Vừa rồi, nhiều câu chuyện hiệu trưởng chuyên quyền khiến dư luận rất bất bình. Chỉ đến khi báo chí đưa tin rầm rộ, cơ quan chức năng vào cuộc thì mọi việc mới được sáng tỏ.
Trường hợp bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội hay bà Phạm Tố Uyển, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực Ba Đình, Hà Nội là ví dụ điển hình.
Qua các câu chuyện trên, nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao giáo viên trong các nhà trường trên không dám đứng lên đấu tranh? Giá như, có sự thẳng thắn đấu tranh trong nội bộ các nhà trường từ lúc sự việc mới phát sinh có lẽ không đến mức phải tốn giấy mực của báo chí nhiều đến thế.
Giờ đây, nhiều giáo viên răm rắp tuân lệnh cấp trên vì họ sợ bị mất việc! (ảnh minh họa từ nguồn Vietnamnet.vn). |
Đâu là lý do sợ đấu tranh của các cô thầy cô giáo - những con người đáng lẽ phải đầu tàu, gương mẫu trong chống tiêu cực.
Nhưng sau khi tiếp xúc với vụ việc 28 giáo viên Trung học Cơ sở bị điều xuống dạy học mầm non ở huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa thì tôi mới nhận ra được một sự thật. Không phải giáo viên không biết đấu tranh, không biết nói thẳng mà đơn giản cái phận của giáo viên thời nay nó mỏng quá!
Một lời nói thẳng thôi nhiều lúc khiến cái sinh mệnh nghề nghiệp của họ có thể bị lung lay bất cứ lúc nào!
Tâm sự trong tiếng nấc nghẹn ngào với phóng viên, một cô giáo thuộc diện bị điểu chuyển xuống mầm non ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa chia sẻ:
“Giáo viên bọn em, tuy gắn bó với ngành 10 năm nay. Nhưng cũng chỉ là giáo viên hợp đồng dài hạn, không phải biên chế như trước. Mà đã là hợp đồng dài hạn, thì việc bị cho thôi việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không chỉ riêng bọn em đâu mà giáo viên các nơi khác cũng thế. Mang tiếng là giáo viên có ngạch rõ ràng nhưng cái thân phận thì mỏng như lá lúa”.
Sau khi sự việc 28 giáo viên Trung học Cơ sở bị điều xuống dạy ở bậc mầm non tại Ngọc Lặc được báo chí đề cập, những tưởng áp lực của các cô giáo phải chịu đựng gần một năm qua được giảm đi vì sự quan tâm của chính quyền các cấp.
Nỗi thống khổ của giáo viên bị điều chuyển đi dạy mầm non ở Ngọc Lặc |
Ai ngờ, khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, một số giáo viên đã gọi điện tâm sự rằng, có giáo viên bị cấp trên bắt viết giải trình vụ việc.
Khốn khổ hơn, trong bài báo "Nỗi thống khổ của những giáo viên bị điều xuống dạy bậc mầm non ở Ngọc Lặc", trong đó có đề cập đến cô giáo tên T. và tên H., ngay lập tức những cô giáo có tên có chữ cái T. và H. đứng đầu được mời về để xét hỏi.
Qua các kênh thông tin, phóng viên nắm được nhiều giáo viên trong số 28 giáo viên buộc phải khai nhận mình đã thông tin trao đổi với báo chí với lãnh đạo cấp trên.
Qua sự việc trên có thể thấy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các giáo viên này được Hiến pháp bảo vệ đang bị xâm phạm.
Sau khi nghe những lời tâm sự của các giáo viên, mới thấy được, ở môi trường giáo dục huyện Ngọc Lặc hiện nay thì việc nói thẳng, nói ước nguyện chính đáng của cá nhân thôi cũng vô cùng khó khăn.
Thanh Hóa liên tục thúc ép mở lớp ngược với yêu cầu của Bộ Giáo dục |
Thiết nghĩ, ở đâu cũng ngăn cản giáo viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với báo chí như vậy thì làm sao tâm tư, nguyện vọng của các cô thầy giáo được các cấp lãnh đạo biết đến, cũng từ đó có những chính sách đứng đắn, phù hợp, góp phần đưa ngành giáo dục phát triển.
Từ vụ việc trên, rồi đối chiếu với nhiều vụ việc bê bối trong giáo dục vừa xảy ra như ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, chúng ta mới hiểu rằng, cái phận giáo viên giờ nó mỏng manh lắm.
Thật khó đòi hỏi các cô thầy giáo nói thật được tâm tư nguyện vọng của mình và khó để kỳ vọng họ đứng lên đấu tranh chống tiêu cực, vạch trần sai trái.
Nghe tâm sự những áp lực mấy ngày qua của các giáo viên đã trót trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mà cảm thấy thương cho cái phận giáo viên phổ thông trong bối cảnh hiện nay!