Thanh Hóa “đi ngược” yêu cầu của Bộ Giáo dục
Hiện Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người. Tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non.
Tại hội nghị hôm 14/1, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, từ năm 2011 - 2016 chỉ tiêu biên chế của Thanh Hóa “đóng băng”, trong khi số lượng học sinh thì biến động tăng giảm.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết thêm, việc Sở Nội vụ làm chưa hết trách nhiệm, chủ tịch huyện hợp đồng sai quy định dẫn đến hiện tại Thanh Hóa có 5.000 giáo viên hợp đồng, thừa giáo viên trung học cơ sở, thiếu giáo viên tiểu học và mầm non.
Để giải quyết tình trạng thừa thiếu, tỉnh này chỉ đạo quyết liệt việc điều chuyển giáo viên trung học cơ sở xuống tiểu học và mầm non, khi đó tỉnh Thanh Hóa giao cho Đại học Hồng Đức xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng các giáo viên được điều chuyển xuống dạy tiểu học và mầm non để trình lên Sở Tài chính cấp kinh phí.
Bà Phạm Thị Hằng (đứng)- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nêu bất cập của chuyện tuyển dụng giáo viên. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trước đó, để giải quyết nhu cầu thiếu giáo viên ở 2 cấp học này, ngày 29/12/2016, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định 5094/QĐ- UBND về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển dạy mầm non, tiểu học năm học 2016 - 2017.
Đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ là trường Đại học Hồng Đức
Theo đó, để trang bị cho giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học có đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sư phạm và phương pháp dạy học, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của bậc Mầm non và Tiểu học, số giáo viên này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian 6 tuần theo hình thức tập trung tại Trường Đại học Hồng Đức (Thành phố Thanh Hóa).
Tổng kinh phí cho khóa đào tạo, bồi dưỡng khoảng hơn 3 tỷ đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2016, 2017.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải "tuýt còi" lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, do tự ý chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mà chỉ đào tạo lại trong vài tuần.
Nỗi thống khổ của giáo viên bị điều chuyển đi dạy mầm non ở Ngọc Lặc |
Bởi theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, việc tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên phổ thông thuộc diện điều chuyển trong 5, 6 tuần là chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Đến ngày 3/3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo.
Bộ đưa ra giải pháp đào tạo bằng 2 sư phạm mầm non cho những người tốt nghiệp chương trình sư phạm bậc phổ thông.
Bộ đã giao Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường sư phạm nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn. Hiện, nội dung này được chuyên gia góp ý kiến, thẩm định.
"Giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất.
Do vậy, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển người học không đáp ứng yêu cầu cơ bản", thông báo của Bộ nêu và nhấn mạnh chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
Hơn nữa, tại hội nghị với 63 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo, sẽ thống nhất một chương trình bồi dưỡng chuyên môn trên toàn quốc dành cho các giáo viên điều chuyển, tránh tình trạng mỗi trường đưa ra một chương trình.
Trong khi, nội dung chương trình bồi dưỡng chuyên môn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua thì chiều 7/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của nhiều giáo viên dạy bậc trung học cơ sở nhưng bị điều chuyển xuống dạy bậc mầm non ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa (ảnh bạn đọc cung cấp). |
Giáo viên phản ánh, vừa qua Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Tuấn đã kí quyết định điều chuyển 28 giáo viên đi học lớp nghiệp vụ mầm non với thời gian học 1,5 tháng (tương đương với 6 tuần), bắt đầu từ ngày 9/3 tất cả các giáo viên trung học cơ sở phải có mặt tại Cơ sở 2, Trường Đại học Hồng Đức, Thành phố Thanh Hóa để học tập.
Thiết nghĩ, phải chăng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo "tuýt còi" lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa chưa đủ sức răn đe, thế nên mới có chuyện Bộ yêu cầu dừng việc điều chuyển giáo viên nhưng lãnh đạo huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục làm.
Điều chuyển trên tinh thần tự nguyện
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các Sở Giáo dục và Đào tạo diễn ra hôm 14/1, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thẳng thắn nhìn nhận tình trạng dôi dư, thừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.
Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)...
Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).
Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển này chỉ là giải pháp tình thế.
Bởi lẽ, về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng, do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.
Đại diện Bộ khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư cần phải căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô.