học được trang bị kịp thời những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản của cấp học, có thể thực hiện tốt công tác giảng dạy bậc mầm non, tiểu học, ngày 23/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp trường Đại học Hồng Đức triển khai tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học.
Dồn dập chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 14/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có công văn số 1415/UBND-VX chỉ đạo khẩn trương tổ chức bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học năm học 2016-2017.
Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (Ảnh chụp màn hình) |
Thực hiện chỉ đạo này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ra công văn số 397, ký ngày 3/3/2017 thông báo việc nhập học lớp đào tạo, bồi dưỡng đối với các giáo viên trung học cơ sở về dạy mầm non và tiểu học bắt đầu từ ngày 9/3.
Lớp bồi dưỡng được chia làm 2 đợt, tập trung học tại 2 cơ sở trường Đại học Hồng Đức. Đợt 1 bắt đầu từ ngày 9/3. Đợt 2 từ ngày 17/4. Mỗi đợt học kéo dài 1,5 tháng (ngày học 2 buổi).
Dừng chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non(GDVN) - Ngày 3/3, Bộ GD&ĐT phản hồi về việc điều chuyển giáo viên dôi dư từ bậc phổ thông xuống dạy mầm non, khiến dư luận lo ngại thời gian qua. |
Trong khi, cùng ngày đó (ngày 3/3), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu chấm dứt tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư (chỉ được bồi dưỡng trong thời gian) ngắn xuống dạy bậc học mầm non.
Ấy thế mà, chiều 9/3, khai giảng lớp đào tạo giáo viên tại trường Đại học Hồng Đức vẫn diễn ra bình thường. [1]
Phải chăng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang làm “ngơ” trước yêu cầu, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Bởi, đến chiều 10/3, thông tin với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang trong quá trình xử lý thông tin của tỉnh Thanh Hóa chứ chưa có văn bản đồng ý cho tỉnh này triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong việc điều chuyển giáo viên.
Lúc này, dư luận không khỏi băn khoăn, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Thanh Hóa cứ liên tục “thúc ép” Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc theo công văn của tỉnh mặc dù yêu cầu đó “đi ngược” với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/dieu-chuyen-giao-vien-pho-thong-day-mam-non-thanh-hoa-khang-lenh-bo-giao-duc-360629.html
Thông tin tại Hội nghị sơ kết học kì 1 diễn ra ngày 14/1 tại Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa - Phạm Thị Hằng cho rằng, nguyên nhân trước hết trong việc bố trí đội ngũ giáo viên thừa thiếu là vướng ở cơ chế quản lý. “Nghị định 115 của Chính phủ đã nêu rõ chức năng, quyền hạn của các Sở Giáo dục và Đào tạo trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của các phòng giáo dục. Thế nhưng khi thực hiện thì rất khó cho các địa phương. “Các giám đốc Sở vẫn nói đùa với nhau, hai thứ quan trọng là con người và tiền thì do Sở Nội vụ và Sở Tài chính nắm giữ. Còn về chất lượng giáo dục thì Sở Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm. Cho nên tất cả vướng mắc đó rất khó khăn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo”, bà Hằng chỉ rõ. “Toàn bộ quyền quản lý đội ngũ cán bộ công nhân viên được giao cho chủ tịch huyện. Chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra là của Sở Nội vụ, phân bổ tài chính là Sở Tài chính, còn Sở Giáo dục và Đào tạo thì chỉ chỉ đạo chuyên môn” – nữ giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nêu ý kiến. |