Phí "bôi trơn" tăng do cán bộ năng lực phẩm chất kém

18/03/2017 09:14
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Bùi Thị An, muốn giải quyết vấn đề phí "bôi trơn" thì phải làm tốt công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố cho thấy trong giai đoạn 2014- 2016 doanh nghiệp phải chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.

Cụ thể trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị (tỉnh có chỉ số cạnh tranh mức trung bình) cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức.

9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).

Doanh nghiệp phải chi khoản phí không chính thức quá nhiều - ảnh minh họa/ nguồn Tuổi trẻ
Doanh nghiệp phải chi khoản phí không chính thức quá nhiều - ảnh minh họa/ nguồn Tuổi trẻ

Cần chỉ mặt đặt tên

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết, các khoản chi không chính thức của doanh nghiệp chính là khoản phí “bôi trơn”. Phí "bôi trơn" gia tăng cho thấy thực trạng còn nhiều cá nhân, đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước làm việc thiếu trách nhiệm, tìm mọi cách gây khó dễ, mục đích cuối cùng để doanh nghiệp phải chi tiền.

“Phí “bôi trơn” là câu chuyện không mới nhưng gần như chúng ta cứ nêu ra, khơi ra qua con số khảo sát, đánh giá. Như vậy thôi thì chưa đủ, cần phải “chỉ mặt - đặt tên”, làm rõ những cơ quan, đơn vị, cá nhân nào gây nhũng nhiễu”, Đại biểu Bùi Thị An cho biết.

Theo PGS. Bùi Thị An phí “bôi trơn” doanh nghiệp phải chi ai cũng biết nhưng vấn đề giải quyết làm sao để vừa triệt tiêu phí “bôi trơn” đồng thời doanh nghiệp vẫn được việc.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng chi phí không chính thức doanh nghiệp phải chi khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước chính là phí "bôi trơn" - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng chi phí không chính thức doanh nghiệp phải chi khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước chính là phí "bôi trơn" - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

PGS. An phân tích phí “bôi trơn” được hiểu là khoản tiền doanh nghiệp buộc phải chi cho việc tiếp khách, cho tiền quà cáp các đơn vị, cá nhân trực thuộc cơ quan công quyền.

Khoản chi phí đó doanh nghiệp dù không muốn cũng phải chi mới xong thủ tục giấy tờ phục vụ cho dự án.

“Vấn đề ở chỗ phí bôi trơn chỉ người đưa (doanh nghiệp) và người nhận (cá nhân, đơn vị thuộc bộ máy cơ quan công quyền) mới biết rõ về nhau cũng như con số.

Người nhận không ai tự “vạch áo cho người xem lưng” còn doanh nghiệp không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù, sợ bị trù úm gây khó dễ sau này”, bà An nói.

Phí "bôi trơn" tăng do cán bộ năng lực phẩm chất kém ảnh 3

Ai đang "xin đểu" doanh nghiệp?

Trước thực tế này theo PGS.Bùi Thị An cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành các đơn vị thanh tra, giám sát cần phải tạo ra một kênh thông tin đủ tin cậy để người dân, doanh nghiệp có thể tin tưởng đứng ra tố cáo đơn vị, cá nhân vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

PGS.Bùi Thị An cho biết rất tâm đắc phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đơn thư tố cáo dù nặc danh, dấu tên nhưng không được bỏ qua.

Theo quy định đơn nặc danh không có người tố cáo không lập quy trình giải quyết. Tuy nhiên nếu đơn thư tố cáo có nội dung địa chỉ cụ thể thì phải xem xét, kiểm tra để tăng cường giám sát phát hiện sai phạm nếu có.

“Các đồng chí lãnh đạo phải có kênh nào đó đủ tin cậy để người dân, doanh nghiệp dám nói thẳng, nói ra những tiêu cực, dám nói mà không sợ bị trả thù, bị ghét, bị trù úm”, PGS.An nói.

Làm tốt doanh nghiệp không vô ơn

PGS.Bùi Thị An nêu ra một nghịch lý trong vấn đề phí “bôi trơn”, theo đó trong giai đoạn vừa qua Chính phủ đã nỗ lực rất lớn nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thể hiện rõ nhất là việc Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết và văn bản dưới luật để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm rào cản cho doanh nghiệp phát triển.

Những nỗ lực của Chính phủ được ghi nhận và thể hiện qua con số hơn 100. 000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016. 

Phí "bôi trơn" tăng do cán bộ năng lực phẩm chất kém ảnh 4

 Phải loại bỏ cán bộ "cố tình không hiểu luật" để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Trước nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành PGS. An cho biết theo logic khi thủ tục hành chính cắt giảm, chính sách được cởi trói thì phí “bôi trơn” phải giảm tuy nhiên phí bôi trơn lại gia tăng, đây là một nghịch lý.

“Nghịch lý ấy cho thấy, một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới và các đơn vị trực tiếp làm việc với doanh nghiệp còn chưa chuyển biến cách làm việc theo đúng tinh thần và ước vọng của Chính phủ cũng như mong muốn của nhân dân”, PGS.An cho biết.

Theo bà An với tính cách và truyền thống tốt đẹp người Việt Nam chỉ cần cán bộ công chức, viên chức những người thực thi pháp luật làm đúng chức trách với tinh thần phục vụ thì người dân và doanh nghiệp sẽ không quên.

“Trên thực tế có câu chuyện cán bộ công chức, viên chức nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, giúp đỡ người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trước sự tận tụy đó người dân, doanh nghiệp gửi quà cảm ơn đó là chuyện bình thường.

Phần quà cảm ơn đó cán bộ công chức, viên chức được phép nhận không ai cấm, bởi đấy là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nhưng cảm ơn khác với chuyện anh cố tình kéo dài, cố tình gây khó để vòi vĩnh rồi doanh nghiệp đưa tiền anh mới giải quyết”, bà An chia sẻ.

Nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng cán bộ thực thi công vụ gây khó dễ để vòi vĩnh doanh nghiệp theo bà An đến từ công tác quản lý cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ. 

Bà An cho biết chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp vụ bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định được dư luận nêu ra như trường hợp bổ nhiệm Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Sabeco hay như việc bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Vũ Minh Hoàng.

Cán bộ trẻ dù tài năng nhưng không được cắt xén bước tuyển dụng mà phải thực hiện thi tuyển theo đúng quy định để chọn lựa người tài.

“Với vị trí nhạy cảm như kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, phê duyệt thủ tục giấy tờ phải chọn người đủ đức, đủ tài, có kinh nghiệm. Đặc biệt sau khi bổ nhiệm, phải giám sát.

Tóm lại công tác cán bộ phải làm chặt nhưng không phải chỉ chặt theo quy trình thay vào đó việc lựa chọn cán bộ cần công khai minh bạch trong thi tuyển, theo dõi, giám sát cán bộ sau khi đề bạt, bổ nhiệm. Có như vậy mới giảm tình trạng cán bộ thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp”, bà An nêu lên giải pháp.

Mai Anh